Chính sách 'cứu' ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam nhìn từ câu chuyện thời điểm

21/05/2020 10:02

Sản xuất ô tô chịu tác động từ dịch Covid-19 không nằm ở vấn đề nguồn cung linh kiện, mà sụt giảm nhu cầu thị trường mới là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp đau đầu.

Năm 2020 đánh dấu một năm “đáng nhớ” với ngành công nghiệp nói chung và ngành ô tô nói riêng. Trước dịch Covid-19, các chính sách tập trung vào đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp lớn này, khi nó không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà người dân cũng được hưởng lợi trực tiếp, thậm chí được coi là “bộ mặt của nền kinh tế”, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát đã tác động nặng nề đến công nghiệp ô tô. 4 tháng đầu năm, sản xuất xe có động cơ giảm mạnh 14,2%, trong đó riêng sản phẩm công nghiệp chủ lực là ô tô giảm 23,8%.

Sản xuất ô tô 4 tháng chỉ đạt 61.500 xe các loại, giảm 24% so với cùng kỳ. Nhu cầu tiêu thụ xe chỉ đạt 35-40% so với cùng kỳ năm 2019.

Từ cuối tháng 3, trước khi có lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất lắp ráp ô tô tại các nhà máy. Điều này cũng có nghĩa, quyết định của doanh nghiệp không chỉ vì yêu cầu giãn cách của Chính phủ, mà xuất phát từ chính thực tế thị trường ô tô, khi mà nhu cầu mua sắm suy giảm nghiêm trọng. Doanh nghiệp cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất để phù hợp với tình hình tại thời điểm căng thẳng đó.

“Tâm lý tiết kiệm chi tiêu do thu nhập sụt giảm cũng như tâm lý e ngại dịch bệnh Covid-19 còn có khả năng kéo dài của phần lớn người tiêu dùng. Đặc biệt, các hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, không thiết yếu như ô tô, dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, xe máy sụt giảm nhu cầu mua sắm rất lớn”, Bộ Công Thương nhận định rõ trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tác động của dịch bệnh đến các ngành công nghiệp.

Đề xuất của Bộ Công Thương đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và lấy ý kiến của các Bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất.
Bộ Công Thương đề xuất giãn thuế, giảm phí để gỡ khó cho doanh nghiệp và kích cầu thị trường ô tô trong nước

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngay tháng 3/2020, Bộ Công Thương đã đề xuất nhiều giải pháp với Chính phủ. Trong đó, đề xuất cho phép gia hạn thời hạn nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế VAT đến hết Quý I/2021.

Đồng thời, đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng.

Với thời gian đề xuất như vậy, có thể thấy rõ đây chỉ là giải pháp trong ngắn hạn, một mặt tháo gỡ khó khăn tức thời cho doanh nghiệp, một mặt ưu đãi giảm chi phí mua sắm và đưa ô tô vào lưu thông cho người tiêu dùng, góp phần kích cầu thị trường sân nhà trong bối cảnh dịch bệnh.

Hơn nữa, không chỉ riêng Việt Nam, mà với tình hình khó khăn chung trên toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới đã, đang và nhất định sẽ tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ “mạnh tay” hơn để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất cũng như kích cầu thị trường nội địa. Nhiều Bộ, ngành cũng đã chia sẻ quan điểm đồng thuận với đề xuất này của Bộ Công Thương.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn, lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ không còn ý nghĩa”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị diên hồng Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9/5/2020, cho biết, khi được hỏi - ngay cả trong lúc đang khó khăn nhất của đại dịch, các doanh nghiệp cần gì, câu trả lời đều không phải xin tiền mà chỉ xin cơ chế.

Quan trọng hơn, thực trạng khó khăn này được dự báo không dừng lại trước mắt. Về lâu dài, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ làn sóng ô tô nhập khẩu giá rẻ tràn vào từ ASEAN và nhiều thị trường khác. Khi hàng rào kỹ thuật được gỡ bỏ, việc doanh nghiệp tại thị trường trong nước cạnh tranh với các doanh nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm bên ngoài sẽ rất khó khăn.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đặt vấn đề, “nếu không có giải pháp chính sách quyết liệt, kịp thời thì liệu ngành ô tô có “qua khỏi” dịch bệnh hay không”? Liều thuốc “đúng và trúng” đưa ra ngay thời điểm này là rất quan trọng khi bóng đen dịch bệnh ngày càng ăn sâu vào nền kinh tế.

Trong dài hạn, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ô tô sản xuất trong nước nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô tại Việt Nam, trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp gần nhất.

Đề xuất của Bộ Công Thương đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và lấy ý kiến của các Bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chính sách 'cứu' ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam nhìn từ câu chuyện thời điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO