Chính thức cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học: Nhiều băn khoăn

Minh An| 02/11/2020 06:18

Việt Báo4 năm trước khi còn công tác tại trường THPT Hoài Đức A (H. Hoài Đức, Hà Nội) thì thầy Phan Huy Chính – hiệu trưởng nhà trường đã có chủ trương cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học phục vụ việc tìm kiếm tài liệu.

Thầy Chính kể, khoảng năm 2016-2017 nhà trường còn khó khăn về thiết bị dạy học thầy Chính nhận thấy việc sử dụng điện thoại thông minh sử dụng trong giờ học phục vụ bài  học là cần thiết nhất là giờ học ngoại ngữ, các em có thể dung để tìm kiếm từ mới, tra cứu từ điển...

Ngoài giờ học ngoại ngữ học sinh có thể dùng điện thoại trong giờ vật lý, hóa học khi thực hiện các thí nghiệm ảo. Vậy là thầy Chính đưa ra chủ trương cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và giáo viên kiểm soát.

“Nhận thấy việc nhà trường khó khăn về phương tiện dạy học, giáo viên kiểm soát được hoạt động của học sinh, các con lại có điện thoại thông minh nên từ 4 năm trước tôi đã triển khai việc cho học sinh sử dụng điện thoại di động.

Ở đây, các giáo viên soạn bài bằng giáo án điện tử và cung cấp sẵn đường link để các con truy cập theo dõi các thí nghiệm ảo ở môn Hóa học vì có những thí nghiệm khi mình thực hành khó để thành công. Việc này hỗ trợ quá trình học tập rất lớn…”, thầy Chính chia sẻ.

Ảnh minh họa: Internet

Đến năm 2017 khi chuyển về công tác tại THPT Vạn Xuân (H. Hoài Đức, Hà Nội) thầy Chính vẫn tiếp tục cho triển khai việc dùng điện thoại di động trong giờ học nhưng dưới sự giám sát của giáo viên.

Đặc biệt hơn 1 năm nay, nhà trường đã phủ sóng wifi ở toàn bộ lớp học và khuôn viên trường nên việc sử dụng điện thoại thông minh phục vụ học tập được tiến hành tiện lợi hơn rất nhiều.

Về việc kiểm soát, rõ ràng nếu giáo viên đồng ý thì học sinh dùng điện thoại tìm kiếm nội dung bài dạy, còn nếu không thì học sinh tự giác cất điện thoại vào tủ.

Đương nhiên trước khi triển khai, nhà trường cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên về kỹ năng kiểm soát học sinh, hướng dẫn học sinh tìm tài liệu hiệu quả và có cả chế tài nếu học sinh vi phạm.

“Qua theo dõi, việc sử dụng điện thoại phục vụ mục đích học tập được triển khai rất tốt và mang lai hiệu quả tốt quan trọng là giáo viên biết kiểm soát tốt giờ học”, thầy Chính tâm sự.

Còn theo thầy Trần Mạnh Tùng – Giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (H. Thanh Trì, Hà Nội) thì ngày 1/11 khi Thông tư 32 có hiệu lực là mốc thời gian Bộ GD-ĐT tạo ra hành lang pháp lý bật đèn xanh cho những nơi nào có điều kiện có thể quản lý được học sinh thì cho sử dụng được hiệu quả  một cách hợp pháp.

“Trước kia tôi biết 1 số trường sử dụng rồi và cũng khá là hiệu quả nhưng đa số là trường dân lập, trường ít học sinh rồi những trường như trường quốc tế cũng đã triển khai.

Thông tư 32 là hành lang pháp lý hợp pháp còn các nhà trường có sử dụng hay không tùy đặc thù của các nhà trường học và xem giáo viên quản lý được đến đâu.

Theo quan sát của tôi hầu hết các trường trước nay thế nào thì sau khi có Thông tư 32 vẫn thế chứ chưa thay đổi ngay và trường Lương Thế Vinh cũng vậy”.

Thầy Tùng kể, ở trường Lương Thế Vinh hiện nay các em học sinh đến trường sẽ tự động cất điện thoại của mình vào tủ ở lớp học. Giờ nghỉ trưa hoặc ra về các em có thể được lấy để dùng

“Qua theo dõi thì tôi thấy việc chưa cho học sinh dùng điện thoại khi chưa kiểm soát được mang lại hiệu quả khá lớn vì các hoạt động khác trong lớp học thì học sinh rất tập trung, giáo viên cũng dễ thu hút học sinh vào bài giảng của mình và học sinh cũng không bị phân tán tư tưởng”, thầy Tùng cho hay.

Theo thầy Tùng việc sử dụng điện thoại để hỗ trợ quá trình học tập thì trong tương lai thì điều này là cần thiết và các nhà trường phải có kế hoạch, có chuẩn bị cho việc này.

Quan trọng là tập huấn để cả thầy và trò biết sử dụng điện thoại đúng mục đích, đúng phương pháp và tạo ra thói quen sử dụng điện thoại tích cực.

“Ít nhất năm học này, trường THPT Lương Thế Vinh vẫn giữ quy định cũ là chưa cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Ngoài tập huấn về mặt kỹ thuật thì điều mà tôi mong muốn là một kế hoạch, một lộ trình dài hơi là thói quen sử dụng điện thoại tích cực, đúng mục đích.

Nếu làm được điều này thì giáo viên không phải lo lắng đến câu chuyện làm sao kiểm soát học sinh. Nếu làm được điều đó chúng ta không phải lo lắng cho những câu hỏi cho học sinh sử dụng điện thoại vào lúc nào, để làm gì, sử dụng xong rồi học sinh đã cất đi chưa…

Còn nếu triển khai việc cho học sinh sử dụng điện thoại thì bước đầu nên cho học sinh trải nghiệm dần dần, để hình thành thói quen sử dụng điện thoại tích cực…làm sao cho hiệu quả nhất”, thầy Tùng nói.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hải – Hiệu trưởng THPT Đoàn Kết (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì cho biết trước đó nhà trường cấm học sinh sử đụng điện thoại trong giờ học vì khó kiểm soát hết hoạt động của học sinh và khiến các con không tập trung.

“Khi Thông tư 32 có hiệu lực, nhà trường cũng định hướng cho giáo viên ở một số môn học đặc thù cần tìm kiếm tài liệu thì có thể cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh nhưng với sự kiểm soát của giáo viên.

Giáo viên đồng ý thì học sinh mới được sử dụng. Bằng kỹ năng, nghiệp vụ của mình thì giáo viên phải tập dần cho học sinh thói quen sử dụng điện thoại tích cực, phục vụ bài học. Nếu học sinh vi phạm sẽ có chế tài mạnh để xử lý”, cô Hải cho biết.

Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11 với nhiều điểm đổi mới.

Đáng chú ý, Thông tư 32 quy định học sinh được phép sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ mục đích tìm kiếm tài liệu nhưng với sự giám sát của giáo viên.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) thì các em chỉ được sử dụng thiết bị điện thoại di động khi nào giáo viên thấy thực sự cần thiết và cho phép. Như vậy, Bộ GD-ĐT không cấm hoàn toàn việc dùng điện thoại trong lớp, nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chính thức cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học: Nhiều băn khoăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO