Chuyển động V-League 2022: ‘PSG Việt Nam’ có thể là gánh nặng

Bình An| 18/02/2022 20:49

Topenland Bình Định là trung tâm chú ý của V-League khi bỏ ra đến hơn 100 tỷ đồng đề “chiêu binh mãi mã”. Với đầu tư và kỳ vọng cao độ, ngay cả Á quân cũng bị xem là thất bại.

Năm 2008 trên sân Thống Nhất, bàn thắng duy nhất của Qúy Sửu giúp Đồng Tháp đánh bại Bình Định trong trận play-off. Đội bóng đất Võ chính thức chia tay V-League, chuỗi thời gian tăm tối sau đó kéo dài suốt 12 năm, có thời điểm tụt xuống tận hạng Ba. Mãi đến mùa giải hạng Nhất 2020, Bình Định mới leo lên V-League.

Với sự chống lưng của Tập đoàn Hưng Thịnh, biệt danh “ngựa ô đất Võ” được thay bằng hỗn danh “thiếu gia Miền Trung” hay “PSG Việt Nam” để chỉ mức độ chịu chi và quy tụ những ngôi sao hàng đầu, như cách đội bóng Pháp đang làm.

untitled.png
Nghiêm Xuân Tú là một trong 13 cầu thủ đến đầu quân cho Topenland Bình Định

Theo hợp đồng công bố, Hưng Thịnh đầu tư 300 tỷ trong 3 năm, từ 2021 đến 2023. Không một đội bóng nào ở Việt Nam có mức đầu tư lớn như vậy. Tính đến thời điểm này, Bình Định trở thành trung tâm chuyển nhượng ở V-League

10 cái tên mùa trước bị thanh lý gồm: Lê Tuấn Anh, Trần Hoàng Sơn, Nguyễn Xuân Kiên, Đàm Tiến Dũng, Đinh Hoàng Max, Bùi Văn Hiếu, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Hữu Định, Rimario và Ahn Byung Keon, Đinh Tiến Thành.

13 cái tên đã được Topenland Bình Định mang về gồm Mạnh Cường, Hà Đức Chinh, Đỗ Thanh Thịnh, Rafaelson (SHB Đà Nẵng), Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân, Nguyễn Tiến Duy (từ Than Quảng Ninh), Đỗ Văn Thuận (TP.HCM), Schmidt, Jermie Lynch (Hải Phòng), Lý Công Hoàng Anh (HL Hà Tĩnh), Lê Ngọc Bảo (Phố Hiến). Mới nhất là trung vệ Trần Đình Trọng từ Hà Nội.

bd1.png
Hơn 110 tỷ đồng đã được bỏ ra để mang về những ngôi sao như Raffaelson....

Tổng số tiền mà Topenland Bình Định bỏ ra cho 13 cái tên này ước tính hơn 110 tỷ đồng, bằng doanh thu của một công ty cỡ lớn. Tham vọng rõ ràng của họ là vô địch V-League bởi chẳng ai bỏ ra cả đống tiền để “đá cho vui”.

Đầu tư lớn, tham vọng nhiều, tiềm lực đầy đủ theo lẽ thường phải vui. Nhưng sâu xa ai cũng thấy đây lại là áp lực lớn cho HLV Nguyễn Đức Thắng. Bóng đá không phải cứ đổ tiền ra là thành công mà đôi thi lại gây “tác dụng phụ”.

Bài học từ mùa trước vẫn còn, Topeland Bình Định dù được đầu tư lớn nhưng thực tế kết quả lại không như mong muốn. Trước khi giải bị hủy, sau 12 vòng đấu “PSG Việt Nam” chỉ có được 16 điểm và đứng thứ 8. Xét toàn cục, lối chơi của đội bóng này mùa trước vẫn chưa cho thấy dấu ấn rõ ràng, trận được trận mất. 12 trận chỉ ghi được đúng 10 bàn thắng.

271145639_475347137259978_3695621193075093039_n.jpg
....chỉ có chức vô địch mới cân xứng với sự đầu tư và kỳ vọng của Topenland Bình Định.

Đầu mùa này, Cúp bóng đá Hoàng đế Quang Trung được tái khởi động, Bình Định rất muốn một chức vô địch để lên tinh thần cho mùa giải mới nhưng kết quả lại…đứng chót. Trong loạt trận giao hữu chuẩn bị trước mùa, kết quả của Topenland Bình Định cũng không được tốt khi chỉ toàn hòa và thua trước CLB TP.HCM, Sài Gòn, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An. Sự gắn kết trong lối chơi vẫn chưa có và HLV Nguyễn Đức Thắng còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Điều khá lạ lùng là dù được đầu tư lớn, mang về hàng loạt ngôi sao, sân Quy Nhơn được sửa chữa khang trang nhưng người hâm mộ địa phương không còn cảm nhận được sức nóng mở một nơi từng được gọi là “chảo lửa”.

Dạo trên các diễn đàn của CĐV Bình Định, có thể nhận thấy đâu đó vẫn có những nỗi niềm với đội bóng quê hương. Nguyên nhân lớn nhất là thiếu đi tính địa phương. Trong lịch sử, Bình Định từng ghi nhiều dấu ấn với lực lượng đa phần là con em tỉnh nhà. Hiện tại, chỉ có vài ba cái tên đúng người Bình Định là Dương Thanh Hào, Hồ Tấn Tài, thủ môn Võ Doãn Thục Kha.

bd.png
Thách thức cho HLV Đức Thắng là biến đội bóng này thành một khối thống nhất.

Ở một nơi mà tính địa phương và lòng tự hào “đất Võ trời Văn” đậm nét đến mức có phần cục bộ như Bình Định, việc đa phần các cầu thủ ra sân với chất giọng lạ lẫm chẳng khác nào sự tổn thương sâu sắc. Đây cũng có là một thách thức với HLV Nguyễn Đức Thắng để cân bằng…phòng thay đồ.

Hơn 10 năm trước, Bình Dương cũng mang hỗn danh “Chelsea Việt Nam” bằng cách bỏ tiền ra mua về các ngôi sao hàng đầu. Có thể thấy cách làm của Bình Định hiện tại cũng theo hướng này. Nhưng Bình Dương đã quy đổi bằng 4 chức vô địch V-League trước khi nhận ra lỗ hổng lớn, để quay lại chính sách đầu tư cho đào tạo trẻ, ưu tiên phát triển các cầu thủ người địa phương.

Tiền không còn là vấn đề của Topenland Bình Định nữa, “PSG Việt Nam” hay cái tên nào đó cũng chẳng quan trọng. Bây giờ, chỉ có chức vô địch mới xứng đáng, Á quân hay hạng 3 cũng là thất bại. Đó thực sự là một áp lực.

Theo Topenland Bình Định, Goal
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chuyển động V-League 2022: ‘PSG Việt Nam’ có thể là gánh nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO