Cà Mau: Giải pháp đột phá dỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản

Lê Khoa| 16/09/2021 16:05

Được BĐBP cùng các lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, ngư dân tỉnh Cà Mau đã chấp hành tốt chủ trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Tình trạng ngư dân vi phạm pháp luật đã được đẩy lùi, đặc biệt là hành vi tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình hành nghề trên biển cơ bản đã chấm dứt. Bà con tích cực lao động sản xuất, khai thác hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc, Đồn Biên phòng Sông Đốc phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Lê Khoa

Khu vực biên giới biển của tỉnh Cà Mau có 23 xã, thị trấn thuộc 6 huyện ven biển, dân cư chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, ngành nghề chủ yếu là ngư nghiệp. Toàn tỉnh có 4.551 tàu thuyền với hàng chục nghìn lao động trên biển. Trước đây, tình trạng ngư dân Cà Mau vi phạm pháp luật, sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép diễn ra khá phổ biến. Dù vô tình, hay cố ý, hành vi vi phạm đó đều dẫn đến hậu quả rất nặng nề đối với chủ tàu và ngư dân, ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam do khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) vào cuối năm 2017, Cà Mau là một trong những địa phương đứng đầu trong danh sách vi phạm. Việc dỡ bỏ “thẻ vàng” của EC phụ thuộc rất lớn từ chính ý thức, trách nhiệm của mỗi chính quyền địa phương có biển và các ngư dân tham gia khai thác hải sản. Để góp phần khắc phục tình trạng trên, tỉnh Cà Mau đã triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến nhân dân ở khu vực biên giới biển.

Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo, giai đoạn 2017-2021” tỉnh Cà Mau (gọi tắt là Đề án), Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã phối hợp với Sở Tư pháp, các huyện biên giới và các cơ quan liên quan tập trung củng cố, xây dựng các trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc các huyện và các câu lạc bộ tư vấn pháp luật trên địa bàn các xã, thị trấn ven biển.

Hiện nay, các xã, thị trấn ven biển đã thành lập các câu lạc bộ tư vấn pháp luật và được đặt tại trung tâm xã, thị trấn hoạt động có nền nếp, hiệu quả và hỗ trợ tích cực trong giải quyết những vấn đề vướng mắc về pháp luật của cán bộ, nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp, qua đó, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và cán bộ, nhân dân trong xây dựng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, xây dựng địa bàn các xã, thị trấn ven biển vững mạnh.

Đại tá Nguyễn Quang Hà, Phó Chính ủy BĐBP Cà Mau cho biết, điểm nhấn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án đó là việc tuyên truyền, vận động ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Năm 2018, tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 1.674 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Để triển khai kế hoạch này, tỉnh Cà Mau không thực hiện một cách ồ ạt mà tổ chức lắp đặt theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, đến cuối tháng 10-2018, chỉ tiêu đề ra là phải có 240 tàu triển khai thực hiện chủ trương nói trên. Giai đoạn 2, đến cuối tháng 12-2018, tất cả số tàu cá còn lại phải được lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình. Hết thời hạn, tàu cá nào chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì sẽ không được xuất bờ khai thác hải sản.

Để ngư dân đồng thuận, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thực hiện các hoạt động truyền thông thiết thực, hiệu quả. Đối với BĐBP Cà Mau đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các đội tàu thuyền an toàn, khi ngư dân thấy được lợi ích mang lại thì nhanh chóng nhân rộng. Điển hình như Đồn Biên phòng Sông Đốc và Đồn Biên phòng Khánh Hội đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động 100% chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Trung tá Phan Xuân Huyền, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Đốc cho biết: “Đa số chủ tàu không trực tiếp đi biển, nên nhờ thiết bị giám sát hành trình đã giúp họ theo dõi được tàu của mình ở vị trí nào trên biển, tính được nhiên liệu tiêu hao... Với nhiều tiện ích mang lại, sau khi gắn thiết bị giám sát hành trình, nhiều ngư dân rất hài lòng”.

Để thiết bị giám sát hành trình vận hành xuyên suốt, lãnh đạo tỉnh Cà Mau và các ngành chức năng thường xuyên trao đổi với các nhà cung cấp thiết bị, mạng viễn thông, cung ứng phần mềm để khi lắp đặt đảm bảo vận hành tương thích dữ liệu giữa các nhà cung cấp. Các bên đi tìm nguyên nhân và giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng mất kết nối gây gián đoạn dữ liệu hành trình tàu cá và ngăn chặn việc cố tình tác động làm mất tín hiệu... Theo Đại tá Nguyễn Quang Hà, tính đến hết tháng 6-2021, toàn tỉnh Cà Mau chỉ còn 16 trong tổng số 1.674 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định (chủ yếu do hư hỏng, neo đậu tại bờ hoặc đã bán ra địa bàn khác).

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, BĐBP Cà Mau đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, biên soạn tài liệu, in ấn, cấp phát trên 3.500 đầu sách, 5.500 đĩa VCD, 15.000 tờ rơi, tờ gấp, 38 tài liệu tuyên truyền về pháp luật và chủ quyền biển, đảo. Các đồn Biên phòng xây dựng, củng cố, kiện toàn 21 tổ tàu thuyền an toàn với 173 tàu cá và 748 thuyền viên; 875 tổ tự quản an ninh trật tự với 3.006 thành viên...
www.bienphong.com.vn
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Giải pháp đột phá dỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO