Bước chuyển chiến lược của quân đội Nhật Bản

14/01/2021 06:52

Nhật Bản điều chỉnh chiến lược quân sự theo hướng phòng ngự tích cực, tăng cường can dự để đối phó với nhiều mối đe dọa khác nhau.

Từ hàng chục năm nay, tùy thuộc tình hình khu vực, quốc tế, Nhật Bản đã điều chỉnh và hoàn thiện chiến lược quân sự nhằm sẵn sàng đối phó với những động thái xảy ra xung quanh khu vực và mở rộng can dự ra bên ngoài.

Từ “phòng ngự lãnh thổ” vươn ra thành “phòng ngự khu vực”

Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản công bố năm 1983 đề ra phương châm tác chiến của Lực lượng Phòng vệ (SDF) là “ngăn chặn tuyến trước, tiến công và đột phá trên biển”; thực chất là “tiến công địch trên biển, tiêu diệt địch trên bãi biển và quyết chiến với địch ở trên bộ”. Như vậy, nhấn mạnh phòng thủ bên ngoài lãnh thổ, lãnh hải và không phận Nhật Bản.

Bước chuyển chiến lược của quân đội Nhật Bản
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News

Sau những năm 1990, SDF đề xuất phương châm tác chiến “cảnh báo sớm, ngăn chặn tuyến trước, nhanh chóng tiêu diệt địch”, nhấn mạnh trọng tâm tác chiến là đánh địch bên ngoài biên giới, phát huy sức mạnh tác chiến tổng thể trên không, trên biển và trên bộ để tiến công địch trên biển, giành thắng lợi ở ven bờ.

Từ 2 phương châm trên, SDF đã xác lập chiến lược quân sự phòng ngự lãnh thổ với 2 nội dung chủ yếu là “tiêu diệt địch trên biển” và “phòng không trên đại dương”.

Cụ thể, thông qua việc thực hiện tác chiến chống đổ bộ đường biển và đường không, tác chiến chống ngầm, tác chiến chống thủy lôi, tác chiến bảo vệ giao thông trên biển, tác chiến phòng không khu vực rộng… để đạt được mục đích tiêu diệt địch trên biển hoặc tại cửa ngõ vùng biển quốc tế, ở khoảng cách ngoài vài trăm hải lý.

Yêu cầu trọng tâm của chiến lược quân sự phòng ngự lãnh thổ là “tiêu diệt địch bên ngoài biên giới”, xác lập sự an toàn cho tuyến vận tải trên biển và sự an toàn tuyệt đối cho lãnh thổ Nhật Bản.

Từ sau sự kiện khủng bố 11/9/2001, Nhật Bản cho rằng do chức năng nhiệm vụ chủ yếu của SDF là bảo vệ chủ quyền khu vực rộng lớn bao gồm lãnh thổ, không phận, vùng đặc quyền kinh tế trên biển và trên 7.000 đảo, do vậy cần mở rộng chiến lược quân sự phòng ngự lãnh thổ thành phòng ngự khu vực.

So với phòng ngự lãnh thổ thì phòng ngự khu vực có tính chủ động, tích cực cao hơn. Khác biệt chủ yếu của nó là mở rộng phạm vi phòng ngự gồm cả những vùng đặc quyền kinh tế đang có tranh chấp.

Trong phòng ngự khu vực, việc chia sẻ trách nhiệm giữa SDF và Lực lượng cảnh sát biển có thể được thực hiện theo 4 phương thức: SDF chủ trì xử lí; SDF phối hợp với Lực lượng bảo vệ bờ biển để xử lí; SDF sử dụng chế tài của Lực lượng bảo vệ bờ biển để xử lí; Lực lượng bảo vệ bờ biển chủ trì xử lí.

Thủ tướng cùng nội các quyết định cụ thể phương thức xử lí, trên cơ sở đánh giá nguyên nhân phát sinh vụ việc, dự báo chiều hướng phát triển của vụ việc, từ đó đưa ra quyết định cuối cùng. Thông qua việc theo dõi, cảnh giới và xác lập cơ chế ứng phó khẩn cấp, khi cần thiết có thể sử dụng sức mạnh để nhanh chóng giải quyết vụ việc, đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong “phòng ngự khu vực”.

Sau khi Trung Quốc đơn phương công bố Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ) gây nhiều tranh cãi, ngày 17/12/2013, Nhật Bản bổ sung nội dung “chủ động về đối sách”, tăng ngân sách quốc phòng, củng cố tiềm lực và thế trận quốc phòng nhằm đối phó với nguy cơ bất ổn về an ninh ở khu vực Đông Bắc Á.

Và tăng cường can dự bên ngoài

Năm 1995, Nhật Bản công bố Đại cương kế hoạch phòng vệ, theo đó, mở rộng phạm vi hoạt động của SDF vượt ra ngoài khuôn khổ phòng ngự truyền thống, triển khai lực lượng bên ngoài lãnh thổ để phát huy vai trò “xây dựng trật tự an ninh quốc tế”.

Sau sự kiện 11/9/2001, với phương châm “vì công việc quốc tế”, Nhật Bản đã lần lượt thông qua Luật về các biện pháp đặc biệt chống khủng bố, Luật về biện pháp đặc biệt trong việc hỗ trợ tái thiết Iraq, Luật về tình huống tấn công vũ lực…

Những văn kiện trên đã tạo cơ sở pháp lí để Nhật Bản có thể điều quân ra nước ngoài và tích cực tham dự vào các hành động quân sự quốc tế. Cụ thể, xây dựng lực lượng phòng vệ trên bộ có khả năng triển khai nhanh, hoàn thiện thể chế đào tạo huấn luyện để lực lượng này sẵn sàng tham dự và tham dự hiệu quả vào hành động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Lực lượng phòng vệ trên biển xác định phát triển đội tàu khu trục có khả năng tham gia lâu dài vào các hoạt động quốc tế làm trọng tâm. Lực lượng phòng vệ trên không tăng cường mua sắm máy bay vận tải cỡ lớn cũng như máy bay tiếp dầu trên không để nâng cao năng lực vận tải chiến lược.

Đối với cả ba lực lượng nói chung, nâng cao năng lực phản ứng, cơ động nhanh, linh hoạt. Ngoài ra, ngay trong thời bình phải thúc đẩy giao lưu quốc phòng, đối thoại về an ninh khu vực; tăng cường tiến hành diễn tập song phương và đa phương..

Gần đây nhất, Nhật Bản đã khởi động việc thay đổi chính sách quốc phòng để có thể cho phép quân đội nước này tấn công các mục tiêu trên đất liền tại các quốc gia khác.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển chiến lược của quân đội Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO