Nhìn lại cuộc đời Lee Kun-hee, người đưa Samsung thành “ông trùm công nghệ”

26/10/2020 16:48

Chủ tịch Lee Kun-hee, người đã đưa Samsung trở thành một “ông trùm công nghệ” của thế giới, đã qua đời ở tuổi 78. Hãy cùng nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Những năm đầu đời

Sinh ngày 9/1/1942 tại huyện Uiryeong (tỉnh Gyeongsangnam-do, Hàn Quốc), Lee Kun-hee là con trai út của Lee Byung-chul, nhà sáng lập Samsung.

Lee Byung-chul thành lập Samsung vào năm 1938, hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu rau, củ, trái cây, cá khô… sang Mãn Châu và Bắc Kinh (Trung Quốc). Tên gọi Samsung có nghĩa là “ba ngôi sao” trong tiếng Hàn Quốc.

Nhìn lại cuộc đời Lee Kun-hee, người đưa Samsung thành “ông trùm công nghệ” - 1

Lee Kun-hee khi còn nhỏ và cha mình, Lee Byung-chul, nhà sáng lập Samsung

Khi còn là một thiếu niên, Lee Kun-hee yêu thích xe phim và các loại xe ô tô. Lee Kun-hee cũng chơi các môn thể thao ở trường phổ thông như đấu vật, bóng bầu dục… Lee Kun-hee đã lấy bằng kinh tế tại Đại học Waseda, một trường đại học tư nhân danh tiếng tại Nhật Bản. Ông sau đó tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ kinh doanh tại Đại học George Washington (Mỹ), nhưng đã bỏ dở giữa chừng và không nhận bằng.

Lee Kun-hee gia nhập công ty của cha mình vào năm 1968 và đến năm 1971, Lee Byung-chul đã chọn con trai út sẽ là người kế nhiệm mình tại Samsung. Năm 1974, Samsung lần đầu “lấn sang” sang lĩnh vực công nghệ khi mua lại 50% cổ phần của Hankook Semiconductor, một công ty sản xuất bán dẫn. Công việc kinh doanh từ thương vụ này đã đạt được lợi nhuận vào năm 1988 nhờ vào nhu cầu tăng cao của chip nhớ RAM trên máy tính.

Chỉ 2 tuần sau khi nhà sáng lập Samsung Lee Byung-chul qua đời vào năm 1987, Lee Kun-hee đã tự bổ nhiệm bản thân vào chiếc ghế Chủ tịch do cha mình để lại.

Sự nghiệp tại Samsung

Sau khi trở thành Chủ tịch Samsung, Lee Kun-hee đã có những thay đổi chiến lược toàn diện để đưa Samsung, vào thời điểm đó chỉ là một công ty điện tử chuyên sản xuất TV và các thiết bị gia dụng rẻ tiền lột xác để trở thành một hãng công nghệ hàng đầu thế giới.

Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhận thấy rằng Samsung đang quá tập trung sản xuất số lượng lớn các sản phẩm kém chất lượng và không đủ sức để cạnh tranh, Lee Kun-hee đã đưa ra một tuyên bố khiến nhiều người phải giật mình: “Hãy thay đổi mọi thứ, ngoại trừ vợ con của bạn”. Đúng với tuyên bố này, ông đã nỗ lực để thay đổi văn hóa làm việc và kinh doanh tại Samsung và đặc biệt nâng cao chất lượng sản phẩm của hãng.

Nhìn lại cuộc đời Lee Kun-hee, người đưa Samsung thành “ông trùm công nghệ” - 2

Lee Kun-hee là người có vai trò quan trọng để đưa Samsung trở thành một “ông trùm công nghệ” trên toàn cầu

Năm 1995, Lee Kun-hee đã tập trung 2.000 nhân viên Samsung để họ được tận mắt chứng kiến ông châm lửa thiêu rụi hơn 150.000 điện thoại di động, máy fax và các sản phẩm khác của Samsung mà theo Lee là không đạt được tiêu chuẩn do ông đề ra.

Dưới sự lãnh đạo của Lee Kun-hee, Samsung từ một thương hiệu bình dân tại Hàn Quốc đã trở thành một thương hiệu có tiếng tại châu Á trước khi mở rộng ra phạm vi toàn cầu.

Một trong những công ty con thành công nhất của tập đoàn, Samsung Electronics, hiện là hãng điện thoại di động và sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới. Năm 2006, Samsung Electronics đã vượt qua hãng công nghệ Nhật Bản là Sony để trở thành hãng sản xuất TV lớn nhất thế giới, đồng thời Samsung cũng cán mốc thị trường 100 tỷ USD trong năm này.

Ngày nay, doanh thu của Samsung đã tăng gấp 40 lần so với năm 1987, đóng góp đến 20% GDP cho Hàn Quốc và đưa Lee Kun-hee trở thành người giàu nhất Hàn Quốc, với khối tài sản ước tính đạt 20,9 tỷ USD.

Những rắc rối pháp lý trong thời gian lãnh đạo Samsung

Trong thời gian lãnh đạo Samsung, Lee Kun-hee cũng đã gặp phải không ít rắc rối về pháp luật.

Ngày 14/1/2008, cảnh sát Hàn Quốc đã khám xét nhà và văn phòng làm việc của Lee Kun-hee để phục vụ một cuộc điều tra với cáo buộc Samsung chịu trách nhiệm cho một quỹ “đen” dùng để hối lộ các công tố viên, thẩm phán và các nhân vật chính trị có quyền lực khác tại Hàn Quốc.

Ngày 4/4/2008, Lee Kun-hee phủ nhận những cáo buộc chống lại mình sau vụ bê bối. Tuy nhiên, vào ngày 11/4/2008, sau vòng thẩm vấn thứ hai với các công tố viên Hàn Quốc, Lee Kun-hee đã bất ngờ lên tiếng thừa nhận mọi tội danh, đồng thời từ chức khỏi vị trí Chủ tịch của Samsung.

“Chúng ta, bao gồm cả chính tôi, đã gây ra rắc rối cho quốc gia với cuộc điều tra đặc biệt này. Tôi vô cùng xin lỗi vì điều đó và tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi thứ, cả về mặt pháp lý và đạo đức”, Lee Kun-hee trả lời báo chí vào thời điểm đó.

Nhìn lại cuộc đời Lee Kun-hee, người đưa Samsung thành “ông trùm công nghệ” - 3

Lee Kun-hee từng phải rời khỏi ghế chủ tịch Samsung vì các hành vi phạm pháp của mình

Đến tháng 7/2008, Tòa án quận trung tâm Seoul đã kết luận Lee có tội về các tội danh trốn thuế và gian lận tài chính. Dù các công tố viên đã yêu cầu mức án 7 năm tù và số tiền phạt 350 tỷ won (tương đương 312 triệu USD), tòa án chỉ phạt ông 3 năm tù treo và số tiền phạt 110 tỷ won (98 triệu USD).

Lee Kun-hee đã chấp nhận mức án phạt này và không kháng cáo. Tuy nhiên, đến ngày 29/12/1019, Lee Kun-hee đã được đích thân tổng thống Hàn Quốc vào thời điểm đó Lee Myung-bak ân xá.

Ngày 24/3/2010, Lee Kun-hee tuyên bố trở lại vị trí chủ tịch Samsung, tiếp tục công cuộc điều hành công ty này.

Cũng trong năm 2010, cựu Giám đốc pháp lý của Samsung là Kim Yong-chul đã cho xuất bản một cuốn sách với tên gọi “Think Samsung”, trong đó Kim đã tiết lộ những thông tin chi tiết liên quan đến hành vi tham ô của Lee Kun-hee, như việc ông Lee lấy cắp 10 nghìn tỷ won (tương đương 8,9 tỷ USD) từ các công ty con của Samsung, tiêu hủy bằng chứng và hối lộ các quan chức chính phủ để đảm bảo việc chuyển giao quyền lực cho con trai mình được suôn sẻ… tuy nhiên, những thông tin trong cuốn sách của Kim Yong-chul đã không đưa ra được các bằng chứng thuyết phục.

Tiếp tục dẫn dắt Samsung cho đến khi hôn mê và qua đời

Sau khi trở lại Samsung, Lee Kun-hee tiếp tục dẫn dắt Samsung trong vai trò chủ tịch tập đoàn cho đến khi ông rơi vào trạng thái hôn mê sau khi gặp phải một cơn đau tim vào năm 2014. Trong thời gian hôn mê, con trai của Lee Kun-hee là Lee Jae-yong, phó Chủ tịch Samsung, chịu trách nhiệm thay cha điều hành và trở thành nhà lãnh đạo thực sự của Samsung.

Lee Jae-yong tiếp tục chiến lược của cha mình khi đưa Samsung trở thành hãng công nghệ hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực, từ smartphone, TV, chip nhớ..

Nhìn lại cuộc đời Lee Kun-hee, người đưa Samsung thành “ông trùm công nghệ” - 4

Lee Jae-yong (trái), nhiều khả năng sẽ thay cha mình ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch tại Samsung

Sau khi Lee Kun-hee qua đời vào ngày 25/10 vừa qua, Lee Jae-yong được cho là sẽ thay cha mình ngồi vào chiếc ghế chủ tịch tại Samsung. Việc Lee Jae-yong đã thay cha lãnh đạo Samsung trong suốt 6 năm ông bị hôn mê được xem là đã giúp Lee Jae-yong có đầy đủ kinh nghiệm và sẽ không làm xáo trộn đến định hướng chiến lược của Samsung trong thời gian tới.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại cuộc đời Lee Kun-hee, người đưa Samsung thành “ông trùm công nghệ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO