Biến thể Omicron: Liệu đóng cửa biên giới đã đủ?

Minh Vương| 01/12/2021 12:37

Sự xuất hiện của Omicron, biến thể mới của SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh khiến nhiều quốc gia sớm đóng cửa biên giới. Song liệu chừng đó đã đủ?

Tính đến ngày 30/11, sau sự bùng phát và lây lan mạnh mẽ của Omicron, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại một số nước châu Phi, ít nhất 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai hạn chế đi lại với công dân từ khu vực này. Đặc biệt, Israel, theo sau là Nhật Bản, đã tuyên bố cấm nhập cảnh với người nước ngoài.

Tuy nhiên, liệu chừng đó đã đủ? Thực tế cho thấy biện pháp này là cần thiết ở thời điểm hiện tại, song chưa đủ để ngăn chặn Omicron nói riêng và biến thể mới của SARS-CoV-2 trong tương lai.

(12.01) Nhiều quốc gia đã nhanh chóng đóng cửa biên giới với Nam Phi sau khi nước này công bố sự xuất hiện và lây lan của biến thể mới SARS-CoV-2, Omicron. (Nguồn: AP)
Nhiều quốc gia nhanh chóng đóng cửa biên giới với Nam Phi sau khi nước này công bố sự xuất hiện và lây lan của biến thể mới SARS-CoV-2, Omicron. (Nguồn: AP)

Cần nhưng chưa đủ

Ngay sau khi thông tin về Omicron xuất hiện, nhiều quốc gia đã cân nhắc đóng cửa biên giới. Sau bài học đắt giá từ biến thể Delta, các chính phủ đã nhận thức rõ cần triển khai biện pháp phòng dịch kịp thời và quyết liệt để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng. Phương án được lựa chọn là đóng cửa biên giới với những nước đang bùng dịch và tiếp tục theo dõi tình hình.

Liệu biện pháp này có thực sự hiệu quả? Chỉ thời gian mới có câu trả lời. Song tính đến hiện tại, nó chưa thể ngăn bước tiến của Omicron, vốn lây lan nhanh gấp 5 lần so với chủng Delta vẫn đang phổ biến trên thế giới.

Viện Y tế công quốc gia (RIVM) của Hà Lan ngày 30/11 cho biết đã tìm thấy Omicron trên 2 mẫu xét nghiệm vào ngày 19 và 23/11, sớm hơn ít nhất một tuần so với thời điểm Nam Phi đưa ra cảnh báo, dù chưa rõ những người này có đặt chân đến quốc gia trên hay không.

Trước đó, Hà Lan cho rằng ca nhiễm biến thể mới đầu tiên là 14 người trên 2 chuyến bay từ Nam Phi vào ngày 26/11. Tương tự, Anh, Đức và Italy đều phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron. Hiện Liên minh châu Âu (EU) đã ghi nhận ít nhất 42 trường hợp như vậy.

Nhật Bản đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên là một nhà ngoại giao Namibia, được xác định dương tính với SARS-CoV-2 tại sân bay Narita, gần Tokyo khi nhập cảnh ngày 28/11.

Trong khi đó, Australia đang tích cực truy vết một du khách nước ngoài mắc biến thể Omicron, đã đến đất nước chuột túi trước lệnh hạn chế nhập cảnh và từng dành nhiều thời gian mua sắm tại Sydney.

Như vậy, đến ngày 30/11, Omicron có mặt tại 16 quốc gia, vùng lãnh thổ ở tất cả các châu lục, tập trung ở Johannesburg, thành phố lớn nhất Nam Phi và Pretoria, thủ đô hành chính nước này.

Có thể thấy, dù đã nhanh chóng triển khai nhiều chính sách quyết liệt, từ hạn chế nhập cảnh với quốc gia bùng phát dịch tới đóng cửa biên giới hoàn toàn, nhiều chính phủ đã không thể ngăn cản sự xuất hiện của Omicron trên lãnh thổ.

Đặc biệt, không loại trừ nguy cơ biến thể mới của SARS-CoV-2 đến từ công dân không thuộc danh sách quốc gia bị hạn chế nhập cảnh.

Dù đã nhanh chóng triển khai nhiều chính sách quyết liệt, từ hạn chế nhập cảnh với quốc gia bùng phát dịch tới đóng cửa biên giới hoàn toàn, nhiều chính phủ đã không thể ngăn cản sự xuất hiện của Omicron trên lãnh thổ.

Giải pháp toàn diện

Trong bối cảnh đó, thế giới cần làm gì?

Đóng cửa biên giới, ngăn chặn sự lây lan của Omicron trong cộng đồng cần là bước đầu tiên, nhưng không nên là cuối cùng. Các chính phủ cần tăng cường phòng chống dịch, mở rộng xét nghiệm và nguồn lực về y tế công cộng, chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất.

Đặc biệt, các quốc gia cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho mọi tầng lớp trong xã hội, không phân biệt giới tính, độ tuổi hay màu da. Trong khi nhiều quốc gia đã mở rộng đối tượng tiêm chủng sang trẻ em từ 12-17 tuổi, tốc độ tiêm chủng tại một số nước khác lại đang có dấu hiệu chậm lại, phần vì khan hiếm vaccine Covid-19, phần vì tâm lý bài vaccine trong một bộ phận người dân còn lớn.

Cuối cùng, đã đến lúc thế giới cần chung tay đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng tại các nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực châu Phi với tỷ lệ phủ vaccine thấp.

Theo Washington Post, đến nay châu Phi chỉ mới tiêm phòng đầy đủ cho 77 triệu người, tương đương 6% dân số. Chỉ có 5 quốc gia của lục địa này, chiếm ít hơn 10% dân số, dự kiến đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số.

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ nằm ở nguồn cung vaccine khan hiếm.

Theo ông Ron Whelan, đại diện phụ trách vấn đề Covid-19 tại công ty bảo hiểm sức khỏe Discovery, vấn đề còn nằm ở sự do dự của người dân về tác dụng của vaccine, đặc biệt là trước biến thể Omicron, hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu và khó khăn trong việc trữ đông vaccine Covid-19, nhất là Pfizer/bioNTech.

Điều này là cần thiết bởi theo chuyên gia, sự bất bình đẳng lớn về vaccine khiến người dân các nước đang phát triển chưa được tiêm phòng đã tạo điều kiện để SARS-CoV-2 đột biến và lây lan.

Với cách tiếp cận quyết liệt, toàn diện và đồng bộ, thế giới có quyền lạc quan về chiến thắng trước đại dịch Covid-19, dù đó là biến thể Delta hay Omicron của SARS-CoV-2.

Tại Việt Nam, đến nay qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron.
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19, yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gen các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Đồng thời, Bộ Y tế đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Biến thể Omicron: Liệu đóng cửa biên giới đã đủ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO