Bình Dương tập trung toàn lực chống dịch, kiên trì 'mục tiêu kép'

Chí Tưởng (TTXVN/Vietnam+)| 12/07/2021 20:50

Hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương khá tốt so với bối cảnh chung của vùng và cả nước, tăng đều các lĩnh vực từ 13-15%.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo tại hội nghị triển khai phòng, chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo tại hội nghị triển khai phòng, chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Ngày 12/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chủ trì cuộc họp triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, từ đợt dịch thứ 4 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.500 ca mắc trong cộng đồng ở 9/9 huyện, thị, thành phố, có 2 ca tử vong; trong đó có 48 công ty ở trong và ngoài khu công nghiệp với 772 ca bệnh.

Tổng số F1 đã truy vết được hơn 7.200 trường hợp và hơn 22.300 trường hợp F2, thực hiện xét nghiệm hơn 57.200 mẫu với khoảng 150.000 người. Hiện, các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng đã được kiểm soát.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương nêu kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu của công tác phòng, chống dịch; tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ về chuyên môn trong công tác xử lý dịch trong khu công nghiệp; chi viện cho Bình Dương máy thở và 100-200 y, bác sỹ, điều dưỡng để điều trị bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp dịch xảy ra trên diện rộng và số lượng người mắc tăng cao.

Tỉnh Bình Dương đề xuất thành lập bệnh viện dã chiến do Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 hỗ trợ. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết thêm, hiện năng lực cách ly tập trung trong có thể mở rộng lên 30.000 giường khi cần thiết.

Về nguồn vaccine dự kiến trong từ tháng Bảy đến tháng Chín, Bình Dương có khoảng 1 triệu liều vaccine với mục tiêu tiêm khoảng 18.000 liều/ngày cho 1 triệu dân.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khá tốt so với bối cảnh chung của vùng và cả nước, tăng đều các lĩnh vực từ 13-15%.

Đáng ghi nhận là với gần 70% số doanh nghiệp hiện có thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp thuận lợi đã đem lại kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn hẳn so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2020 và cao nhất trong các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện, Bình Dương có 29 khu công nghiệp với 50.000 doanh nghiệp, hơn 1,2 triệu lao động đến nhiều tỉnh, thành. Nhiều khu nhà trọ đan xen các nhà máy, xí nghiệp.

Hơn nữa tỉnh là địa phương tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và 3 tỉnh lân cận, có rất nhiều người đi lại, giao thương hàng ngày, đặc biệt là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nên nguy cơ tiềm ẩn phát sinh ca bệnh xâm nhập là rất lớn.

Binh Duong tap trung toan luc chong dich, kien tri 'muc tieu kep' hinh anh 1Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương báo cáo về tình hình phòng, chống dịch bệnh. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thiếu lao động, thiếu nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự hoặc tạm ngưng hoạt động, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương yêu cầu cần tiếp tục quyết liệt phòng, chống, ứng phó với diễn biến của dịch với kịch bản ở mức cao hơn, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đề nghị nhanh chóng gỡ vướng mắc về cơ chế mua sắm để đáp ứng trang thiết bị, sinh phẩm cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, tận dụng “thời gian vàng” Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các địa phương trong tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để khoanh vùng, kiểm soát các ổ dịch đang còn “âm ỉ.”

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Lực lượng Công an, Quân đội phải tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử phạt trường hợp vi phạm. Các Tổ COVID-19 cộng đồng, Tổ An toàn COVID-19 phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng; tận dụng thời gian này để tổ chức điều tra, truy vết, cách ly, xét nghiệm các khu vực nguy cơ cao giúp phát hiện F0 trong cộng đồng, phong tỏa gọn.

Bên cạnh đó, cần thành lập các tổ chuyên môn để tư vấn cho ngành Y tế mua sắm ngay trang thiết bị, sinh phẩm; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ;” tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch; đối với doanh nghiệp không đảm bảo phải tạm ngưng sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm, quyết liệt, chủ động, linh hoạt.

Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã tập trung toàn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các cấp nhất quán quan điểm “chống dịch như chống giặc,” kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân./.

Chí Tưởng (TTXVN/Vietnam+)
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương tập trung toàn lực chống dịch, kiên trì 'mục tiêu kép'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO