Chuyện về những người gieo chữ giữa vùng lòng hồ Hòa Bình

14/11/2022 18:00

Hòa Bình - Dù điều kiện nhiều thiếu thốn, các thầy cô giáo vùng lòng hồ vẫn cần mẫn bám trường, bám lớp gieo chữ cho học trò.

Chuyện về những người gieo chữ giữa vùng lòng hồ Hòa Bình
Các thầy cô giáo tại điểm trường xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình vẫn cần mẫn bám trường, bám lớp gieo chữ cho học trò dù điều kiện còn nhiều khó khăn. Ảnh: Hùng Dân.

Đi dạy bằng thuyền

Trong những ngày len lỏi giữa vùng lòng hồ Hòa Bình, PV Báo Lao Động được theo chân các thầy cô giáo trường Tiểu học và THCS Đồng Ruộng tới giảng dạy tại điểm trường xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Đúng 5h30 phút, PV cùng thầy Lường Văn Sắng (SN 1978) – giáo viên trường Tiểu học và THCS Đồng ruộng di chuyển bằng xe máy trên con đường rừng khúc khuỷu, dài chừng 8 km mới xuống tới bến thuyền xóm Hủm (xã Đồng Ruộng).

Hằng ngày, các thầy cô phải đi thuyền 10 km giữa lòng hồ Hòa Bình để đến điểm trường xóm Nhạp giảng dạy.
Hằng ngày, các thầy cô phải đi thuyền 10 km giữa lòng hồ Hòa Bình để đến điểm trường xóm Nhạp giảng dạy.

Từ đây, có thêm cô Lường Thị Tuyết (SN 1976) và cô Lường Thị Thi (SN 1991) đều là cán bộ, giáo viên của nhà trường. Cả 4 người bắt đầu leo lên chiếc thuyền máy nhỏ đang lắc lư vì sóng, thầy Sắng là người trực tiếp điều khiển thuyền chở mọi người sang điểm trường xóm Nhạp.

Trong lúc lênh đênh giữa mặt hồ, ai nấy đều nín thở vì bốn bề là nước, thầy Sắng vừa lái thuyền vừa kể: "Đã 2 năm nay, mỗi ngày 2 lượt từ thứ 2 đến thứ 6, tôi đều đi dạy bằng chiếc thuyền này. Con đường đến xóm Nhạp chỉ chừng 10km đường thủy, nhưng phải mất tới hơn 30 phút di chuyển mới tới nơi".

Theo thầy Sắng, điểm trường này thuộc khu tái định cư xóm Nhạp, nơi đây được ví như “ốc đảo” bởi không có đường bộ nối với các xóm, xã khác. Để đến được đây, chỉ có con đường độc đạo là đường thủy, dùng thuyền máy di chuyển nên rất bất tiện, xen lẫn sự nguy hiểm rình rập.

“Ám ảnh nhất là những ngày mưa gió, thuyền đi chao đảo, lắc lư, tưởng chừng có thể lật bất kì lúc nào. Vì thương trò, mến đám trẻ, mới đủ can đảm để đi tiếp. Nếu mình không sang kịp, đồng nghĩa các em sẽ phải nghỉ học, nên chẳng đành lòng” - thầy Sắng bộc bạch.

Lớp học của học sinh tiểu học tại điểm trường xóm Nhạp chỉ dựng bằng tôn.
Lớp học của học sinh tiểu học tại điểm trường xóm Nhạp chỉ dựng bằng tôn.

Còn đó nhiều khó khăn

Ghi nhận của PV, điểm trường xóm Nhạp là một ngôi nhà nhỏ dựng tạm bằng tôn, được chia thành 2 lớp học. Mỗi lớp có chừng 4 chiếc bàn cho học sinh, một giường 2 tầng kê ngay vách lớp để giáo viên có chỗ nghỉ trưa.

Cô Lường thị Tuyết tâm sự, từ khi điểm trường xóm Nhạp được xây dựng vào năm 2018, cô đã tình nguyện xin về giảng dạy, tới nay được hơn 4 năm.

Học sinh ở đây chủ yếu là người Mường, Tày, điều kiện gia đình các em đều rất khó khăn do toàn hộ nghèo và cận nghèo.

Buổi trưa, các thầy cô tự nấu cơm ăn tại lớp, thực phẩm phải mang đi từ nhà, chiều khoảng 5h, lại từ xóm Nhạp đi thuyền về trung tâm xã Đồng Ruộng vì ở điểm trường chưa có nhà công vụ để ngủ nghỉ lại. Tính ra mỗi ngày, thời gian cả đi lẫn về mất ít nhất 2 tiếng đồng hồ.

Các thầy cô giáo, học sinh tại điểm trường xóm Nhạp rất mong được hỗ trợ xây lớp học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên... đặc biệt, là sớm có đường bộ nối tới xóm Nhạp để thuận tiện đến trường, đến lớp.
Các thầy cô giáo, học sinh tại điểm trường xóm Nhạp rất mong được hỗ trợ xây lớp học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên... đặc biệt, là sớm có đường bộ nối tới xóm Nhạp để thuận tiện đến trường, đến lớp.

Hiện điểm trường xóm Nhạp có 15 em thuộc khối tiểu học và THCS, trong đó có một nửa từ lớp 1 đến lớp 4 học trực tiếp tại xóm Nhạp, một nửa từ lớp 5 trở lên phải đi thuyền sang điểm trường trung tâm xã Đồng Ruộng để theo học hằng ngày.

Thầy Trần Tuấn Vang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đồng Ruộng cho biết: "Điểm trường xóm Nhạp là nơi xa và khó khăn nhất vì phải đi lại bằng thuyền. Nhà trường đã có giáo viên cắm bản tại xóm Nhạp nhưng hiện chưa có nhà công vụ cho thầy cô ở lại nên khá bất tiện vì phải đi về trong ngày".

Cũng theo thầy Vang, ở vùng cao như xã Đồng Ruộng, địa hình toàn đồi núi, sông hồ, đường xá đi lại khó khăn nên học sinh đến trường vô cùng vất vả.

Bởi vậy, nhà trường cũng như người dân rất mong sớm có con đường bộ nối tới xóm Nhạp để học sinh, giáo viên đến trường được thuận tiện hơn.

Video: Theo chân người gieo chữ ở vùng lòng hồ Hòa Bình

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những người gieo chữ giữa vùng lòng hồ Hòa Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO