Chuyên gia: Giáo viên gọi học sinh là 'con' không sai, không có lý do gì để cấm

Minh Khôi| 17/02/2022 12:40

Các chuyên gia cho rằng, giáo viên gọi học sinh là con không có gì sai, không làm mất đi sự tôn trọng hay giảm tình yêu thương trong mối quan hệ thầy trò.

Đề xuất giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là "con" của nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục.

Sự tôn trọng và tình cảm là trên hết

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc giáo viên xưng hô với học sinh bằng "con" hay "em" chỉ mang tính quy ước, không nói lên bản chất tốt xấu của mối quan hệ thầy - trò. "Không có lý do gì để chúng ta cấm cách xưng hô này", ông nói.

"Thời đi học cấp 1, tôi thường xưng "con" với thầy cô bởi "thầy cô như cha mẹ hiền". Khi lên các cấp học lớn hơn sự chênh lệch tuổi tác ít đi, học sinh đổi xưng hô với thầy cô bằng "em". Chúng ta không nên quá câu nệ, cầu kỳ trong cách xưng hô. Cách xưng hô thầy/cô - con hay thầy/cô - em không hạ thấp nhân cách của học sinh hay giáo viên", TS Khuyến nói.

Chuyên gia: Giáo viên gọi học sinh là 'con' không sai, không có lý do gì để cấm - 1

(Ảnh minh hoạ: C.H)

Theo ông, cách xưng hô giữa thầy và trò cần đặt vào tình huống, bối cảnh cụ thể. Nếu sự chênh lệch lứa tuổi giữa thầy và trò quá lớn thì nên xưng "em", "con", miễn sao cả hai bên thấy sự tôn trọng và yêu thương. Còn ở cấp đại học, người dạy và người học không quá chênh lệch tuổi tác thì có thể xưng "tôi".

Chúng ta không nên quá câu nệ, cầu kỳ trong cách xưng hô. Cách xưng hô thầy/cô - con hay thầy/cô - em không hạ thấp nhân cách của học sinh hay giáo viên

TS Lê Viết Khuyến

Ngôn ngữ Việt Nam rất đa dạng, phong phú, việc xưng hô thế nào là phụ thuộc vào mỗi người. Chúng ta cũng cần biết cách điều chỉnh ra sao cho phù hợp với bối cảnh để cách xưng hô ấy thể hiện được tính tích cực trong mối quan hệ thầy trò. Điều quan trọng nhất là sự chân thật, xuất phát từ tấm lòng.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng phản đối đề xuất của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân. Theo ông Dong, việc đưa ra quy định nghiêm ngặt về cách xưng hô giữa thầy và trò trong nhà trường là không cần thiết. Nếu quá câu nệ trong việc quy định xưng hô theo chuẩn mực sẽ khiến mọi mối quan hệ trở nên cứng nhắc, mất đi sự thoải mái, làm ảnh hưởng đến không khí tâm lý của một tập thể.

Dạy học cách xưng hô đúng cách trong các mối quan hệ chỉ là một phần trong giáo dục nhà trường. Điều quan trọng là cần đối xử ra sao để mối quan hệ giữa thầy và trò trở nên khăng khít, tin cậy, đúng tính chất tôn sư trọng đạo.

Do đó, ông cho rằng, tùy thuộc vào tình huống, lứa tuổi giáo viên có sự mềm dẻo, linh hoạt để cách xưng hô thể hiện được sự tích cực trong mối quan hệ hai bên.

Xưng hô không nên cứng nhắc

Cô Nguyễn Thị Mỹ Lan, trường Tiểu học Chu Văn, Hà Nội cho rằng, việc xưng hô "cô - con", "cô - trò" không quá quan trọng và không bắt buộc ở các trường. Từ trước đến nay, ở bậc mầm non và tiểu học vẫn luật bất thành văn gọi học trò là con vì muốn tăng thêm sự gần gũi, tình cảm yêu thương như người thân trong gia đình. Điều này giúp trẻ thấy thoải mái hơn khi xa rời bố mẹ để đến trường học.

"Chúng tôi không muốn thay thế vị trí của ai trong lòng học trò. Do đó, việc xưng hô này không nên làm lớn chuyện. Tuỳ vào hoàn cảnh thực tế và mục đích giao tiếp mà biểu thị", cô Lan nói.

Đồng quan điểm, thầy Trần Đức Nam, trường THCS Minh Khai (Hà Nội) bày tỏ, cách xưng hô trong trường học không nên quá cứng nhắc. Việc xưng hô "con" hay "em" hoặc "tôi" không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, điều quan trọng là tình cảm giữa thầy và trò.

Chúng tôi không muốn thay thế vị trí của ai trong lòng học trò. Do đó, việc xưng hô này không nên làm lớn chuyện. Tuỳ vào hoàn cảnh thực tế và mục đích giáo tiếp mà biểu thị.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Lan

Việc xưng hô trong nhà trường, cụ thể là trong lớp học, nên để giáo viên và học sinh tự quyết định. Họ sẽ tự biết thế nào là hợp lý và tốt nhất cho giờ dạy và để đạt được hiệu quả giáo dục.

"Trước đây, đi học thầy cô vẫn "mắng yêu" gọi học sinh của mình là các anh chị xưng tôi hoặc chúng mày, tụi bay... Điều đó không ảnh hưởng gì đến chất lượng giáo dục hay sự hội nhập. Thậm chí ở góc độ nào đó còn gia tăng tình cảm, sự vui vẻ trong môi trường giáo dục", thầy Nam nói và cho rằng giáo dục con người ngoài các kiến thức thì sự yêu thương là không thể thiếu.

Cô Nguyễn Tùng Vân, giáo viên dạy Văn một trường THCS ở Hà Nội cho hay: “Dù là mối quan hệ xã hội nào, cách xưng hô sao cho cả 2 bên đều cảm thấy thoải mái là được. Không nhà trường, thầy cô nào ép các học sinh phải xưng con. Học sinh có thể xưng tôi nếu muốn. Tôi chắc chắn rằng, không có học sinh nào bị đuổi học vì xưng “tôi” với thầy cô".

Cô Vân chia sẻ thêm: “Cách xưng hô ở Việt Nam không nằm trong nội hàm của từ ngữ, mà nằm trong bản chất của các mối quan hệ. Xưng hô có thể thay đổi, phụ thuộc vào đối tượng, quan hệ, vị thế... miễn sao đạt hiệu quả giao tiếp. Kể cả trong cơ quan, người đáng tuổi chú thì phải gọi là chú, mà “chú - cháu” cũng là quan hệ gia đình - nếu theo phân tích của nhà nghiên cứu. Anh/chị/em cũng vừa là quan hệ gia đình, vừa là quan hệ xã hội, vậy phân biệt bằng cách nào?"

Minh Khôi
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia: Giáo viên gọi học sinh là 'con' không sai, không có lý do gì để cấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO