'Tài sản' khiến Jack Ma khốn đốn

08/01/2021 10:37

Một trong những “tài sản” giá trị nhất, cũng chính là thứ khiến Ant Group bị nhắm tới là khối dữ liệu khổng lồ của khách hàng.

Khi Ant Group, tập đoàn tài chính công nghệ do tỷ phú Jack Ma sáng lập bị chính quyền Trung Quốc hạn chế vào tháng 11 với những quy định tài chính mới, thì đối tượng thực sự đang bị nhắm tới lại là một thứ vô hình: dữ liệu người dùng.

Wall Street Journal nhận định Jack Ma không có nhiều cơ hội để mặc cả, khi mà công ty mà ông gầy dựng trong nhiều năm đã bị chính quyền đưa vào tầm ngắm. Đó dường như là hậu quả khi vị tỷ phú nổi tiếng mạnh miệng quá tập trung vào công ty của mình, thay vì để ý tới mục tiêu kiểm soát rủi ro tài chính của chính quyền.

jack ma mat tich anh 1
Quyết định không chia sẻ dữ liệu của Ant Group khiến cho công ty này khốn đốn. Ảnh: Reuters

Một trong những điểm khiến Ant Group bị đưa vào tầm ngắm là lợi thế cạnh tranh bằng dữ liệu, mà các nhà quản lý cho rằng không công bằng đối với các đơn vị cho vay nhỏ, và thậm chí cả với các ngân hàng lớn. Lượng dữ liệu khách hàng này được Ant Group thu thập trong nhiều năm qua ứng dụng thanh toán Alipay.

Khi Ant hiểu quá rõ người dùng

Với hơn một tỷ người dùng, Alipay có đủ dữ liệu để biết rõ về thói quen chi tiền, hành vi vay vốn cũng như lịch sử vay, thanh toán của họ.

Nhờ có lượng dữ liệu đó, Ant đã mở rộng thị trường cho vay lên tới hơn nửa tỷ khách hàng, và liên kết với khoảng 100 ngân hàng thương mại để có dòng vốn. Khi ấy, các ngân hàng vẫn phải chịu rủi ro nếu khách hàng vỡ nợ, trong khi Ant thu lợi khi làm trung gian.

Mô hình này được các nhà quản lý tại Trung Quốc đánh giá là không công bằng, và yêu cầu Ant phải thay đổi.

Không chỉ đứng trước rủi ro bị quản lý hoạt động cho vay như một ngân hàng, đồng nghĩa với tự tìm nguồn vốn cho khách hàng vay, Ant còn có thể bị siết chặt về lượng dữ liệu họ đang quản lý.

jack ma mat tich anh 2
Dữ liệu của người dùng Ant Group là thứ "tài sản" quý, bị nhắm tới. Ảnh: AP

Một trong những kế hoạch được đề xuất là yêu cầu Ant cung cấp thông tin cho hệ thống chấm điểm tín dụng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Lựa chọn khác là Ant phải chia sẻ thông tin khách hàng cho đối tác đánh giá tín dụng, cũng nằm dưới sự kiểm soát của ngân hàng trung ương.

“Vấn đề chính ở đây là làm thế nào quản lý việc độc quyền dữ liệu”, Wall Street Journal dẫn lời một thành viên của hội đồng chống độc quyền chính phủ Trung Quốc.

Đến nay, vẫn chưa rõ chính quyền sẽ yêu cầu Ant chia sẻ toàn bộ hay chỉ một phần dữ liệu, và nếu chỉ một phần thì có bao gồm dữ liệu mật về độ tin cậy của từng khách hàng hay không.

“Công khai lịch sử và điểm đánh giá tín dụng là một điều tốt. Nó giúp hoạt động cho vạy cạnh tranh hơn, tránh tình trạng vay vốn quá sức”, Martin Chorzempa, nhà nghiên cứu về chính sách tài chính công nghệ Trung Quốc chia sẻ.

Tham vọng của cơ quan quản lý

Nhiều năm qua, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cố gắng xây dựng hệ thống đánh giá tín dụng như điểm FICO được sử dụng ở Mỹ. Hệ thống này sẽ giúp những đơn vị cho vay phân tích rủi ro nhanh hơn, và có thể đánh giá cả công ty lẫn cá nhân.

Đây là một trong những nỗ lực số hóa chính phủ của Trung Quốc.

Bản thân Jack Ma cũng có nhiều biện pháp để hỗ trợ chính phủ Trung Quốc. Dữ liệu của Alibaba từng được dùng để truy bắt tội phạm, nhận dạng người bất đồng. Ứng dụng Alipay cũng có tính năng truy vết, giúp Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 nhanh hơn.

Tuy nhiên, nhà sáng lập Ant cũng nhiều lần bày tỏ sự phản đối khi các nhà quản lý muốn sử dụng dữ liệu tín dụng cá nhân mà Ant sở hữu.

Năm 2015, Ant bắt đầu đưa ra hệ thống riêng tính điểm tín dụng, gọi là Zhima Credit. Hệ thống này chấm điểm cả những cá nhân, doanh nghiệp nhỏ chưa từng vay tiền ở dâu trong hệ thống ngân hàng.

jack ma mat tich anh 3
Phát biểu của Jack Ma vào tháng 10/2020 cũng là một nguyên nhân khiến Ant Group gặp rắc rối. Ảnh: EPA

Vào năm 2018, ngân hàng trung ương Trung Quốc mở công ty thống kê điểm tín dụng cá nhân có tên Baihang Credit. Ant, Tencent Holdings cùng 6 doanh nghiệp khác được mời trở thành cổ đông thiểu số của Baihang Credit. Cổ đông lớn nhất là Hiệp hội tài chính Internet quốc gia, nằm dưới sự kiểm soát của ngân hàng trung ương.

Kế hoạch ban đầu là Ant và các công ty khác sẽ cùng đóng góp vào kho dữ liệu người dùng chung, được các tổ chức tài chính trên toàn Trung Quốc sử dụng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã đổ bể.

Ant từ chối cung cấp dữ liệu người dùng, thứ mà họ cho là mấu chốt cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, tham vọng của Zhima Credit cũng bị thu lại. Chương trình này giờ đây về cơ bản là một chương trình ưu đãi khách hàng trung thành, với những phần quà như tặng sạc điện thoại, xe đạp cho người có điểm tín dụng cao.

Bản thân Jack Ma cũng vướng vào những rắc rối sau một bài phát biểu vào cuối tháng 10. Tại hội nghị thương mại ở Thượng Hải, ông chỉ trích cách quản lý tài chính của Trung Quốc. Trong bài phát biểu dài 21 phút, ông cho rằng mối lo ngại của hệ thống tài chính Trung Quốc không phải rủi ro hệ thống.

Ông chỉ trích các nhà quản lý "chỉ tập trung vào rủi ro mà bỏ qua sự phát triển". Tỷ phú Ma cũng cáo buộc các ngân hàng lớn nuôi dưỡng "tâm lý tiệm cầm đồ". Ông Ma cho rằng điều đó đã làm tổn thương nhiều doanh nhân.

Sau bài phát biểu đó, sóng gió đến với Ant khi các nhà quản lý siết chặt công ty này. Theo nguồn tin của Wall Street Journal, trong cuộc họp vào đầu tháng 11/2020, Jack Ma đề nghị chính phủ “có thể lấy bất cứ thứ gì cần thiết từ Ant”.

jack ma mat tich anh 4
Ant Group đang bị hạn chế, buộc phải giảm quy mô ở nhiều hoạt động tín dụng. Ảnh: Reuters

Vào cuối tháng 12/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra lộ trình để Ant tái cấu trúc mô hình kinh doanh, trong đó yêu cầu công ty này phải được cấp phép trước khi tham gia thị trường tín dụng.

Trong thông báo của mình, Phó thống đốc ngân hàng chỉ trích Ant vì đã “không tuân thủ các quy định”.

Vài tuần gần đây, Ant đã buộc phải giảm quy mô hoạt động, hạ thấp mức tín dụng với người dùng cá nhân và gỡ bỏ các sản phẩm tài chính đang bị soi.

Từ thời điểm vụ IPO bị hủy vào đầu tháng 11, giá trị của Ant đã tụt từ mức 859 tỷ USD xuống còn dưới 600 tỷ USD vào cuối năm 2020. Alibaba, công ty hiện sở hữu khoảng 1/3 số cổ phần của Ant cũng chịu ảnh hưởng khi cổ phiếu đã mất 2% trong năm nay.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Tài sản' khiến Jack Ma khốn đốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO