Cái giá của hòa bình là... vô giá

30/04/2022 14:52

Đất nước, dân tộc và nhân dân Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình. Hơn ai hết, nhân dân ta đều biết rõ "cái giá của hòa bình" và hiểu rằng hòa bình là vô giá, là thời gian quý báu mà mỗi chúng ta dốc sức dựng xây đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Khi hòa bình trở thành vô giá - Ảnh 1.

Bức ảnh: "Mẹ con ngày gặp lại" của tác giả Lâm Hồng Long, chụp ngày 6/5/1975 tại Rạch Dừa, Vũng Tàu, ghi lại khoảnh khắc người mẹ gặp lại con trai sau ngày miền Nam giải phóng. Bức ảnh trở thành biểu tượng của ngày thống nhất đất nước.

Chỉ tính từ khi giành được độc lập từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng vẫn buộc phải cầm súng bảo vệ nền độc lập, tự do, để giành lấy hòa bình.

Trong những năm tháng chiến tranh, nhân dân cả hai miền Nam, Bắc đã phải chịu bao đau thương, mất mát, chia lìa. Đến nay, những vết thương chiến tranh vẫn chưa lành hẳn…

Chính vì vậy, nhân dân ta hiểu rất rõ "cái giá của hòa bình"!

47 năm về trước, ngay buổi trưa hòa bình đầu tiên (30/4/1975), chúng ta đã thấy "Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa". Ngay buổi tối hòa bình thứ 3 (tối 2/5/1975), người đứng đầu chế độ Sài Gòn khi đó cùng toàn bộ nội các của ông ta được hoàn toàn tự do.

Từ đó, hòa bình mở ra trên toàn bộ đất nước Việt Nam thống nhất, Bắc-Nam sum họp, non sông nối liền một dải. Người không ở lại đất nước sau đó vẫn là "một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam"; cùng người ở lại "lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh" làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước".

Từ đó, hòa bình đưa một đất nước từ đổ nát, chia cắt, kiệt quệ sau chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, trì trệ trong phát triển kinh tế-xã hội, bắt tay vào vừa chế ngự thiên nhiên, vừa giữ đất biên cương, vừa chuyển sang con đường đổi mới, tiến tới phát triển và hội nhập quốc tế.

Từ đó, hòa bình mở ra quá trình chuyển biến từ cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, đến tự chủ lương thực và xuất khẩu lúa gạo, để Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất, nhì thế giới, kinh tế ổn định và phát triển, các ngành: Dầu khí, may mặc, giày da, thủy sản, nông sản... có sự bứt phá.

Từ đó, hòa bình đưa một quốc gia bị bao vây bị cấm vận từng bước thực hiện khép lại quá khứ, hướng tới tương lai; bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước, trong đó có cả những nước từng đưa quân tham chiến, rồi gia nhập WTO, tham gia ngày càng sâu rộng vào các "sân chơi", các diễn đàn khu vực và quốc tế, trở thành thành viên tích cực của ASEAN và Liên Hợp Quốc.

Thời hiện đại, hiếm có sự kiện hậu chiến hòa bình, hòa hợp dân tộc nào như ở Việt Nam sau năm 1975. Hòa bình là vô giá bởi giá trị của nó không phải chỉ là khó lượng hóa mà còn là điển hình của cả dân tộc Việt Nam anh hùng trong chiến tranh, nay chuyển sang thời kỳ xây dựng phát triển để đất nước "có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế".

Hòa bình là một trạng thái lý tưởng của hạnh phúc, tự do, yên bình giữa các quốc gia và tất cả mọi người trên thế giới. Khát vọng hòa bình là khát vọng chung của mỗi con người và của tất cả các quốc gia, dân tộc; bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết trong "Nhật ký hành trình" (1946): "Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ". Và Người cũng căn dặn: "Qua cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng rất anh dũng mới có độc lập, hòa bình, nên phải xây dựng và bảo vệ cho tốt".

Hòa bình ở Việt Nam sau bao năm chiến tranh là vô giá, bởi nền hòa bình ấy gắn liền với độc lập, tự do, thống nhất và ngày nay đang đưa đất nước đi tới hạnh phúc, thịnh vượng.

Hà Minh Hồng


    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Cái giá của hòa bình là... vô giá
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO