Chính phủ muốn luật hóa việc "đánh thuế cao với người có nhiều nhà đất"

Hoài Thu| 29/04/2023 06:45
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Nhiều ý kiến đề nghị quy định nguyên tắc đánh thuế với người quản lý, sử dụng nhiều đất đai hơn so với hạn mức, Chính phủ cho rằng như vậy là phù hợp, cần thể chế trong pháp luật về thuế.

Nội dung này được Chính phủ đề cập trong báo cáo gửi Quốc hội, tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo, Chính phủ đã có bản tiếp thu, giải trình chi tiết hơn 750 nội dung góp ý của nhân dân và đại biểu Quốc hội qua các phiên thảo luận về dự án luật này.

Nhà nước thu hồi đất để đấu giá vớidự án có chênh lệch địacao

Về ý kiến đề nghị quy định nguyên tắc đánh thuế đối với người quản lý, sử dụng nhiều đất đai hơn so với hạn mức, đối với trường hợp để hoang hóa đất đai không sử dụng, Chính phủ nhắc lại Nghị quyết số 18 của Trung ương đã xác định: "Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang".

Chính phủ muốn luật hóa việc đánh thuế cao với người có nhiều nhà đất - 1

Nhiều biệt thự bỏ hoang trên địa bàn TP Hà Nội (Ảnh: Trần Kháng).

Vì vậy, theo Chính phủ, ý kiến góp ý này là phù hợp với chủ trương của Đảng và cần được thể chế trong pháp luật về thuế để thực hiện.

Liên quan đến nội dung thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí với trường hợp thu hồi đất. Dự thảo Luật đã bổ sung định nghĩa dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tuy nhiên, phạm vi còn rộng, chưa cụ thể.

Cơ quan thẩm tra lưu ý cần phân biệt rõ hơn giữa mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích kinh tế đơn thuần, để minh bạch trong việc thu hồi đất, tránh bị lạm dụng, gây bức xúc cho người sử dụng đất, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xác định rõ tính chất "vì lợi ích quốc gia, công cộng" để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

"Các dự án nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án", Ủy ban Kinh tế cho rằng dự án nhà ở thương mại khó và không có cơ sở rõ ràng để xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không, dễ bị lợi dụng, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện gia tăng.

Giải trình những nội dung này, cơ quan soạn thảo cho biết đã quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để thực hiện công trình công cộng như: giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông...

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng như: dự án nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, dự án lấn biển, xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội...

"Đối với các dự án có giá trị địa tô chênh lệch cao như dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại, Nhà nước chỉ thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất", Chính phủ nêu rõ.

Ban hành bảng giá đất 5 năm/ lần khiến giá đất thấp hơn giá thị trường

Trong phần ý kiến góp ý của nhân dân, có quan điểm cho rằng quy định tại Điều 86 về việc Nhà nước tổ chức thu hồi đối với dự án đô thị, nhà dự án nhà ở thương mại, coi đó như là dự án quan trọng cần ưu tiên là không hợp lý, không công bằng.

Chính phủ muốn luật hóa việc đánh thuế cao với người có nhiều nhà đất - 2

Với những dự án có giá trị chênh lệch địa tô cao, Nhà nước sẽ thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất (Ảnh minh họa: Hữu Nghị).

Lý do, đây là chỉ hoạt động kinh tế đơn thuần, không phục vụ lợi ích công cộng mà chủ yếu phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản.

Bởi vậy, cần quy định theo hướng chủ đầu tư phải thực hiện việc thỏa thuận với người sử dụng đất. Bên cạnh đó, cân nhắc việc quy định "dự án xây dựng khu đô thị, dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải đất ở thì thuộc diện Nhà nước thu hồi đất mà không thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp".

Cơ quan soạn thảo cho biết sẽ tiếp thu nội dung này và chỉnh lý Điều 75 dự thảo luật cho phù hợp.

Về bảng giá đất, có ý kiến cho rằng dự thảo luật bỏ quy định khung giá đất là phù hợp, song cũng có ý kiến đề nghị không xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm, mà quy định điều chỉnh bảng giá đất khi có biến động từ 20% trở lên; quy định ban hành bảng giá đất 5 năm, 3 năm, 2 năm một lần hoặc theo từng giai đoạn.

Chính phủ cho biết qua tổng kết, việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20% không đảm bảo giá đất phù hợp với giá thị trường. Việc theo dõi chỉ số biến động giá đất thị trường chưa thực hiện được, dẫn đến bảng giá đất thường thấp hơn nhiều so với giá đất thị trường.

Do vậy, dự thảo luật quy định bảng giá đất cần phải được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá thị trường, gây thất thu ngân sách và khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương, 247 điều, sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 vào kỳ họp thứ 5 tới (tháng 5).

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ muốn luật hóa việc "đánh thuế cao với người có nhiều nhà đất"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO