Tối 7/5: Thêm 40 ca Covid-19 trong cộng đồng, Bộ Y tế nâng mức cảnh báo dịch cao nhất

Ngọc Hân (T/H)| 07/05/2021 19:40

Việt BáoTừ ngày 27/4 đến nay, nước ta đã có 161 trường hợp lây nhiễm Covid-19 cộng đồng từ các ổ dịch khác nhau. Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, nhiều tỉnh đã có dịch, trong đó có chủng virus biến thể "siêu lây nhiễm" Anh, Ấn Độ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Thêm 46 ca mắc Covid-19 mới

Tối 7/5, Bộ Y tế công bố thêm 46 ca mắc Covid-19 mới, trong đó, 40 ca lây nhiễm trong nước, 6 ca nhập cảnh được cách ly nay.

Theo đó, số ca mắc Covid-19 mới được Bộ Y tế công bố từ BN3092-BN3137. Trong đó, có 6 ca nhập cảnh tại TP.HCM (2), Đà Nẵng (2), Quảng Trị (1), Bình Thuận (1). 40 ca mắc trong cộng đồng ghi tại Hà Nội (24), Hải Dương (1), Điện Biên (1), Hà Nam (1), Nghệ An (1), Hưng Yên (4), Nam Định (1), Đà Nẵng (5), Phú Thọ (1), Vĩnh Phúc (1).

Như vậy, tính đến 19h ngày 7/5, Việt Nam có tổng 3.137 ca mắc, 35 ca tử vong. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 42.293 người.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, nâng tổng số ca bệnh được điều trị khỏi là 2.560.

Hiện số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 24 ca. Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 12 ca. Số ca âm tính lần 3 trở lên với SARS-CoV-2 là 38 ca.

Ảnh minh họa: Internet

Bộ Y tế nâng mức cảnh báo dịch Covid-19 cao nhất

Theo Bộ Y tế, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm COVID-19, trong đó có chủng virus biến thể "siêu lây nhiễm" Anh, Ấn Độ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan:

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Công văn số 3775/BYT-KCB ngày 6/5/2021 về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất, sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống có ca bệnh xâm nhập vào bệnh viện.

Đối với các địa phương có ca bệnh trong cộng đồng: xét nghiệm chủ động toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc người bệnh dài ngày. Các địa phương chưa có ca bệnh trong cộng đồng thực hiện theo Công văn số 5268/BYT- KCB ngày 1/10/2021 của Bộ Y tế.

Kinh phí xét nghiệm thực hiện từ nguồn kinh phí chống dịch của địa phương và theo hướng dẫn Công văn số 1126/BHXH- CSYT ngày 29/4/2021 của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện và báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh). Lãnh đạo địa phương và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Bản đồ số ca Covid-19 mới. Ảnh: Bộ Y tế.

Gần 8.000 người liên quan ổ dịch Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW

Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp chiều 7/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, từ 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 34 ca mắc tại cộng đồng và 2 chùm ca bệnh phức tạp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh) và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì).

Đối với 2 ổ dịch này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, TP đã đã rà soát được hơn 2.600 trường hợp; đối với Bệnh viện K Tân Triều tình hình phức tạp hơn khi có trên 5.000 trường hợp liên quan (1.700 cán bộ công nhân viên y tế, trên 1.600 bệnh nhân, mỗi bệnh nhân có 1 người nhà chăm sóc). Xung quanh bệnh viện này có trên 250 cơ sở trọ, lưu trú, 65 ki ốt tạp hóa. Hiện nay, TP đang khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc ngăn ngừa nguy cơ.

Ảnh: Bệnh viện K.

Cũng trong ngày 7/5, Bệnh viện K bước đầu xác định được nguồn lây Covid-19. Theo đó  kết quả điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, có một bệnh nhân chuyển từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung ngày 27/4. Người bệnh này là bà B.T.H, 63 tuổi trú lại Tổ dân phố Tây kênh, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Ngày 31/3, bà H. đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung điều trị bệnh viêm gan. Từ ngày 27/4, bệnh nhân H. chuyển sang Bệnh viện K khám và điều trị. Từ khi nhập viện bệnh nhân H. chỉ ở trong phòng điều trị.

Từ thời điểm nhập viện điều trị tại Bệnh viện K, chỉ có ông L.Đ. C. chăm sóc cho bệnh nhân. Hiện bà H. và ông C. đều có kết quả xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 dương tính.

Nhiều tỉnh thành khẩn trương chống dịch

UBND tỉnh Bình Phước sáng 7/5 có báo cáo xác minh, truy vết trường hợp tiếp xúc ở chung khách sạn Pao’s (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) có người nhiễm Covid-19.

Theo báo cáo, trường hợp tiếp xúc gần (F1) là ông V.T.D - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước.

Trước đó, trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, ông D. đã đi du lịch tại thị xã Sa Pa và ở khách sạn Pao's (phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa) nên trở thành F1, những người tiếp xúc với ông D. được xác định là F2.

Sau khi đi du lịch về, ông D. có tiếp xúc với nhiều người ở các ban ngành tại tỉnh Bình Phước.

Theo ngành y tế tỉnh Bình Phước, các trường hợp liên quan này đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với Covid-19. Tuy vậy, UBND tỉnh vẫn yêu cầu các trường hợp F1 và F2 phải thực hiện nghiêm các quy định, quy chế về phòng, chống dịch bệnh.

Gần 8.000 người liên quan ổ dịch Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW.

Tại Vĩnh Phúc trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tiếp tục có những diễn biến khó lường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thực hiện cách ly xã hội toàn TP Vĩnh Yên trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 7/5 đến 0h00 ngày 22/5 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Cũng trong ngày 7/5,  Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ 12h trưa ngày 7/5.

UBND tỉnh yêu cầu dừng tất cả các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung trên 20 người tại nơi công cộng. Tiếp tục dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như khu vui chơi, karaoke, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim… Hoạt động đón khách du lịch đến huyện đảo Lý Sơn cũng phải tạm dừng.

Chỉ thị 15 được áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ngãi đến khi có thông báo mới.

Trong khi đó, trưa ngày 7/5, Phó chủ tịch TP.HCM cũng  đã ký văn bản ban hành việc tạm dừng thêm một số loại hình dịch vụ.

Cụ thể, UBND TP HCM yêu cầu cầu  tạm dừng các hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao trong nhà (gym, fitness, billiards, yoga...); các trung tâm nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet; ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức.

Các sự kiện hoạt động, tập trung trên 30 người nơi công cộng (thể dục thể thao ngoài trời, hội chợ...).

Việc tạm dừng các hoạt động nói trên kể từ 18h ngày 7/5.

Những lĩnh vực tiếp tục được hoạt động phải tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19 của ngành y tế và bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19 mà UBND TP.HCM ban hành.

Các sự kiện, hoạt động khi tổ chức phải đảm bảo giãn cách tối thiểu một mét giữa người với người và đảm bảo người tham dự không quá 50% sức chứa của địa điểm tổ chức. Đồng thời, tuân thủ nguyên tắc 5k, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt...

UBND TP yêu cầu các địa phương, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ lệnh tạm dừng nói trên, nếu để xảy ra sự cố thì người đứng đầu chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tối 7/5: Thêm 40 ca Covid-19 trong cộng đồng, Bộ Y tế nâng mức cảnh báo dịch cao nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO