Cơ sở bệnh viện xuống cấp, thiệt thòi trút lên người bệnh

NGUYỄN LY| 10/11/2022 17:41

Bệnh viện Trưng Vương trong đại dịch COVID-19 là cơ sở y tế đầu tiên của TPHCM chuyển thành bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 với công suất 1.000 giường. Sau dịch, hệ thống trang thiết bị tại bệnh viện bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến khám chữa bệnh cho người dân.

Thời điểm tháng 6.2021, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM nhận được chỉ đạo của thành phố trong vòng 3 ngày phải chuyển đổi toàn bộ công năng của bệnh viện thành bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19.

Cuối năm 2021, dịch hạ nhiệt nên nhiều khoa phòng dần tiếp nhận trở lại bệnh nhân thông thường, nhưng đến tận tháng 5.2022 Bệnh viện Trưng Vương mới hoạt động 100% như lúc chưa có dịch.

 
Khi bệnh viện không đủ nguồn lực trang bị các thiết bị y tế tiên tiến, người bệnh là đối tượng chịu thiệt thòi nhất. Ảnh: FBBV

Bác sĩ Phạm Ngọc Huy Tuấn - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương cho biết: "Dịch bệnh không ai mong muốn, vì trận dịch này chưa có tiền lệ nên chúng tôi chấp nhận đi đầu. Tuy nhiên, đi đầu cũng cần có một chế độ riêng nằm ngoài quy định thì mới có thể phục hồi lại được. Dịch COVID-19 không chỉ tàn phá người bệnh mà còn tàn phá cơ sở vật chất của bệnh viện điều trị. Trong thời gian dịch, bệnh viện phải thường xuyên phun xịt khử khuẩn các khoa nên máy vi tính, máy lạnh, máy thở, máy điện tim... hư hao rất nhanh nhưng hiện nay vẫn chưa có kinh phí để mua sắm máy mới".

Theo ghi nhận, hiện giờ bệnh viện đã hoạt động trở lại bình thường nhưng cơ sở vật chất trong tình trạng thiếu thốn.

Đại diện Bệnh viện Trưng Vương cho biết: "Tiền không có để mua sắm lại và cứ chắp vá máy này sang máy kia. Máy tính hư không chuyển dữ liệu lên được, lạc dữ liệu, không có phim X-quang cho người bệnh nên nhiều bác sĩ hỏi tôi đoán bệnh dùng thuốc kháng sinh được không, nghe rất đau lòng. Theo đó, nhân viên y tế thực sự không chết được nhưng thiệt thòi cuối cùng trút lên hết người bệnh".

Tại buổi trao đổi với Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM đã giám sát việc thực hiện đề án y tế thông minh, bác sĩ Tuấn cho biết: “Máy tính ở khoa cấp cứu giờ tan nát hết, chắp vá liên tục, có những máy bị hư mất dữ liệu, chậm dữ liệu, không có phim X-Quang cho người bệnh. Nhân viên ở khoa gọi tôi giờ không có phim X-Quang trị bệnh viêm phổi giống như phòng mạch bình thường. Máy hư, dữ liệu hư, chuyển đổi không kịp, từ những điều nhỏ này, nhân viên gánh, người bệnh gánh nhưng thiệt thòi nhất là người bệnh” – bác sĩ Tuấn nói.

Sau khi nghe những trình bày của Bệnh viện Trưng Vương, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trường Giang - Nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, chuyên gia đoàn giám sát Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM cho rằng, bệnh viện đang phải vật lộn với những công việc hằng ngày để tồn tại, chưa nói đến phát triển và cạnh tranh.

Bệnh viện chưa ổn định, thay đổi liên tục, từ bệnh viện thành bệnh viện cấp cứu, rồi tách cấp cứu thành đa khoa, dẫn đến nhiều xáo trộn, khó khăn. Ông đề nghị TP hỗ trợ bệnh viện nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn, không phải ăn đong từng bữa như hiện nay.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở bệnh viện xuống cấp, thiệt thòi trút lên người bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO