Công sở thiếu lao động, không thể "truy" COVID-19: Vì sao vẫn xác định F1?

Phạm Đông| 03/03/2022 07:50

Nhiều công sở đang thiếu lao động do số F0, F1 ngày càng nhiều. Quy định F1 như hiện nay liệu còn phù hợp khi không có khả năng truy vết COVID-19, trong khi y tế cơ sở quá tải, không thể xác nhận được tất cả F0, chưa nói đến đối tượng F1?

Liên tục trở thành F1 nhưng không được xác nhận

Chị Nguyễn Thị Thu Hương (31 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đã 2 lần trở thành F1 do có tiếp xúc với người mắc COVID-19. Lần thứ nhất chị là F1 từ ngày 7.2 nên đã liên hệ với y tế phường để khai báo. Sau đó, nhân viên y tế chỉ nói chị tự theo dõi sức khoẻ và cách ly tại nhà. 15 ngày sau, dù trường hợp  F0 chị tiếp xúc đã khỏi bệnh nhưng chị vẫn chưa nhận được điện thoại hỗ trợ. Khi đó, chị không có quyết định công nhận F1 để cách ly và không được yêu cầu khai báo những trường hợp F2.

Cuối tháng 2, khi người cùng nhà có F0 và liên hệ với y tế phường nhưng vẫn bất thành. Cứ như vậy, chị trải qua 2 lần F1 tự giác cách ly tại nhà. Tuy nhiên, chị cho biết, sau Tết Nguyên đán, công ty liên tục có F0 nên thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Việc F1 như chị phải nghỉ 2 lần trong một tháng cũng khiến công ty không thể xoay sở được.

Tương tự, anh Nguyễn Trung (30 tuổi, Thanh Xuân) cho biết, bản thân anh liên tục là F1 của 3 người là vợ, mẹ vợ và con gái. Cứ hết 5 ngày cách ly đợt này lại "được" chuyển sang một đợt cách ly khác khiến anh rất mệt mỏi. Khi liên hệ ra phường, anh cũng không được địa phương xác nhận.

Tuy nhiên, dù không có xác nhận của phường nhưng anh Trung chẳng thể đi làm vì cơ quan không cho phép. Bởi hiện tại cơ quan anh vẫn áp dụng quy định F1 ở nhà trong vòng 5 ngày.

Chuyên gia cho rằng không nên cách ly F1 như hiện nay.
Chuyên gia cho rằng cách ly F1 như hiện nay không còn phù hợp

Đã đến lúc bỏ khái niệm F1?

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục lập những kỷ lục mới. Có tới 96% số ca nhiễm là nhẹ hoặc không có triệu chứng, chủ yếu điều trị tại nhà, chỉ cần khai báo với y tế phường. Tuy nhiên, một thực tế là thủ tục xác nhận F0 và người khỏi bệnh đang trở thành một gánh nặng với y tế cơ sở, gây thêm mệt mỏi với người dân.

Việc người dân liên tục trở thành F1, cách ly tại nhà cũng khiến việc "cách ly chồng cách ly". Một số ý kiến cho rằng, cần bỏ khái niệm, quy định F1 bởi không còn phù hợp, không có giá trị truy vết và cũng không được công nhận từ chính quyền địa phương.

Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, khái niệm F0, F1 không còn giá trị trong bối cảnh ca mắc cả nước lên đến gần 100.000/ngày như hiện nay. Ngành y tế hiện đang chủ yếu thống kê số ca bệnh, bệnh nhân đang điều trị, bệnh nhân nặng chứ không thể đếm xuể các trường hợp F1.

Ngoài ra, các địa phương cũng không còn truy vết được những trường hợp tiếp xúc của F0 như giai đoạn trước. Tương tự, khi có F1 thì cũng không ai đi xác định những trường hợp F2. Nếu giờ tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà 5 ngày với F1 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và công việc của người dân.

Do đó, ông Khanh đề xuất chỉ nên coi những ai mắc bệnh, những người không mắc bệnh chứ không quy định F0, F1 nữa. Chỉ cần đảm bảo khi mọi người ra ngoài đường, đến nơi làm việc, nơi công cộng thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế. Nếu họ có triệu chứng thì tự test và điều trị tại nhà, khỏi bệnh lại tiếp tục đi làm. Ngành y tế chỉ cần tập trung cho những bệnh nhân nặng, bệnh nhân phải thở máy để hạn chế ca tử vong.

"Cần coi COVID-19 là bệnh đặc hữu thông thường vì hầu hết người mắc nhẹ, ít triệu chứng. Ngành y tế và chính quyền địa phương cần quay sang bảo vệ những người lớn tuổi, nhóm nguy cơ cao có bệnh nền. Khi các hoạt động đã được mở cửa thì cần gì phải truy vết hay phân loại như giai đoạn trước" - ông Khanh nói.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam - cho biết, hiện F1 là những trường hợp có yếu tố nguy cơ mắc bệnh, ngành y tế dựa vào đó để theo dõi. Trong giai đoạn hiện nay, những người này vẫn có thể đi làm nhưng cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Theo ông, hiện nay, những trường hợp này không còn quá nghiêm ngặt, truy vết như giai đoạn trước nên cũng cần điều chỉnh cho phù hợp.

Một chuyên gia y tế khác phân tích, theo quy định hiện nay,  F1 cách ly 5 ngày. Nhưng F1 sau cách ly đi làm vẫn có thể trở thành F1 rồi lại nghỉ thêm 5 ngày... "Một công ty nếu cứ phải cho F1 ở nhà thì lấy ai làm việc. Do vậy nên bỏ khái niệm F1. Với thực tế vaccine được bao phủ rộng như hiện nay, vẫn ưu tiên bảo vệ những người bệnh nền, chưa tiêm đủ vaccine và tất cả mọi người không nên chủ quan. Nhưng  cần phải dần coi COVID-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường" - chuyên gia nêu ý kiến.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Công sở thiếu lao động, không thể "truy" COVID-19: Vì sao vẫn xác định F1?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO