Cập nhật Covid-19 ngày 23/7: Hàn Quốc gia hạn giãn cách xã hội mức cao nhất; dịch 'căng' ở Tunisia; khoảng cách tốt nhất giữa hai mũi tiêm Pfizer

Duy Phương| 23/07/2021 11:30

Baoquocte.vn. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 193,41 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 4,15 triệu ca tử vong và gần 175,73 triệu bệnh nhân bình phục.

Cập nhật Covid-19 ngày 23/7:
Hàn Quốc gia hạn giãn cách xã hội mức cao nhất ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận vì dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 547.623 ca mắc Covid-19 mới, trong đó Mỹ và Brazil là hai nước đứng đầu với 54.648 ca và 49.603 ca.

Ở châu Á, Indonesia tiếp tục là điểm nóng khi có thêm 49.509 ca trong khi nhiều nước châu Âu cũng ghi nhận số ca mắc mới cao như Anh (39.906 ca), Nga (24.471 ca) hay Tây Ban Nha (29.535).

Biến thể Delta là nguyên nhân khiến tình hình dịch vẫn phức tạp tại các nước, ngay cả các nước châu Âu có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở mức cao.

Theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU), 200 triệu người dân thuộc khối này đã tiêm đủ liều vaccine, chiếm hơn 50% trong tổng số dân số trưởng thành, song vẫn chưa đạt mục tiêu 70% trong mùa Hè này.

* Tại châu Mỹ

Một số quốc gia ở khu vực châu Mỹ ghi nhận tiến triển trong chương trình tiêm vaccine.

Ngày 22/7, Bộ Y tế Chile thông báo có 13.062.630 người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó có 11.908.045 người, tương đương 78,34% người dân trong diện tiêm chủng của nước này, đã hoàn thành tiêm chủng.

Trong tuần này, Chile sẽ triển khai tiêm vaccine cho nhóm đối tượng thanh thiếu niên 14 tuổi.

Tại Argentina, hơn 50% trong số 45,3 triệu dân nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, và số người đã hoàn thành 2 mũi tiêm chủng là 5.797.847 người. Tỉnh Buenos Aires, địa phương đông dân nhất quốc gia Nam Mỹ này, đã tiêm chủng cho 50,28% người dân, còn tại thủ đô Buenos Aires, 60,38% người dân đã tiêm vaccine.

* Tại châu Âu

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, một số nước và vùng lãnh thổ đã siết chặt các biện pháp kiểm dịch.

Chính phủ Italy tuyên bố người dân sẽ cần Thẻ Xanh Covid-19 để tiếp cận một loạt các dịch vụ và hoạt động giải trí, nhằm ngăn chặn sự gia tăng của các trường hợp mắc Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nhấn mạnh Thẻ Xanh Covid-19 sẽ được yêu cầu trong nhiều tình huống, bao gồm cả việc vào các sân vận động, phòng tập thể dục, hồ bơi, bảo tàng và hội chợ thương mại, hay vào ăn trong nhà ở các nhà hàng. Các vũ trường tiếp tục bị đóng cửa.

Thẻ Xanh Covid-19 là bằng chứng bằng giấy hoặc kỹ thuật số về khả năng miễn dịch, cho biết người sở hữu đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, đã có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc mới khỏi Covid-19.

Ngày 23/7, một nghiên cứu do Đại học Oxford (Anh) kết luận rằng khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 của hãng Pfizer lâu hơn sẽ giúp nâng cao mức độ kháng thể trong cơ thể hơn là tiêm 2 mũi gần nhau.

Nghiên cứu này có thể hỗ trợ cho các chiến lược tiêm vaccine chống lại biến thể Delta, vốn giảm tính hiệu quả của mũi vaccine đầu tiên. Nghiên cứu có sự tham gia của 503 nhân viên y tế.

Các nhà khoa học cho biết đối với việc tiêm mũi 2 mũi ở khoảng cách lâu hơn, mức độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Delta được tạo ra ở mức thấp sau mũi đầu tiên và không được duy trì trong khoảng thời gian cho đến mũi thứ hai.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm, các nhà nghiên cứu nhận thấy ở những người trì hoãn 2 mũi vaccine lâu hơn, mức độ kháng thể trung hòa trong cơ thể cao hơn so với những người thực hiện 2 mũi gần nhau hơn.

Ngày 22/7, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết họ đã bổ sung một rối loạn thoái hóa thần kinh hiếm gặp, hội chứng Guillain-Barr (GBS), vào danh sách tác dụng phụ hiếm thấy do sử dụng vaccine Janssen phòng Covid-19 của Johnson & Johnson (J&J), sau khi xem xét 108 trường hợp được ghi nhận trên toàn thế giới.

* Tại châu Á

Ngày 23/7, các cơ quan y tế Hàn Quốc cho biết đang tích cực chuẩn bị cho tình huống thiếu giường dành cho những bệnh nhân Covid-19 nặng có thể xảy ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày đang tăng theo cấp số nhân.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 22/7 đã ghi nhận thêm 1.842 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 1.533 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc lên 184.153 người. Đây cũng là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất ở Hàn Quốc kể từ đầu năm 2020.

Hàn Quốc sẽ gia hạn 2 tuần áp dụng các quy định giãn cách xã hội mức cao nhất ở khu vực Seoul và vùng phụ cận trong bối cảnh làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 ở nước này chưa có dấu hiệu suy giảm.

Do dịch Covid-19 tái bùng phát, Singapore đã quyết định lùi lịch tổ chức Lễ diễu hành mừng Quốc khánh tới ngày 21/8, thay vì vào ngày 9/8 như kế hoạch.

Theo Bộ Quốc phòng Singapore, nước này đang siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội cho tới ngày 18/8, nên lễ diễu hành mừng Quốc khánh 9/8, trình diễn pháo hoa và nhảy dù dự kiến vào ngày 7-8/8, cũng như các hoạt động tổng duyệt vào các ngày 24 và 31/7 đều sẽ bị hủy.

Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng cho biết bài phát biểu trước toàn dân của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng sẽ lùi đến ngày 29/8 thay vì 22/8.

Ngày 23/7, người phát ngôn Tổng thống Philippines Harry Roque cho biết nước này sẽ cấm nhập cảnh đối với các du khách đến từ Malaysia và Thái Lan, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao.

Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 25-31/7. Trước đó, Philippines đã cấm nhập cảnh với 8 quốc gia, trong đó có Indonesia và Ấn Độ.

Ủy ban Bộ trưởng thuộc Chính phủ Israel đã đưa ra đề xuất tái áp dụng chương trình Thẻ Xanh nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát lây nhiễm trên diện rộng, đặc biệt là do biến thể Delta.

Ủy ban đề nghị chỉ có những người đã tiêm vaccine, bình phục sau lây nhiễm hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được có mặt tại các sự kiện có trên 100 người tham gia, dù được tổ chức ở trong nhà hay ngoài trời.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đề xuất từ ngày 8/8 bổ sung Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, CH Cyprus và Gruzia vào danh sách "đỏ" cấm bay. Danh sách này hiện có Nam Phi, Ấn Độ, Mexico và một số nước khác. Theo đó, các chuyến bay từ Israel tới các nước này sẽ không được thực hiện, trừ trường hợp đặc biệt do Ủy ban Ngoại lệ xem xét thông qua.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca lây nhiễm hàng ngày ở mức tương đối cao, hơn 1.000 người/ngày.

* Tại châu Phi

Tuần qua, trong khi tỷ lệ mắc mới Covid-19 mới giảm chưa đến 2% (chủ yếu nhờ số ca mắc tại Nam Phi giảm) thì 21 quốc gia châu Phi đang chứng kiến nguy cơ dịch bùng phát mạnh, khi số ca mắc mới có thể tăng hơn gấp 3 lần so với tuần trước.

Ngày 22/7, Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Matshidiso Moeti cảnh báo làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ ba tại châu Phi đang ở giai đoạn bước ngoặt, các nước châu Phi phải dốc toàn lực và đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine với tốc độ nhanh gấp 5 đến 6 lần hiện nay nếu muốn hoàn thành việc tiêm chủng cho 10% nhóm người dễ bị tổn thương nhất vào cuối tháng 9 tới.

Đại diện của WHO cho biết khoảng 60 triệu liều vaccine sẽ đến châu Phi trong những tuần tới, bao gồm cả đóng góp từ một số quốc gia và mua thông qua cơ chế COVAX.

Theo kế hoạch, hơn 500 triệu liều vaccine đã được mua thông qua cơ chế COVAX, dự kiến sẽ đến châu Phi trong năm nay. Với nguồn vaccine này, châu Phi phải tiêm được ít nhất 21 triệu liều/tuần để đạt được mục tiêu 10% nói trên.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giaoBỉcho biết nước này sẽ cung cấp viện trợ khẩn cấp 150.000 liều vaccine AstraZeneca cho Tunisia thông qua Cơ chế bảo vệ dân sự châu Âu, nhằm hỗ trợ chống lại Covid-19.

Tunisia đang đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng với số ca nhập viện tăng mạnh. Tỷ lệ tiêm chủng phòng Covid-19 tại Tunisia vẫn còn rất thấp và các nhà chức trách đang nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng.

* Ngày 23/7, bang New South Wales của Australia thông báo ghi nhận số ca nhiễm mới trong 1 ngày cao nhất từ đầu năm đến nay, với 136 ca. Thực tế này đã buộc giới chức bang siết chặt các biện pháp phong tỏa tại Sydney

Đến nay, tại Australia đã có hơn 1.900 ca lây nhiễm được xác định liên quan đến chùm lây nhiễm biến thể Delta phát hiện hồi giữa tháng 6. Hiện biến thể Delta cũng đã xuất hiện tại các bang Victoria và Nam Australia, khiến hơn 1/2 dân số Australia trong tình trạng bị phong tỏa.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật Covid-19 ngày 23/7: Hàn Quốc gia hạn giãn cách xã hội mức cao nhất; dịch 'căng' ở Tunisia; khoảng cách tốt nhất giữa hai mũi tiêm Pfizer
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO