Cách người có tiền thỏa mãn 'cơn khát' hàng hiệu khi bị cấm ra nước ngoài

26/03/2022 08:54

Để thỏa mãn 'cơn khát' hàng hiệu giữa lúc lệnh cấm đi lại trên toàn cầu vẫn được thi hành, những người có tiền chuyển sang mua sắm online.

Xu hướng khách hàng Trung Quốc mua sắm hàng hóa nước ngoài trên các trang thương mại điện tử và cửa hãng miễn thuế đang gia tăng, giữa lúc quy định hạn chế đi lại trên thế giới vẫn được thi hành. Chuyện này khiến các hãng đồ hiệu chuyển đổi phương thức quảng cáo và kinh doanh để thu hút những người có tiền ở đất nước tỷ dân.

Cô Chen Hua, một chuyên gia tư vấn nhập cư tại tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, thường đi sang Hong Kong và Nhật Bản để mua các vật dụng hàng ngày như nước giặt hay mỹ phẩm. Đôi khi số lượng hàng hóa mà cô Chen mua đủ dùng cho nửa năm.

Cách người có tiền thỏa mãn 'cơn khát' hàng hiệu khi bị cấm ra nước ngoài
Khách hàng xếp hàng để vào mua sắm ở một cửa hàng đồ hiệu tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Global Times)

Nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cô Chen chuyển sang mua đồ trên các nền tảng mua sắm trực tuyến như Feelunique và Lookfantastic để lựa chọn các loại mỹ phẩm từ tầm trung cho tới cao cấp được sản xuất tại Mỹ và châu Âu.

“Tôi nghĩ giá cả tương đồng và mua sắm còn tiện lợi hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát và tôi thường đi sang Hong Kong hoặc Nhật Bản”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời cô Chen.

“Trong 2 năm qua, nhiều bạn bè và cả tôi đã chi khoảng vài chục nghìn nhân dân tệ cho các trang thương mại điện tử xuyên quốc gia. Ngay cả khi chúng tôi có thể được đi du lịch ra nước ngoài trở lại, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đặt hàng trực tuyến”, cô Chen nói.

So với năm 2020, chi tiêu hàng ngày của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đã tăng mạnh trong năm 2021, theo Sách Trắng về Tầng lớp trung lưu mới được công ty truyền thông tài chính độc lập Wu Xiaobo Channel công bố. Theo đó, khoảng 34% trong nhóm trung lưu ở Trung Quốc đã chi hơn 10.000 nhân dân tệ (15.690 USD) trong năm 2021, tăng 10% so với năm 2020.

Ngoài ra, trung bình thu nhập hàng năm trước thuế của các gia đình trung lưu giàu có ở Trung Quốc là 660.000 nhân dân tệ. Giá trị tài sản trung bình của một hộ gia đình trong nhóm này là 4,96 triệu nhân dân tệ.

Dù tính tổng thể đà phục hồi tiêu dùng ở Trung Quốc còn yếu, nhưng doanh thu tăng mạnh trên các kênh mua sắm trực tuyến và sự bùng nổ của các cửa hàng miễn thuế ở tỉnh Hải Nam cho thấy hàng hóa nhập khẩu vẫn đang là mặt hàng được nhiều khách hàng Trung Quốc săn đón.

Ông Cyril Drouin, Giám đốc thương mại điện tử phụ trách thị trường Trung Quốc tại công ty tư vấn cho các thương hiệu nước ngoài Publicis Communications, nhận định hoạt động kinh doanh các mặt hàng xa xỉ vẫn đang làm ăn phát đạt ở Trung Quốc.

“Niềm đam mê vật chất vẫn rất lớn ngay cả trong thời điểm phức tạp. Khi sự bất ổn được nhìn nhận chưa từng xuất hiện trước đây, khách hàng sẽ thỏa mãn bản thân như kiểu không còn ngày mai”, ông Cyril cho biết.

Do đó, theo ông Drouin, các thương hiệu cao cấp đã chuyển sang đầu tư chất lượng quảng cáo trên các kênh bán hàng trực tuyến để cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

Theo dự báo của Tmall International, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới lớn nhất của Trung Quốc, khách hàng Trung Quốc mua hàng qua kênh này đã vượt 200 triệu trong năm 2020, và doanh số được dự báo sẽ đạt 300 tỉ nhân dân tệ trong năm nay.

Ngoài ra, sau khi Trung Quốc tuyên bố biến tỉnh Hải Nam thành cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới vào tháng 6/2021, doanh số bán hàng miễn thuế trong nước cũng đã tăng mạnh. Cụ thể, vào năm 2021, doanh thu bán hàng miễn thuế ở tỉnh Hải Nam đạt hơn 50 tỉ nhân dân tệ, tăng 83% so với năm 2020.

Tỉnh Hải Nam nổi tiếng với kiểu thời tiết nhiệt đới, cùng những khu nghỉ dưỡng bên biển đầy nắng gió lâu nay được xem là điểm đến nghỉ ngơi và mua sắm yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

Một số thành phố cao cấp nhất ở Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến và Quảng Châu cũng đang có kế hoạch thiết lập các khu vực bán hàng miễn thuế để tăng sức tiêu dùng ở địa phương.

Báo cáo hồi tháng Một của công ty tư vấn Bain & Company cho thấy Trung Quốc chiếm 21% thị phần trên thị trường hàng hóa xa xỉ toàn cầu, tăng từ mức 20% vào năm 2020. Song Bain & Company dự đoán Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025 dù hoạt động đi lại trong tương lai trên thế giới diễn ra như thế nào.

Minh Thu (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cách người có tiền thỏa mãn 'cơn khát' hàng hiệu khi bị cấm ra nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO