Bộ trưởng Tài chính: Thị trường chứng khoán xuất hiện tình trạng làm giá tinh vi

22/04/2022 19:58

Theo Bộ trưởng Tài chính, thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh.

Báo cáo tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế vào chiều 22/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 ghi nhận quy mô nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tăng nhanh.

Đặc biệt, trong 5 tuần gần đây, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ với giá trị 3.589 tỷ đồng (khoảng 155 triệu USD). Đây là những số liệu cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phát sinh những rủi ro tiềm ẩn

Tuy nhiên, tư lệnh ngành Tài chính nhìn nhận, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn. Trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Nhật Bắc

Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh tiếp tục phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tham gia mua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Một số trường hợp đã có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế. Một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố.

Mặc dù đã triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu các tổ chức kinh doanh chứng khoán, chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa đồng đều, còn xảy ra các hành vi tiêu cực.

Để khắc phục những hạn chế này, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu hàng loạt giải pháp. Trong đó, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường chứng khoán vượt qua các khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính; đảm bảo huy động nguồn lực triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng bền vững để trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, trong đó tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.

Cùng với đó là các giải pháp về thể chế.

Cụ thể, Bộ sẽ trình Chính phủ sửa đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành; các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành; thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án.

Doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở Giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu.

Bộ sẽ nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán; triển khai công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường. Đối với các tổ chức trung gian thị trường bao gồm các công ty chứng khoán, tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá, công ty quản lý quỹ, tổ chức xếp hạng tín nhiệm..., tập trung vào nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, bộ tiến hành rà soát, phân loại đối với từng tổ chức cung cấp dịch vụ, trường hợp sai phạm sẽ rút giấy phép; khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán triển khai ứng dụng fintech, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, giám sát để vừa đảm bảo cho sự phát triển của thị trường, vừa phát hiện, xử lý các hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp như đưa thông tin sai lệch hay dùng nhiều tài khoản giao dịch bất thường.

Những hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh, những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải được hỗ trợ để phát triển bền vững.

Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định với vai trò gián tiếp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển thông qua việc cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán và với tinh thần thận trọng, dư nợ tín dụng đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán còn khá nhỏ (chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống).

Để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính theo hướng hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ, tín dụng với thị trường vốn, NHNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tài chính, tiền tệ để kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Trong đó, phát triển đồng bộ các phân khúc của thị trường tài chính (thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán phái sinh...) theo hướng tập trung hiện đại hóa công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng phục vụ giao dịch thị trường, đa dạng hóa các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường; thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các giải pháp tạo điều kiện phát triển thị trường vốn (trong đó có thị trường TPDN), giảm áp lực tới nguồn vốn tín dụng từ hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là vốn trung dài hạn; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát…

Doanh nghiệp tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị, hạch toán, kế toán và công bố thông tin trong hoạt động, đa dạng hóa mô hình, chiến lược kinh doanh,... để tăng niềm tin cho nhà đầu tư, gia tăng mức độ hấp dẫn của trái phiếu, cổ phiếu được phát hành, từ đó nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để có giải pháp thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, hiệu quả.

Thu Hằng

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Bộ trưởng Tài chính: Thị trường chứng khoán xuất hiện tình trạng làm giá tinh vi
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO