Cảnh giác với cong vẹo cột sống tuổi học đường

Thanh Thanh| 07/06/2022 10:44

Cong vẹo cột sống là tình trạng biến dạng cột sống rất phổ biến ở trẻ tuổi học đường, xuất hiện nhiều nhất ở nhóm trẻ khối trung học cơ sở. Nếu không điều trị sớm sẽ gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình khiến trẻ mặc cảm và khó khăn khi hòa nhập cộng đồng.

Tình trạng phổ biến ở trẻ tuổi học đường

Lo lắng con trai ngồi học bài sai tư thế có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, chị Lâm Thy (quận Tân Bình, TPHCM) luôn nhắc nhở con trai chú ý đến tư thế, tập thói quen ngồi học đúng cách cho trẻ.

"Mỗi lần ngồi học trước laptop trong thời gian dài, con thường hay nói mỏi lưng. Tôi cũng lo lắng nên thường nhắc nhở con ngồi học đúng tư thế ngay cả ở nhà và trường học, tránh ảnh hưởng sức khỏe của con và đặc biệt là các bệnh liên quan đến cột sống như gù lưng, cong vẹo" - chị Thy chia sẻ. 

Theo ThS Trần Văn Dần - Trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, Hà Nội), Việt Nam hiện là một trong những nước có tỉ lệ mắc cong vẹo cột sống cao trên thế giới với 4% dân số, trong đó đa phần là trẻ em. Tình trạng này xuất hiện nhiều nhất ở nhóm trẻ khối THCS (từ lớp 6 đến lớp 9).

Bệnh xảy ra khi cột sống bị uốn cong về bên trái hoặc bên phải (vẹo cột sống), hoặc cong quá mức về phía trước hay phía sau (cong cột sống). Nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến biến đổi cấu trúc xương cột sống, gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình khiến trẻ mặc cảm và khó khăn khi hòa nhập cộng đồng.

Ở giai đoạn tiến triển, khung xương sườn gây biến dạng lồng ngực có thể ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hô hấp. Thậm chí, gây biến dạng xương chậu, ảnh hưởng đến quá trình sinh nở của trẻ em nữ khi trưởng thành.

Cách phát hiện sớm cong vẹo cột sống

ThS Dần cho biết, cong vẹo cột sống có thể phát hiện bằng mắt thường bởi chính cha mẹ, thầy cô hoặc cán bộ y tế ở trường học. Nếu góc cong vẹo chưa vượt quá 20 độ, bệnh có thể điều trị khỏi thông qua tập luyện và điều chỉnh tư thế mà không cần can thiệp.

Có 3 bước đơn giản giúp phát hiện sớm cong vẹo cột sống ở trẻ.

Bước 1, cho trẻ cởi bớt quần áo, đứng thẳng, chân chụm vào nhau. Cha mẹ ngồi trên ghế, cách lưng trẻ 0.5 m, quan sát 2 bờ vai, hai mỏm xương bả vai, 2 tam giác eo, mào chậu, 2 thăn lưng

Bước 2 là khám vẹo cột sống. Trẻ bị vẹo cột sống sẽ có dấu hiệu vai cao vai thấp, 2 vai độ dốc không đều; xương bả vai nhô ra, bên cao bên thấp, khoảng cách từ 2 mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau.

2 tam giác eo tạo ra giữa cánh tay và thân không đều nhau, bên rộng bên hẹp. 2 mào chậu không cân đối, bên thấp bên cao.

Cho trẻ cúi xuống, dùng bút đánh dấu các gai đốt sống. Sau đó, cho trẻ đứng thẳng, quan sát các điểm đánh dấu. Nếu bị vẹo cột sống, các điểm đánh dấu không nằm trên một đường thẳng mà bị lệch sang phải hoặc sang trái.

Bước 3 là khám cong cột sống. Cha mẹ quan sát tư thế đứng bình thường của trẻ từ trái qua phải hoặc ngược lại. Nếu bị gù, lưng trẻ tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Nếu bị ưỡn (võng lưng), phần trên của thân trẻ hơi ngả về phía sau, bụng xệ.

ThS Dần thông tin thêm, thời điểm trẻ kết thúc năm học, bắt đầu kỳ nghỉ hè rất lý tưởng để tầm soát cong vẹo cột sống. Trong trường hợp cần điều trị, cha mẹ có thể tận dụng quãng thời gian nghỉ hè để nắn chỉnh lại cột sống cho trẻ, lúc này trẻ ít phải ngồi bàn học nên dễ điều chỉnh tư thế và có nhiều thời gian tập luyện.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với cong vẹo cột sống tuổi học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO