Chìa khóa thực hiện mô hình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất

Phạm Oanh| 14/02/2022 18:02

Theo nhiều chuyên gia, việc Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản dưới Luật đưa ra quy định về tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế chính là chìa khóa để thực hiện hiệu quả chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Tỷ lệ tái chế bắt buộc

Điều 54, Luật Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. Theo đó, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 xác định, tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất và đưa ra thị trường, khối lượng nhập khẩu sản phẩm, bao bì trong năm thực hiện trách nhiệm.

tai-che.jpg
Ảnh minh họa

Tỷ lệ tái chế bắt buộc trong 3 năm đầu tiên được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và được điều chỉnh 3 năm một lần theo hướng tăng dần. Tỷ lệ tái chế bắt buộc cao nhất được áp dụng đối với bao bì nhôm, chai nhựa PET ở mức 22% và thấp nhất là phương tiện giao thông ở mức 0,5%.

Nếu đem so sánh, tỷ lệ này chỉ bằng 1/3 tỷ lệ tái chế của các quốc gia ở châu Âu từ những năm 80 và 90 của thế kỷ XX, đối với phương tiện giao thông thì chỉ bằng 1/5 của châu Âu thời điểm mới bắt đầu áp dụng EPR. Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần có lộ trình để tăng tỷ lệ tái chế trong tương lai.

Nói về vấn đề này, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh (Hiệp hội nhựa Việt Nam) cho rằng, việc quy định tỷ lệ bắt buộc thấp sẽ không thể đạt được mục tiêu tái chế đề ra trong Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số Quyết định 1316/2021 QĐ-TTg. Đồng thời, không thu hút được nguồn đầu tư vào ngành công nghiệp tái chế và không đảm bảo việc chia sẻ lợi ích và tận dụng được hiệu quả thu gom, phân loại của hệ thống dân lập.

Quy cách tái chế bắt buộc

Về quy cách tái chế, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định, quy cách tái chế bắt buộc là các giải pháp tái chế được lựa chọn kèm theo yêu cầu tối thiểu về lượng vật liệu, nhiên liệu được thu hồi đối với tái chế sản phẩm, bao bì. Quy cách bắt buộc đối với từng sản phẩm, bao bì là khác nhau. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo thu hồi 40% khối lượng của sản phẩm, bao bì được tái chế theo tỷ lệ bắt buộc.

Ví như, đối với sản phảm, bao bì là giấy, nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn quy cách tái chế làm bột giấy thương phẩm hoặc sản xuất các sản phẩm giấy như giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy hoặc các sản phẩm khác…, miễn sao đảm bảo thu hồi tối thiểu 40% khối lượng bao bì được tái chế theo tỷ lệ bắt buộc.

Cũng theo các chuyên gia, tỷ lệ thu hồi trong quy định về quy cách tái chế như hiện nay là thấp hơn khoảng 15 - 30% so với châu Âu ở giai đoạn bắt đầu áp dụng EPR.

Bên cạnh tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế, Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đưa ra các quy định cụ thể về phương pháp thực hiện trách nhiệm tái chế; việc tổ chức thực hiện bảo đảm sự đồng thuận theo cơ chế ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội, môi trường; quy định xác định giá thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt…nhằm thực hiện có hiệu quả mô hình EPR bắt buộc.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Chìa khóa thực hiện mô hình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO