Chuyên gia đề xuất hỗ trợ ngay cho tất cả người dân vì dịch bệnh COVID-19

ĐẶNG BÁCH (tổng hợp)| 13/08/2021 19:11

Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản đề xuất các biện pháp có tính cách tân để nhanh chóng hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 kéo dài.

Về mặt chiến lược, theo GS. Thọ, nếu như mục tiêu kép năm ngoái là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, thì hiện nay mục tiêu kép nên thay đổi nội dung mới là "vừa ưu tiên chống dịch và duy trì sản xuất và lưu thông những mặt hàng thiết yếu và sau đó là hồi phục xuất khẩu".

tran-van-tho-3-1-511(1).jpeg
Giáo sư Trần Văn Thọ.

Bên cạnh đó, về công tác tiêm vaccine, vị chuyên gia cho rằng Chính phủ cần đặt ra thứ tự ưu tiên các đối tượng được tiêm. Thứ nhất là những người phục vụ ở các cơ sở y tế và những cán bộ nhân viên phụ trách những việc phải tiếp xúc với dân.

Ưu tiên tiếp theo là công nhân viên, lao động trong sản xuất và lưu thông các mặt hàng thiết yếu cho đời sống của dân. Thứ ba là người cao tuổi, người có bệnh nền và công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp để duy trì sản xuất cho xuất khẩu, duy trì mạng lưới cung ứng.

Sau cùng, đáng chú ý, GS. Trần Văn Thọ cho rằng hiện nay, nhiều người dân đang rất khó khăn để duy trì cuộc sống với "khoảng 12,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó 66,4% bị giảm thu nhập vốn đã rất thấp".

Trong khi đó, nguồn lực của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện dù rất hiệu quả ở thời điểm hiện tại nhưng cũng không thể kéo dài qua nhiều tháng tiếp theo. Do đó, Chính phủ cần tạo điều kiện để những cá nhân, tổ chức ấy hoạt động có hiệu quả và mặt khác trực tiếp phân bổ một phần ngân sách hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức từ thiện này.

Bên cạnh đó, theo GS. Thọ, việc phân định đối tượng người dân được hỗ trợ mất rất nhiều thời gian, trong khi họ cần được hỗ trợ ngay.

"Do đó việc hỗ trợ ban đầu nên áp dụng ngay cho mọi người dân, không phân biệt người cần được hỗ trợ hay không. Chẳng hạn trong vòng 2 hay 3 tháng tới, cung cấp ngay cho toàn dân mỗi người một số tiền đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu, đủ cho việc mua sắm thực phẩm và các hàng thiết yếu khác." - GS. Thọ đề xuất.

nguoi-lao-dong-ngheo.jpg
Lao động nghèo, lao động tự do đang rất cần hỗ trợ để vượt qua khó khăn. (Ảnh VTC News)

Theo đó phương pháp này có điểm hạn chế là những người không cần giúp đỡ cũng nhận hỗ trợ nên số tiền dành cho người cần hỗ trợ ít hơn so với trường hợp chính sách chỉ áp dụng cho riêng họ.

Tuy nhiên, hạn chế này cũng có thể được khắc phục bằng cách kêu gọi những người có thu nhập cao hoặc người không thất nghiệp tự nguyện không nhận hỗ trợ hoặc họ dùng tiền nhận hỗ trợ góp trở lại vào quỹ an sinh xã hội để giúp người khó khăn ở các giai đoạn sau.

Việc hỗ trợ đại trà này chỉ áp dụng trong 2 hoặc 3 tháng, trong thời gian đó phân định đối tượng khó khăn cần được tiếp tục hỗ trợ ở giai đoạn sau. Mức hỗ trợ cũng được đề xuất thành 3 loại ứng với các đối tượng là: lao động phi chính thức ở các thành phố lớn, dân cư sống ở nông thôn, dân cư ở đô thị.

Theo GS. Trần Văn Thọ, tính một cách khái quát, ngân sách dành cho việc an dân trong 3 tháng sẽ lên tới 195.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5 - 3% GDP năm 2021. 

"Đây là con số không nhỏ nhưng khả thi. Theo một nghiên cứu mới đây, cho đến nay Nhà nước mới chỉ dành 1,4% GDP cho việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch COVID-19, rất ít so với trung bình 4% tại các nền kinh tế mới nổi" - GS. Thọ đánh giá.

(Theo Dân Trí)

Xem đầy đủ bài viết của GS. Trần Văn Thọ tại đường dẫn:

https://dantri.com.vn/kinh-doa...

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia đề xuất hỗ trợ ngay cho tất cả người dân vì dịch bệnh COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO