Có nên đề xuất dạy thêm là ngành nghề kinh doanh?

Thanh Thanh| 05/06/2020 16:07

Việt BáoBộ GD-ĐT có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đề xuất đưa “dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Văn bản của bộ này đề cập đến kết quả thực hiện tăng cường quản lý việc dạy thêm, học thêm và cho rằng việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Ngay sau đó, việc đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh đã thu hút sự quan tâm lớn từ phía dư luận. Nhiều người ủng hộ vì cho rằng học thêm là nhu cầu có thực, chính vì chưa được cấp phép nên bị biến tướng, cô thì dạy chui lủi, trò thì bị “trù”. Song cũng có nhiều người lại lên tiếng phản đối.

Thực tế học thêm là nhu cầu có thực

Theo luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp: Ngành giáo dục là ngành nghề đặc biệt, không đơn thuần là kinh doanh nên việc quản lý ngành nghề này cần kết hợp giữa đạo đức xã hội và pháp luật thì mới đảm bảo hiệu quả và nhân văn; hạn chế đưa ra những quy định khắt khe, nặng yếu tố quản lý hành chính rườm rà phức tạp.

"Bởi vậy, theo quan điểm cá nhân tôi thì không nên đưa thêm quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực giáo dục, chỉ cần áp dụng các quy định pháp luật hiện hành và sửa đổi bổ sung chi tiết là có thể quản lý tốt môi trường, lĩnh vực này. Tức là vẫn cho cô giáo dạy thêm nhưng phải quản lý thật tốt để không có tiêu cực.

Giáo dục, bản thân đã là hoạt động ngành nghề có điều kiện. Theo quy định của pháp luật hiện nay thì người giảng dạy phải là người có chuyên môn, nghiệp vụ, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.

Giáo viên, giảng viên phải là người được đào tạo về lĩnh vực giáo dục, nếu là chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Việc đứng lớp làm vậy thì phải đúng chuyên môn, cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về nội dung bài giảng và trình độ năng lực của giáo viên. Dịch vụ giáo dục cũng đòi hỏi người hoạt động trong lĩnh vực này phải là pháp nhân và có sự quản lý của nhà nước. Tức là nó cũng là ngành nghề có điều kiện rồi, không nên phức tạp hóa các thủ tục hành chính trong kinh doanh nữa" - LS Cường nhấn mạnh.

Vấn đề dạy thêm, học thêm là vấn đề nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây. Việc cấm hay không cấm là câu chuyện đã tốn nhiều giấy mực. Tuy nhiên, nhu cầu dạy thêm và học thêm là có thật, việc dạy thêm, học thêm đúng bản chất, đúng nghĩa sẽ tốt cho cả người dạy và người học.

Có thể thấy một thực tế hiện nay chế độ tiền lương đối với giáo viên không cao, đặc biệt là những giáo viên chưa được biên chế thì đời sống càng khó khăn. Bởi vậy việc dạy thêm sẽ là cơ hội để giáo viên có thể tăng thu nhập, tích lũy kiến thức, phát triển bản thân. Có dạy thêm thì học sinh mới có cơ hội được học thêm, tiếp thu thêm kiến thức văn hoá.

Thời gian qua, trong quá trình dạy thêm, học thêm phát sinh những vấn đề tiêu cực là một số trường hợp giáo viên dạy trên lớp qua loa rồi mở lớp vậy thêm, học sinh nào không học thêm thì sẽ không theo được chương trình... Giáo viên có thái độ phân biệt đối xử đối với các học sinh đi học thêm và những học sinh không đi học thêm của giáo viên đó dẫn đến việc bất bình đẳng trong giáo dục, ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em không đi học thêm...

Đây là những chuyện đã từng xảy ra ở một số địa phương, tuy nhiên đây là thiểu số chứ không phải là đa số. Phần lớn các giáo viên dạy thêm là đều có trách nhiệm và các học sinh học thêm đều hiệu quả. Việc vậy thêm, học thêm là nhu cầu và là trên cơ sở tự nguyện.

“Đối với các giáo viên có những thái độ, hành vi ứng xử không chuẩn mực trong quá trình dạy thêm, đe dọa, ép buộc học sinh phải học thêm, phân biệt đối xử với các em không đi học thêm là thiểu số và đây là những giáo viên không đủ phẩm chất đạo đức để theo nghề này.

Bởi vậy nếu trường hợp phát hiện những giáo viên như vậy thì cần phải có những hình thức kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí có thể buộc thôi việc. Vì một vài trường hợp cá biệt mà đánh giá cả một cộng đồng, một nghề nghiệp đối với rất nhiều con người đang hăng say cống hiến và phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục cũng như không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn để cải thiện điều kiện sống của bản thân”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Việc dạy thêm, học thêm hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng các quy định của ngành giáo dục cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát, bồi dưỡng năng lực, trình độ, đạo đức cho giáo viên làm lành mạnh hóa môi trường giáo dục. Tư duy không quản lý được thì cấm không còn phù hợp với thời đại xã hội phát triển như hiện nay.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Có nên đề xuất dạy thêm là ngành nghề kinh doanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO