Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
Nếu phát hiện sớm, hầu hết các bệnh ung thư có thể chữa khỏi bằng phương pháp phẫu thuật. Đối với giai đoạn rất sớm, người bệnh có thể chỉ cần loại bỏ khối u mà không cần thêm phương pháp hỗ trợ nào khác như hóa trị, xạ trị… Sau 5 năm điều trị, nếu bệnh không tái phát thì được xem là đã chữa khỏi ung thư. Cụ thể:
Ung thư đại tràng: Hơn 90% trường hợp ung thư đại tràng có thể sống trên 5 năm nếu được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
Ung thư vú: Hơn 90% phụ nữ phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm có thể sống ít nhất 5 năm, trong khi ở giai đoạn muộn, cơ hội sống chỉ còn 6%.
Ung thư buồng trứng: Hơn 90% phụ nữ bị chẩn đoán bị ung thư buồng trứng giai đoạn sớm có thể sống ít nhất 5 năm, trong khi ở giai đoạn muộn cơ hội chỉ còn 5%.
Ung thư phổi: Ung thư phổi là bệnh ung thư nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, khoảng 70% bệnh nhân ung thư phổi sẽ sống ít nhất 1 năm sau chẩn đoán, trong khi cơ hội này chỉ còn 14% ở giai đoạn muộn.
Theo các bác sĩ ở Bệnh viện K, ung thư thường phát triển âm thầm một thời gian dài trước khi gây ra các dấu hiệu và triệu chứng trên lâm sàng để có thể phát hiện được. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát hiện bệnh sớm nếu không bỏ qua các dấu hiệu sau:
- Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Có máu trong nước tiểu hoặc trong phân.
- Táo bón hoặc tiêu chảy.
- Thay đổi da, vết loét hoặc vết loét không lành.
- Đau dai dẳng hoặc đau đầu.
- Ho mãn tính.
- Sốt, đổ mồ hôi ban đêm.
- Buồn nôn hoặc nôn tái phát.
- Sưng hạch bạch huyết.
Để ngăn ngừa ung thư, theo các bác sĩ ở Bệnh viện K, chúng ta cần thực hiện tốt 10 điều sau:
1. Tránh hút thuốc. Theo các bác sĩ, hút thuốc lá chủ động hay tiếp xúc khói thuốc trong thời gian dài là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư phổi. Nếu đang hút thuốc lá, bạn hãy tìm cách để bỏ ngay nhé.
2. Ăn một chế độ ăn giàu dinh dưỡng. Để làm được điều này, chúng ta hãy có một chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, và ăn ít chất béo bão hòa, chuyển hóa, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn. Cùng với đó, hãy nấu nướng đúng cách, thay vì chiên, rán ngập dầu, bạn hãy hấp hoặc nướng.
Ngoài ra, bạn nên bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát để tránh bị hỏng. Sử dụng loại hộp đựng phù hợp với lò vi sóng. Tuyệt đối không ăn thực phẩm có dấu hiệu mốc hoặc có mùi.
3. Không lạm dụng rượu bia và sử dụng các chất kích thích khác.
4. Duy trì cân nặng hợp lý.
5. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp xung quanh các chất gây ung thư và hóa chất công nghiệp, chẳng hạn như đeo găng tay và đảm bảo không gian làm việc được thông gió.
6. Làm sàng lọc ung thư định kỳ, phù hợp với độ tuổi, giới tính và các yếu tố nguy cơ của bạn. Theo các bác sĩ, một số bệnh ung thư có thể tồn tại trong một thời gian dài trước khi chúng gây ra các triệu chứng. Vì vậy, việc tầm soát và kiểm tra sức khỏe thường xuyên là rất quan trọng.
7. Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời.
8. Bảo vệ khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
9. Tập thể dục đều đặn. Tập thể dục được chứng minh là rất tốt cho sức khỏe. Mỗi ngày, chúng ta nên đi bộ nhanh, tập gym, yoga… Hãy chọn hình thức tập luyện phù hợp với bạn và tập hàng ngày trong khoảng 30 phút để giảm nguy cơ ung thư.
10. Uống nhiều nước hỗ trợ cơ thể loại bỏ các độc tố. Tuy nhiên, bạn nên tránh các loại đồ uống nhiều đường.