Cách dạy tưởng chừng khích lệ nhưng vô tình để lại 'vết sẹo' suốt đời cho trẻ

23/12/2022 07:49

Cách nuôi dạy sai lầm của cha mẹ sẽ khiến con cái tổn thương.

Nếu hỏi điều gì là cấm kỵ nhất trong một gia đình có hai con trở lên, ắt hẳn nhiều phụ huynh sẽ trả lời đó là: Sự thiên vị. Tuy nhiên đây lại không phải điều cấm kỵ nhất trong các gia đình đông con, mà là sự công khai so sánh trẻ.

Với những gia đình có từ 2 đứa con trở lên, không ít cha mẹ mắc phải một sai lầm cực nghiêm trọng trong quá trình nuôi dạy. Đó là mong đứa em cũng ngoan ngoãn như anh/chị nên thường xuyên nói những câu so sánh.

Cha mẹ đã nuôi dạy thành công đứa con cả nên muốn đứa con thứ cũng phải đi theo đúng quỹ đạo mình đã vạch ra. ("Nhìn anh chị mà học hỏi", "Con xem anh học giỏi như này, con được một phần như anh đã tốt",...). Hoặc cha mẹ thấy đứa con thứ thông minh hơn nên nói khích để đứa con cả biết cách phấn đấu. ("Sao mà con lớn hơn mà lại làm không tốt bằng em", "Anh gì mà học kém hơn cả em, thế này sao dạy được em",...). Ích lợi chưa thấy, chỉ thấy cách giáo dục sai lầm này của cha mẹ đã từng bước đẩy con cái vào ngõ cụt!


Cách dạy tưởng chừng khích lệ nhưng vô tình để lại vết sẹo suốt đời cho trẻ-1
Ảnh minh họa.

Nhà Tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Thomas Berry Brazelton từng nói: "Cha mẹ công khai so sánh anh chị em với nhau hoặc lấy một trong hai đứa con làm hình mẫu theo bất kỳ cách nào đều có thể khiến đứa trẻ còn lại cảm thấy tuyệt vọng".

Đôi khi, chính phương pháp giáo dục "ngược đời" này của cha mẹ tưởng chừng như đang khuyến khích trẻ trưởng thành tốt hơn, nhưng thực chất lại đang khiến trẻ bị tổn thương. Nó không chỉ làm tổn thương tâm lý đứa con kém hơn, mà còn cả đứa con xuất sắc. Bởi vì chính trẻ cũng không muốn mình là nguyên nhân khiến anh chị em bị tổn thương.

Những đứa trẻ bị so sánh mang "vết sẹo" cả đời

Nhà tâm lý học người Mỹ Susan Forward từng nói: Không đứa trẻ nào sẵn sàng chấp nhận mình kém hơn người khác, chúng chỉ mong được cha mẹ công nhận và đánh giá tốt. Tuy nhiên, nếu cha mẹ cứ so sánh rồi phủ nhận thì trẻ sẽ cảm thấy khủng khiếp hơn cả phạt đòn.

Đòn roi có thể gây tổn thương thể chất nhưng cách so sánh như trên có thể làm tổn thương tâm hồn trẻ, mà cha mẹ không cách nào chữa lành được.

Ở đâu có nắng, ở đó có bóng tối. Đối với một đứa trẻ suốt ngày bị so sánh, anh chị em chính là ánh nắng, còn mình là cái bóng. Trẻ lớn lên với những vết sẹo về tinh thần, còn anh chị em - đối tượng được đưa lấy ra làm tấm gương trở thành cơn ác mộng với trẻ.

Thực tế, hiện trạng so sánh các con xảy ra ở rất nhiều gia đình. Cha mẹ đơn giản nghĩ rằng, thiên vị mới là tội. Còn so sánh chỉ đơn giản kích thích tinh thần trẻ, khiến trẻ học tập, làm việc chăm chỉ hơn, bộc phát tiềm năng. Cha mẹ không biết rằng, cách giáo dục này gây hại cho trẻ nhường nào.

Sau cùng, một gia đình có từ hai con trở lên, có thể hòa thuận và hạnh phúc hay không, mấu chốt nằm ở chỗ cha mẹ không làm tổn thương trái tim của bất kỳ đứa con nào.


Theo Phụ nữ Việt Nam

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cách dạy tưởng chừng khích lệ nhưng vô tình để lại 'vết sẹo' suốt đời cho trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO