Bệnh nhi hô hấp tăng, nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện lớn

NGUYỄN LY| 23/09/2022 11:39

TPHCM – Các bệnh viện chuyên khoa nhi liên tục trong tình trạng quá tải về bệnh nhi đến khám các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Đây là những bệnh tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo, nên khi nhập viện, các bệnh viện liên tục áp dụng các quy trình nghiêm ngặt để hạn chế tình trạng này.

Khoa hô hấp 2, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, khoảng 3 tuần trở lại đây, với số lượng 45 giường bệnh nhưng hiện tại có hơn 60 bệnh nhi cùng nằm điều trị. Quá tải và áp lực hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo trong khoa đang được lực lượng y tế tại đây cố gắng thực hiện.

Đặc biệt trong những phòng có bệnh nhi nặng nằm, để đảm bảo cho trẻ có thể phục hồi nhanh chóng, các bác sĩ ở đây đã linh động sử dụng các miếng vải lớn để ngăn cách các giường với nhau.

BS.CKII Trần Quỳnh Hương – Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM cho biết: “Chúng tôi phải liên tục kiểm soát số lượng người nhà vào đây chăm sóc bệnh nhi, sử dụng các miếng vải lớn che chắn ngăn cách các giường bệnh với nhau để hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo. Đồng thời, liên tục sát khuẩn đảm bảo quy trình nhiễm khuẩn bệnh viện”.

Còn ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, từ tháng 6 đến nay đã có hơn 60.000 lượt khám bệnh ngoại trú. Tất các các khoa phòng về bệnh hô hấp tại đây đều kín chỗ. Để hạn chế tình trạng quá tải và lây nhiễm chéo, bệnh viện đã phải cân nhắc những trường hợp nào nên nhập viện hay điều trị ngoại trú.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, lây nhiễm chéo đối với những bệnh lý liên quan đến đường hô hấp cần lưu ý cách ly bệnh nhân theo từng khoa phòng, hạn chế nhập viện. Bởi nếu cho trẻ nhập viện khi chưa cần thiết, khi gặp những trẻ nặng hơn thì không may nhiễm những virus, vi khuẩn kháng thuốc khiến trẻ nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị.

“Những trường hợp không có chỉ định nhập viện thì nên giữ cách ly, cũng như rửa tay, mang khẩu trang và tránh lây cho những thành viên khác của gia đình, người lớn có bệnh nền cũng trở nặng. Bởi trong 1 khoa, phòng ví dụ Khoa Hô hấp có những bệnh nhi bị viêm tiểu phế quản do virus tạo ra, những bệnh nhi này phải ở chung một phòng tránh lây lan. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn phụ huynh không cho trẻ qua các khoa phòng khác chống lây nhiễm chéo, kết hợp với khoa chống nhiễm khuẩn đi giám sát, cách ly. Những trường hợp trở nặng thì phải có khu cách ly hô hấp. Những phương án đó thì tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện”, bác sĩ Tiến cho biết thêm.

Bác sĩ Lê Bình Bảo Tịnh - Phó khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết, bệnh về hô hấp là bệnh thường niên, khi chuyển mùa trẻ rất dễ nhiễm bệnh. Năm nay, trẻ mắc hô hấp tăng song song với sốt xuất huyết, tay chân miệng, khi trẻ nhập viện, nguy cơ lây nhiễm chéo cho nhau sẽ rất phức tạp. Trẻ em có hệ miễn dịch thấp nên là đối tượng dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh đường hô hấp. Ban đầu, trẻ chỉ bị ho nhẹ, nhưng khoảng một, hai ngày sau, trẻ ho nhiều, tần suất liên tục, thậm chí ho không ngủ được, cha mẹ phải nghĩ ngay đến viêm đường hô hấp và đưa trẻ đến các bệnh viện nhi để được thăm khám kịp thời.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bệnh nhi hô hấp tăng, nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO