Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam: Cần 'lên dây cót' để chống sốc cho trẻ khi quay trở lại trường

Nguyệt Anh| 04/11/2021 23:22

Việc học sinh quay trở lại trường sau thời gian phải nghỉ do dịch cần phải được ý thức như một giai đoạn rất nhạy cảm, dễ tổn thương với các em. Do đó, cần 'lên dây cót' tinh thần để chống sốc cho trẻ.

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam:
PGS. TS. Trần Thành Nam nêu quan điểm, trẻ phải được hỗ trợ tâm lý trước khi quay trở lại trường.

Đó là quan điểm của Chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam, (Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) với báo TG&VN liên quan đến những khó khăn của trẻ khi trở lại trường học.

Bị sốc tâm lý vì "mắc kẹt" ở nhà quá lâu

Là một chuyên gia tâm lý, ông nhận định như thế nào về những áp lực mà trẻ phải chịu do phải ở nhà quá lâu? Khi trở lại trường, trẻ sẽ gặp những khó khăn gì?

Hơn một năm ở nhà và quá nhiều xáo trộn làm bào mòn sức khỏe tâm lý của trẻ. Đại dịch Covid-19 cùng những chính sách giãn cách xã hội đã gây ra sự cô lập xã hội, mất việc làm, bất ổn kinh tế.

Đồng thời, tạo ra nỗi sợ hãi cao độ về nguy cơ bị lây nhiễm virus, làm gia tăng những hành vi bạo lực trong các gia đình mà có thể học sinh là nạn nhân hoặc người chứng kiến.

Không những thế, việc bị mắc kẹt ở nhà, bị giới hạn khỏi những hoạt động thường ngày khiến các em làm bạn nhiều hơn với các thiết bị công nghệ.

Hệ quả là tỉ lệ các em bị quấy rối, bắt nạt, tiếp xúc với các nội dung xấu độc trên mạng bao gồm cả bạo lực càng nhiều hơn.

Đặc biệt, phải thay đổi những thói quen, hạn chế hoạt động trong bình thường mới cũng khiến trẻ tăng cảm giác bất an dẫn đến phản ứng cáu kỉnh, nóng giận với bạn bè.

Có thể nói, việc quay trở lại trường trong bình thường mới với các thói quen về vệ sinh an toàn khiến đứa trẻ vẫn cảm thấy mối nguy hiểm quanh quẩn đâu đó làm tăng thêm sự lo lắng, áp lực.

Tất cả lo lắng và những bức bối dồn nén khi phải ở trong nhà quá lâu có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi xấu tính và bạo lực trên thực tế khi học sinh quay trở lại trường.

Tại sao một số em lại khó khăn khi quay trở lại trường hơn?

Chúng ta thường nói: "back to school – back to anxiety" (trở lại trường, trở lại với những nỗi lo, những áp lực của việc học tập). Trên thực tế, học online mang lại lợi ích cho một số đứa trẻ, đặc biệt là những em hướng nội, không lợi ngôn, những bạn nhỏ rụt rè.

Những bạn này thường cảm thấy thoải mái và thư giãn học tập khi được ở trong một không gian thân thuộc như ở nhà, ở trong phòng của mình. Vì vậy, khi học trực tuyến, những trẻ này thường tích cực tham gia vào bài học hơn. Học trực tuyến cũng giúp các em đó không phải đương đầu với những khó khăn học đường thông thường như sự tẩy chay hoặc bắt nạt, bêu xấu bởi những học sinh lớn ở trường.

Trong bối cảnh học online thời gian qua, nhiều trẻ đã trải qua những tổn thương tâm lý, trở nên thu mình. Các em mất đi các cơ hội thực hành kỹ năng xã hội nên cảm thấy choáng ngợp trước ý nghĩ sẽ phải trở lại trường, phải trở lại với việc ứng xử phù hợp theo các quy tắc để xử lý các mối quan hệ thầy trò, bạn bè, sẽ trở lại với những áp lực thành tích, điểm số...

Sức khỏe tâm thần quan trọng hơn kiến thức

Để học sinh không bị “sốc” đột ngột khi thay đổi thời gian biểu thì cần phải làm gì, theo ông?

Theo tôi, cần nới lỏng, để học sinh thích ứng lại với cuộc sống học tập ở trường trong thời gian đầu khi quay lại trường. Đừng chăm chăm vào việc đuổi kịp chương trình, mà hãy dành thời gian cho các hoạt động giao lưu và giáo dục ngoài giờ lên lớp để học sinh giải tỏa, cân bằng tâm lý.

Đặc biệt, kết nối cảm xúc giữa cô trò, giữa các học sinh với nhau và tạo ra cảm giác mình thuộc về tập thể này, mình thuộc về không gian lớp học này, mình thuộc về ngôi trường này.

Có thể nói, sức khỏe tâm thần của các em học sinh thời gian đầu quay lại trường quan trọng hơn là kiến thức. Muốn cập nhật chương trình nhanh thì lúc đầu phải từ từ từng bước. Lúc này, cần tổ chức hỗ trợ về tâm lý cho các em thích nghi lại với cuộc sống trường học, trao đổi về những lo âu khi quay trở lại trường học vào thời điểm bất thường và cách ứng phó.

Giáo viên và lãnh đạo nhà trường cần đảm bảo thời gian đầu tiên quay trở lại trường phải cực kỳ an toàn, phải chú ý tới mọi xích mích nhỏ và không nên để xảy ra những vụ việc bắt nạt, bạo lực là hệ quả của sự bí bức do cách ly lâu ngày.

Có thể mỗi nhà trường sẽ cần một cẩm nang an toàn khi trở lại trường bao gồm các hướng dẫn chi tiết cho các bên liên quan, đảm bảo an toàn không những về mặt y tế mà còn cả về mặt tâm lý và sức khỏe tinh thần cho học sinh.

Nhà trường nên tạo điều kiện để có nhiều không gian bạn bè cô trò nói chuyện với nhau, thông cảm và hiểu nhau về những áp lực trong thời gian cách ly. Giảm sự nghi ngại, kỳ thị với những người thuộc diện F1, F2 nếu có.

Giáo viên cũng cần giải đáp mọi thắc mắc và bình thường hóa mọi lo lắng. Nói chung là giáo viên tạo mọi điều kiện để học sinh đặt câu hỏi.

Một điều quan trọng trong việc học sinh quay lại trường là cần kích hoạt lại một cách hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục, tổ chức lại phòng tư vấn tâm lý trong các trường học để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý.

Cán bộ tâm lý trong nhà trường cần triển khai nhiều hoạt động để kết nối lại cảm xúc, tạo nên sự gắn bó, thân thuộc giữa cán bộ giáo viên và học sinh trong trường. Trong những tuần đầu tiên cần có các chương trình nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe tâm thần, giúp cho giáo viên, phụ huynh sớm nhận diện các dấu hiệu và có những chiến lược chăm sóc cân bằng sức khỏe tâm thần phù hợp.

Đồng thời, hệ thống này cũng là nơi kết nối đến các chuyên gia, các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần uy tín thuộc các trường đại học, các bệnh viên để giới thiệu chuyển tuyến các trường hợp đặc biệt.

Gia đình "lên dây cót" tinh thần

Cha mẹ cũng cần cần hỗ trợ tâm lý cho con ra sao để trẻ thích ứng?

Là những người gần gũi nhất với trẻ, các bậc phụ huynh cần quan tâm, chú ý để nhận ra các dấu hiệu con stress hoặc lo lắng. Hãy chia sẻ những lời nhắn nhủ đến con khi con đến trường. Nếu con có một số cảm xúc lo lắng, hãy dạy con về nghĩ về những điều tích cực. Ví dụ, mình có thể vượt qua được, mọi việc sẽ ổn thôi, không phải chỉ riêng mình mình có những cảm xúc như thế...

Giai đoạn này, cha mẹ hãy bình tĩnh và chú ý giúp con cân bằng, không quá dồn sự lo lắng về việc học hay bổ sung kiến thức. Đây cũng là thời điểm mà các phụ huynh, giáo viên cần xây dựng các nhóm để chia sẻ bí quyết và hỗ trợ nhau xử lý các vấn đề tâm lý của trẻ.

Có thể nói, lần quay lại trường học này sẽ khác rất nhiều so với khi học sinh nghỉ hè những năm trước. Có thể, những ngày đầu tiên trở lại trường, các em rất hào hứng. Tuy nhiên, như trên đã đề cập, cha mẹ và giáo viên cần phải hiểu là với các em, trở lại trường là trở lại với những nỗi lo. Các em có thể sẽ trải qua lo âu này đến lo âu khác.

Trước khi trở lại trường, cha mẹ nên chuẩn bị cho con một thời gian thích ứng với hoạt động mới ở trường. Giúp con hiểu đúng và có cảm giác an toàn. Một tuần trước khi quay trở lại trường phải giảm tải học online, thiết lập lại lịch ăn - ngủ phù hợp với học kỳ. Cha mẹ có thể cùng hỗ trợ con tổ chức lại góc học tập và cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường như một hành động “lên dây cót” tinh thần.

Xin cảm ơn ông!

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam: Cần 'lên dây cót' để chống sốc cho trẻ khi quay trở lại trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO