Cơ sở làm đẹp biến tướng tinh vi, nhiều người bị 'lọt bẫy'

ANH ĐÀO| 09/12/2022 17:22

Nhiều cơ sở làm đẹp hiện nay có xu hướng ngày càng biến tướng, tìm đủ mọi chiêu trò khiến người dân tin tưởng các cơ sở này có thể thực hiện được các dịch vụ chuyên sâu. Hậu quả nhiều người "lọt bẫy" dẫn đến "tiền mất tật mang".

tham-my-304-1624.png
Tháng 10/2022, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã bắt quả tang Thẩm mỹ viện 304 đường Tô Hiến Thành (quận 10) hoạt động không phép, nhiều vật tư y tế đã bị niêm phong - Ảnh: Thanh tra Sở Y tế TP.HCM

Nhiều chiêu trò né tránh lực lượng chức năng

Mới đây, cô gái trẻ 25 tuổi ở TP.HCM đã tử vong sau khi đốt mỡ vùng hai cánh tay và ngực trái tại trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center (154/9 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận).

Khi xảy ra biến chứng, nạn nhân đã được hai bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cứu chữa, nhưng không qua khỏi.

Ngay khi nhận được tin báo Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra thì mới phát hiện toàn bộ cơ sở đã tháo chạy.

Theo chủ căn nhà, người thuê căn nhà để kinh doanh chăm sóc da đã thông báo trả nhà, dọn đi và thanh lý hợp đồng thuê nhà vào ngày 1/12, ngay sau khi vụ tai biến xảy ra.

Không ít các trường hợp đã phải chạy đến các bệnh viện để cầu cứu khi biến chứng xảy ra. Tháng 11/2021, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã cấp cứu thành công cho 2 bệnh nhân gặp biến chứng nặng sau khi tiêm thuốc tan mỡ tại các cơ sở thẩm mỹ, có bệnh nhân phẫu thuật 6 lần mới lành được vết thương.

Như bệnh nhân N.A. (29 tuổi, quận 12, TP.HCM) được điều trị 6 tháng tại bệnh viện do biến chứng sau khi tiêm tan mỡ tại cơ sở thẩm mỹ. Theo lời kể của chị A., sau khi lên mạng Facebook thấy quảng cáo làm tan mỡ của một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn quận 1, chị liền đăng ký thực hiện.

Cơ sở này tư vấn dồn dập các gói giảm giá về tan mỡ, từ vài chục triệu giảm giá còn 13 triệu đồng, tiêm miễn phí luôn vào 2 bên đùi kèm vùng bụng.

Tuy nhiên, sau 10 ngày tiêm chị A. có biểu hiện sưng tấy, biến chứng. Sau đó cơ sở thẩm mỹ này sắp xếp cho chị A. đi liên tiếp 4 nơi khác nhau để giải quyết biến chứng, với 5 lần mổ nhưng không lành.

Sau đó người nhà tìm mọi cách đưa chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Tổng chi phí điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 160 triệu đồng.

Trước đó, tháng 3/2021, Thanh tra Sở Y tế đã bắt quả tang một cơ sở có tên là "Viet Anh Mega Beauty Center" tại địa chỉ 15 Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1.

Cơ sở đã này gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi không hợp tác và có hành vi đối phó với đoàn kiểm tra bằng cách khóa cầu thang máy, khóa cửa đường đi bộ từ tầng trệt lên tầng một.

Đây chính là những chiêu trò đối phó với lực lượng chức năng, và khi xảy ra tai biến thì cơ quan chức năng mới đi kiểm tra, xác minh.

hinh-ktr103202119-1615384613527703350950.jpeg
Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ “Viện thẩm mỹ Hà Nội” ở Gò Vấp phẫu thuật thẩm mỹ không phép bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra vào tháng 3/2021 - Ảnh: Sở Y tế cung cấp

Mạo danh, núp bóng dưới nhiều hình thức

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM thường xuyên bắt quả tang nhưng cơ sở làm đẹp không phép thuê mướn các tòa nhà chung cư, quán cà phê, cơ sở bán mỹ phẩm hay thậm chí là tiệm cắt tóc, gội đầu…

Sở Y tế cho biết để tạo được lòng tin đối với khách hàng, nhiều cơ sở làm đẹp hiện nay chỉ đăng ký chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu... với cơ quan quản lý nhà nước, nhưng thực tế lại tự mình quảng cáo, "đội lốt" là "thẩm mỹ viện", "viện thẩm mỹ"...

Chính điều này gây lầm tưởng cho khách hàng đây là những cơ sở y tế có chuyên môn, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ.

Thanh tra Sở Y tế đã từng phát hiện và xử lý những cơ sở chỉ đăng ký dịch vụ chăm sóc da, nhưng lén lút triển khai phẫu thuật hút mỡ và sử dụng thuốc gây tê, trong khi không có chuyên môn y tế và đây là loại kỹ thuật dễ gây biến chứng.

Gần đây đã ghi nhận thêm cơ sở làm đẹp da, tóc ngang nhiên dùng thuốc gây tê và đã xảy ra sốc phản vệ, nguy hiểm tới tính mạng khách hàng.

Đáng nói hiện nay, nhiều cơ sở còn mạo danh luôn cả nhưng bệnh viện lớn để lôi kéo khách hàng. Điển hình 20/10 vừa qua, Sở Y tế liên tiếp nhận được phản ảnh liên quan đến thẩm mỹ viện Pasteur (Pasteur Institute Clinic), địa chỉ số 4-4B Lê Quý Đôn, phường Võ Thị Sáu, quận 3.

Theo nội dung phản ánh, cơ sở này tiếp tục có dấu hiệu hoạt động dù đã bị cơ quan chức năng tước giấy phép hoạt động khám chữa bệnh và đình chỉ hoạt động. Chưa kể việc đặt tên cơ sở là "Viện Pasteur" gây nhầm lẫn cho khách hàng, quảng cáo không đúng sự thật...

Trước đó, ngày 10/8, cơ sở này đã bị đình chỉ hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên khám, chữa bệnh cho khách hàng.

Mới đây, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã phải lên tiếng vì có không ít bệnh nhân liên hệ với khoa tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện để hỏi về các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ có gắn tên... Chợ Rẫy.

Tăng nặng mức xử phạt

Sở Y tế TP.HCM cho biết tại TP.HCM có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da được cấp phép.

Tuy nhiên, khó khăn không nhỏ cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước khi chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về biển hiệu của các cơ sở cung ứng "dịch vụ làm đẹp", hiện tượng phổ biến đó là hầu hết biển hiệu của các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đều chọn tên "thẩm mỹ viện" hay "viện thẩm mỹ".

Thực tế, qua thanh kiểm tra các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da đã phát hiện và xử lý nghiêm một số cơ sở sử dụng thuốc tê dạng tiêm và cung cấp các dịch vụ làm đẹp trái phép.

Ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - mong người dân tìm hiểu kỹ và chọn lựa đúng các cơ sở cung cấp dịch vụ khi có nhu cầu làm đẹp.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép hãy gọi ngay đường dây nóng chuyên tiếp nhận các phản ánh hành nghề trái phép, vẽ bệnh qua số 0989401155, hoặc vào ứng dụng "Y tế trực tuyến" để Thanh tra Sở Y tế có thông tin kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.

Bài liên quan
  • Nhập nhằng biển hiệu thẩm mỹ viện của các loại hình cơ sở làm đẹp
    TPHCM - Theo Sở Y tế TPHCM, hiện chưa có quy định chi tiết về tên biển hiệu của các loại hình có cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp. Thẩm mỹ viện hay viện thẩm mỹ thường được các cơ sở làm đẹp chọn đặt tên làm người dân dễ nhầm lẫn, khó phân biệt được các loại hình cơ sở làm đẹp theo quy định.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở làm đẹp biến tướng tinh vi, nhiều người bị 'lọt bẫy'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO