Chuyện về nghệ nhân nhân dân đưa tượng đá vươn ra thế giới

Khánh Hồng| 01/02/2022 07:36

Điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu không chỉ nổi tiếng trong nước và mà cả ngoài nước. Ông là người đầu tiên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân của ngành điêu khắc đá.

Người "thổi hồn" vào đá

Sinh ra trong một gia đình có 4 đời làm nghề điêu khắc đá, ông Nguyễn Long Bửu (sinh năm 1957, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) như thừa hưởng được tất cả những tinh hoa của cha ông để lại.

Khi còn cắp sách tới trường, ông đã được cha mình trực tiếp truyền nghề. Trưởng thành, ông đi bộ đội rồi về làm việc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ông Bửu trở về quê hương và gắn bó với nghề đá từ đó đến nay.

Chuyện về nghệ nhân nhân dân đưa tượng đá vươn ra thế giới - 1

Nghệ nhân nhân dân - Nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu đang hoàn thiện những khâu cuối cùng của một tác phẩm (Ảnh: Khánh Hồng).

Những tác phẩm điêu khắc của ông đa dạng, phong phú về thể loại nhưng nhiều nhất vẫn là những bức tượng về chân dung.

Tượng chân dung ông tạc, dù là lãnh tụ hay chân dung danh nhân, đều cho cảm giác thật gần gũi, tình cảm, nổi bật tính cách con người Việt Nam.

Theo ông Bửu, để tạo ra được một bức tượng, người thợ cần có sự cần cù, nhẫn nại và độ tinh xảo. Tùy vào độ khó cũng như kích cỡ của mỗi bức tượng, mà tác phẩm có khi một tháng là hoàn thành nhưng có những tác phẩm phải mất nhiều tháng trời.

Chuyện về nghệ nhân nhân dân đưa tượng đá vươn ra thế giới - 2

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Long Bửu bên bức tượng người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (Ảnh: NVCC).

Trước khi tạc tượng, ông phải bỏ thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về tác phẩm. Biết rõ cuộc đời, tính cách, con người nhân vật sẽ giúp ông "thổi hồn" vào mỗi bức tượng.

"Bức tượng thành công hay không nằm ở khuôn mặt, trong đó quan trọng nhất đôi mắt của nhân vật. Đôi mắt sẽ toát lên được thần thái của nhân vật. Một người thợ điêu khắc đá chỉ thực sự đưa nghề điêu khắc lên thành nghệ thuật khi tạo ra được đôi mắt có hồn", ông Bửu nói.

Các tác phẩm của ông không chỉ có mặt ở nhiều địa phương trong nước mà còn vươn ra thế giới. Những tác phẩm ấy không chỉ trong hành trình của du khách đến với quê ông mà còn theo lời mời tham gia triển lãm.

Chuyện về nghệ nhân nhân dân đưa tượng đá vươn ra thế giới - 3

Nhiều tác phẩm đã khẳng định tên tuổi của nhân nghệ Nguyễn Long Bửu thời gian qua (Ảnh: NVCC).

Ở trong nước, phần lớn các địa phương từ Bắc tới Nam đều có tác phẩm của ông như: tượng đài du kích Ba Tơ và Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi), tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (Hải Phòng), tượng Quan Âm tạo sơn (Lạng Sơn và Khánh Hòa)...

Các tác phẩm đến với công chúng thế giới phải kể đến tượng Quan Âm đặt tại Thái Lan, Tháp đá tại Pháp, tượng Phật Thích Ca đặt tại Ấn Độ...

Lần đầu tiên ông tham gia cuộc thi quốc tế và đạt giải thưởng là vào năm 2002. Cuộc thi được tổ chức tại Thái Lan và ông đã đạt huy chương bạc giải điêu khắc. Thành công từ cuộc thi đã để lại cho ông nhiều cảm xúc. Cũng từ cuộc thi này, tên tuổi ông bắt đầu được vang danh, đưa thương hiệu làng nghề Non Nước chạm ngõ nghệ thuật quốc tế.

Có duyên với APEC

Năm 2017, Vườn tượng APEC được khánh thành. Đây nơi trưng bày các bức tượng đại diện cho 21 nền kinh tế tham gia APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Trong khi mỗi nền kinh tế chỉ được chọn một tác phẩm để trưng bày trong vườn tượng APEC thì nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu - đại diện nước chủ nhà Việt Nam - lại có đến 2 tác phẩm.

Chuyện về nghệ nhân nhân dân đưa tượng đá vươn ra thế giới - 4

Các tác phẩm của ông không chỉ có mặt ở nhiều địa phương trong nước mà còn vươn ra thế giới (Ảnh: Khánh Hồng).

Hai tác phẩm được trưng bày tại Vườn tượng APEC có tên "Niềm hạnh phúc" và "Bố cục".

Trong đó, "Niềm hạnh phúc" được tạc bằng cẩm thạch xám, nặng hơn 3 tấn, cao 2,65 m. Đây chính là tác phẩm ông giành huy chương bạc cuộc thi điêu khắc tại Thái Lan năm 2002. Tác phẩm khắc họa đôi chim bồ câu khát vọng hòa bình, tình yêu và hạnh phúc.

Còn "Bố cục" được tạc bằng cẩm thạch đỏ, bệ bằng sa thạch xám nâu, với chiều cao 1,65 m, thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ với tà áo dài Việt Nam. Đây là tác phẩm ông từng đoạt giải thưởng của Quỹ phát triển văn hóa Thụy Điển - Việt Nam năm 2003.

Việc nghệ nhân Nguyễn Long Bửu được chọn 2 tác phẩm trưng bày tại Vườn tượng APEC đã làm cho tiếng tăm của làng đá Non Nước càng vang xa hơn nữa.

Chuyện về nghệ nhân nhân dân đưa tượng đá vươn ra thế giới - 5

Một tác phẩm tại cơ sở điêu khắc đá của nghệ nhân Nguyễn Long Bửu (Ảnh: Khánh Hồng).

"Đây là niềm vui cho cá nhân tôi nhưng cũng là niềm tự hào cho làng nghề quê hương tôi khi mà làng nghề đá Non Nước được thế giới biết đến", nghệ nhân Nguyễn Long Bửu chia sẻ.

Trước đó, khi Hội nghị APEC lần thứ 14 năm 2006 được tổ chức tại Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Long Bửu đã được Ban tổ chức chọn trưng bày 33 bức tượng tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, tạo thành một quần thể tượng đá nghệ thuật.

Mấy chục năm gắn bó nghề điêu khắc đá, nghệ nhân Nguyễn Long Bửu không chỉ là tấm gương sáng để lớp nghệ nhân trẻ noi theo mà còn là người thầy tận tâm của hàng chục người thợ đam mê nghề điêu khắc đá.

Hiện nghệ nhân nhân dân - nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu đang lên kế hoạch trình lãnh đạo TP Đà Nẵng để xây dựng Trung tâm nghệ thuật điêu khắc đá cho Ngũ Hành Sơn.

Bài liên quan
  • Cần Thơ: 15 nghệ nhân trình diễn đổ bánh xèo 'siêu to khổng lồ' đường kính 3m
    Trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ XI năm 2004 diễn ra tại quảng trường quận Bình Thủy, sáng nay 18/4, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ phối hợp cùng đơn vị tài trợ nhãn hàng Sunlight tổ chức hoạt động trình diễn đổ bánh xèo trong chiếc chảo có đường kính 3m. Hoạt động mang lại sự hào hứng cho người dân và du khách khi đến với lễ hội.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về nghệ nhân nhân dân đưa tượng đá vươn ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO