Cảnh báo: Phương thức hoạt động của tội phạm khi TPHCM ‘bình thường mới’

Quang Đăng| 20/10/2021 10:06

(CATP) Trong 10 tháng đầu năm 2021, ghi nhận trên địa bàn TPHCM xảy ra hơn 2.500 vụ xâm phạm sở hữu tài sản (cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản), với 3.464 đối tượng bị xử lý. So với cùng kỳ năm trước tăng 36 vụ, tăng 49 đối tượng.

Hiện nay là giai đoạn "bình thường mới", vào mấy tháng cuối năm nên xu hướng phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm, cướp giật sẽ là điều khó tránh. Vì vậy, người dân cần tăng cường cảnh giác trong việc bảo quản, giữ gìn tài sản cá nhân.

Những sơ hở làm "mồi" cho cướp giật

Dịch Covid-19 đang có chiều hướng chuyển biến tích cực nên TPHCM chủ động nới lỏng giãn cách xã hội, thiết lập trạng thái "bình thường mới", nhằm từng bước phục hồi kinh tế. Để thích ứng trong giai đoạn này, bên cạnh việc tăng cường việc làm, ổn định cuộc sống, người dân cần hết sức thận trọng trong giữ gìn, bảo quản tài sản trước tệ nạn cướp giật, trộm cắp.

Dự tính trước được tình hình trên trong gia đoạn "bình thường mới" nên ngay chiều 30-9-2021, lực lượng Công an TPHCM đồng loạt ra quân triển khai các phương án tấn công trấn áp tội phạm. Điều này rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tế, bởi sau những khó khăn do dịch bệnh kéo dài, đời sống không ít người dân lâm vào cảnh thiếu hụt, tội phạm sau nhiều tháng bị giãn cách xã hội, giờ cũng nhân cơ hội được dễ dàng đi lại mà gia tăng hoạt động.

Hai tên cướp giật điện thoại ở Q.Phú Nhuận bị camera ghi hình

Về phía chính quyền, Công an TPHCM xây dựng các kế hoạch ra quân trấn áp tội phạm, đồng thời chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện triển khai nhanh các phương án, kế hoạch truy quét tội phạm phù hợp với tình hình chung và đặc thù riêng của từng địa phương. Mục tiêu cao nhất của lực lượng Công an TPHCM là kịp thời phát hiện, khống chế, kéo giảm đến mức thấp nhất việc phát sinh tội phạm.

Cơ quan chức năng đã quyết liệt, nhưng có đạt được mục tiêu đề ra hay không lại phải trông chờ vào sự chung tay, tiếp sức và tinh thần nêu cao cảnh giác của toàn thể người dân. Như chúng ta đã thấy, điều kiện để tội phạm hoạt động được là phải có sự sơ hở, chủ quan từ phía chủ quản lý tài sản.

Trong tháng 6-2021, sau thời gian lập chuyên án đấu tranh, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TPHCM triệt phá băng cướp giật với 16 đồng phạm, do Phạm Trương Hùng Cường (SN 1991, ngụ H.Hóc Môn) cầm đầu. Đây là băng cướp độ tuổi còn trẻ, chuyên gây án tại khu vực các huyện ngoại thành, như: Hóc Môn, Củ Chi... và các xã giáp ranh với tỉnh Tây Ninh. Theo lời khai của các đối tượng trong băng cướp giật này, chúng đã gây 24 vụ cướp giật tài sản bằng thủ đoạn đi thành nhóm từ 2 đến 4 xe, bám theo các nạn nhân đeo túi xách, dây chuyền vàng, nghe ĐTDĐ trên đường mà có sơ hở, chủ quan... Đến thời điểm thuận lợi, chúng ra tay cướp giật và tăng tốc tẩu thoát.

Chỉ cần dựng xe máy trong 5 phút mà không ai trông coi là có thể bị kẻ trộm "đá nóng"

Sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, các phòng, đội nghiệp vụ của Công an TPHCM xác định, thường sử dụng xe máy phân khối lớn di chuyển trên các tuyến đường, quan sát tìm sơ hở trong quản lý tài sản của người dân đi đường để gây án. Các đối tượng đi thành nhóm, dàn cảnh va chạm để nạn nhân mất cảnh giác, nhằm áp sát giật đồ. Thời gian, địa điểm hoạt động của tội phạm cướp giật xảy ra vào nhiều lúc, nhiều nơi, nhưng đa số là lợi dụng đêm khuya hoặc khu vực vắng vẻ, ít người qua lại để dễ dàng hoạt động.

Các nhóm cướp giật thường gây án trong các điều kiện sau: người dân dừng xe nhận cuộc gọi bằng ĐTDĐ ngay trên đường phố, để máy điện thoại trong túi quần, áo khoác khá nông, đeo túi xách; mang ví tiền băng qua đường hoặc đi bộ trên vỉa hè, hẻm vắng; đeo dây chuyền vàng mà không có áo khoác hoặc đồ vật gì che chắn; rút tiền ở trụ ATM ở nơi vắng vẻ...

Để phòng tránh tội phạm cướp giật, người dân nên hạn chế tối đa việc nhận cuộc gọi bằng ĐTDĐ trong lúc đang tham gia giao thông, kể cả khi dừng xe máy trên đường hoặc đã lái xe lên vỉa hè. Khi ra đường, nếu mang theo túi xách, ví chứa tài sản thì nên cất vào cốp xe hoặc máng vào đầu xe rồi cột chặt cẩn thận. Khi rút tiền ở trụ ATM hoặc ngân hàng, nên có người đi cùng và nhớ quan sát, cảnh giác xung quanh. Người dân không nên dừng, đậu xe ở nơi tối, vắng vẻ, ít người qua lại. Nếu phải đi qua khu vực tối, vắng vẻ thì ít nhất nên đi từ 2 người trở lên.

Đối tượng trộm xe bị camera ghi lại

Thủ đoạn trộm cắp và cách phòng ngừa

Trộm cắp có nhiều loại, như: nhập nha, phá khóa, "đá nóng" xe máy, móc túi, trà trộn vào bệnh viện, siêu thị, công ty... Trong đó, trộm xe máy vẫn chiếm tỉ lệ cao trong cơ cấu tội phạm trộm tài sản từ nhiều năm qua. Phân tích lời khai của nhiều băng nhóm trộm cắp, kết hợp với thống kê thực tế từ các đơn vị nghiệp vụ cho thấy, tội phạm trộm cắp thường có các thủ đoạn hoạt động sau: lợi dụng sơ hở của nạn nhân, rình rập, ẩn nấp chờ cơ hội thuận lợi để gây án.

Từ tháng 4-2021 đến tháng 6, Đội Hình sự đặc nhiệm (Đội 3) - Phòng CSHS Công an TPHCM khám phá 2 chuyên án, bắt nhiều nhóm trộm xe máy hoạt động đơn lẻ. Nổi lên trong số đó là băng trộm xe do Võ Đặng Minh Tuấn (SN 1991, ngụ Q.Gò Vấp) cầm đầu, gồm 4 đối tượng; cơ quan điều tra truy thu tang vật là 10 xe máy. Theo lời khai của các băng nhóm chuyên "đá xế", chúng thường "dòm ngó” các phương tiện không ai trông coi để hạn chế bị phát hiện, bắt giữ. Với các xe còn cắm nguyên chìa khóa, trong chớp nhoáng sẽ bị bọn trộm xe tẩu tán khỏi hiện trường. Còn với phương tiện có khóa cổ, chúng dùng các loại đoản phá khóa mang theo vô hiệu thiết bị khóa cũng chỉ trong vòng vài phút.

Một nhóm đối tượng bị công an bắt
Dụng cụ phá khóa trộm cắp xe thu giữ của một nhóm trộm cắp

Tội phạm trộm cắp theo kiểu rình rập thường nhắm vào các phương tiện, tài sản do người dân chủ quan, như: không khóa cửa nhà mà chỉ khép hờ, để xe máy trước cửa nhà mà không ai trông coi, để túi xách, ví tiền, ĐTDĐ gần cửa ra vào hoặc cửa sổ. Một thủ đoạn khác là đối tượng lẻn vào nhà dân từ trước, tìm nơi ẩn nấp, chờ thời cơ thích hợp ra tay trộm cắp tài sản rồi tẩu thoát. Điều khiển xe máy Lead về nhà lúc 17 giờ 40 ngày 3-7-2021, chị Trần Thị Minh H. (SN 1979, ngụ P.Tân Quý, Q.Tân Phú) dựng xe trong nhà, nhưng không đóng cửa, không rút chìa khóa khỏi xe rồi đi làm việc. Khoảng 5 phút sau khi quay lại, chị H. phát hiện xe đã mất. Điều đáng nói, chị H. còn để 50 triệu đồng trong cốp xe. Những trường hợp trộm cắp kiểu này, tội phạm chỉ cần 5 phút để ra tay, nên người dân chỉ cần sơ hở trong chốc lát là mất ngay tài sản.

Để có thể trộm cắp nhanh chóng như thế, điều đầu tiên là tội phạm phải nghiên cứu thời gian và chuẩn bị sẵn "đồ nghề". Trước khi gây án, chúng thường di chuyển xung quanh khu vực "mục tiêu" để theo dõi, nắm tình hình về thời gian sinh hoạt của nạn nhân, lối ra, lối vào, nơi gắn camera, thiết bị báo động. Khi đã tỏ tường, chúng sẽ lựa chọn thời điểm vắng người, dùng kềm cộng lực, đoản vạn năng, con đội, đèn khò lửa... để cắt khóa, mở khóa đột nhập nhà dân, vơ vét tài sản, phương tiện đi lại.

Ngoài các băng nhóm chuyên trộm cắp xe máy, theo đánh giá của cơ quan công an, tội phạm có yếu tố tự phát nhất thời đang có chiều hướng bùng phát trong giai đoạn dịch Covid-19 và trạng thái "bình thường mới" như hiện nay. Trong khi đó, không ít người dân lại sơ hở về quản lý tài sản, như: dựng xe máy mà quên khóa cổ xe, để phương tiện trong sân nhà, trước phòng trọ, cửa hàng, quán xá không ai trông coi, đứng trên lề đường, vỉa hè sử dụng ĐTDĐ đắt tiền... Trước cơn quẫn bách, lại thấy cảnh "mỡ treo miệng mèo", không ít kẻ chưa có tiền án, tiền sự vẫn nảy sinh gian ý rồi trở thành tội phạm trộm cắp, cướp giật.

Vì vậy, để bảo quản tài sản của mình, tránh tạo cơ hội làm phát sinh tội phạm, mỗi gia đình nên khóa cửa nhà, cửa cổng cẩn thận khi đi vắng hoặc ra khỏi nhà. Với phương tiện xe máy, cần trang bị thêm khóa càng, khóa xích, thiết bị định vị, báo động; không nên dựng xe ở nơi không có người trông coi...

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo: Phương thức hoạt động của tội phạm khi TPHCM ‘bình thường mới’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO