Bí quyết trở thành người bạn đồng hành thân thiết của con

10/04/2022 09:06

Ở độ tuổi mới lớn, trẻ đối diện với những thay đổi phức tạp về mặt tâm sinh lý, chịu nhiều ảnh hưởng từ những thách thức, khó khăn trong học tập, cuộc sống và các mối quan hệ. Vì vậy, cha mẹ nên thấu hiểu và trở thành người bạn đồng hành của con.

Luôn luôn lắng nghe con

Trẻ nhỏ, nhất là từ khi bắt đầu bước vào tuổi mẫu giáo, trẻ được tiếp xúc với môi trường mới nên có rất nhiều chuyện muốn kể cho cha mẹ nghe. Thay vì thái độ dửng dưng, thờ ơ bạn hãy lắng nghe và giải đáp những thắc mắc của trẻ. Nếu bạn bỏ ngoài tai những lời trẻ nói, con sẽ có cảm giác bị tổn thương, không được quan tâm, từ đó dẫn đến suy nghĩ cha mẹ không còn thương mình nữa.

Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ lại có những vấn đề khác nhau trẻ cần được hỏi và giải đáp. Cha mẹ hãy nhẹ nhàng lắng nghe và giải thích cho trẻ, nhất là những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì.

Hãy luôn luôn lắng nghe để trẻ cảm thấy được quan tâm và chia sẻ.

Dành thời gian cho con

Cuộc sống ngày càng bận rộn, cha mẹ dành cả ngày để làm việc, khi về đến nhà thường có cảm giác mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, thời gian dành cho trẻ ngày càng ít. Trẻ ở bất cứ độ tuổi nào cũng cần được sự quan tâm của cha mẹ để không có cảm giác hụt hẫng, bị bỏ rơi.

Vì vậy, cha mẹ hãy đi đón con một vài lần trong tuần, đưa con đi ăn, đi chơi hoặc đơn giản là hát cùng con để gắn kết tình thương.

Tìm hiểu những suy nghĩ của con

Cha mẹ đừng lấy mơ ước của mình thành mơ ước của con để tạo ra áp lực. Hãy nói chuyện với con, lắng nghe những gì con muốn, tâm sự để thấu hiểu những suy nghĩ của con thay vì cho rằng trẻ con thì có gì mà suy nghĩ.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên tìm đọc những cuốn sách nói về suy nghĩ, tâm sinh lý của trẻ ở các độ tuổi khác nhau để dễ dàng trò chuyện và thấu hiểu con.

Khuyến khích trẻ phát biểu và nói ra ý kiến của mình

"Liều thuốc" tinh thần luôn mang lại kết quả không ngờ. Hãy khuyến khích trẻ đưa ra ý kiến của mình dù đúng sai, đừng vì con nói sai mà quát tháo, những lần sau trẻ sẽ không dám nói nữa.

Khuyến khích trẻ cũng là cách giúp tăng tình cảm gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Nhưng cha mẹ nên lưu ý, không nên khen trẻ quá nhiều có thể khiến trẻ tự phụ, kiêu căng.

Tình yêu và kỷ luật

Cha mẹ nên thưởng phạt công bằng để trẻ không có cảm giác bị bỏ rơi. Trong gia đình nếu có từ 2 con trở lên thường khiến trẻ có tâm lý so sánh. Vì vậy hãy đối xử công bằng với các con, làm đúng có thưởng, làm sai bị phạt, đừng khiến trẻ có cảm giác cha mẹ thiên vị anh, chị, em hơn, điều này sẽ khiến trẻ bị tổn thương.

Đặt mình vào vị trí của trẻ

Cha mẹ hãy từ bỏ thói quen quát mắng, dọa nạt khi trẻ làm sai. Người lớn luôn có lý do khi làm một việc gì đó, trẻ em cũng vậy, hãy thử đặt mình vào vị trí của trẻ để xem trẻ muốn gì? Vì sao trẻ làm vậy để có thể hiểu và cảm thông cho con.

Suy nghĩ về một việc ở cùng một góc độ của trẻ con và người lớn rất khác nhau, đừng vội áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái. Hãy đặt mình vào vị trí của con, nghĩ theo cách nghĩ của con để hiểu con hơn.

Thấu hiểu những suy nghĩ và mong muốn của con chính là cách giáo dục trẻ tốt nhất.

Xây dựng thói quen tốt cho con

Khuyến khích con chơi thể thao vì tham gia cùng bạn bè sẽ giúp con hòa đồng hơn và hoạt động thể chất giúp con cân bằng sau giờ học tập căng thẳng.

Cha mẹ cũng có thể cho con học một số môn nghệ thuật giúp con phát triển nhiều trí thông minh và giảm áp lực với việc học tập. Khuyến khích con luôn tự tin vào bản thân, không nên tuyệt vọng

Ngoài ra, nên dành thời gian giải trí và thư giãn sau thời gian học tập căng thẳng, không nên quá áp lực trong cuộc sống.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bí quyết trở thành người bạn đồng hành thân thiết của con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO