Bé trai 11 tuổi thủng dạ dày vì thích ăn món nhiều trẻ rất thích

Phương Linh| 11/11/2020 04:00

Việt BáoKhoa Ngoại tiêu hoá và tổng hợp, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhi bị viêm loét dạ dày gây biến chứng thủng dạ dày tá tràng.

Bệnh nhi là bé Đ.T.D, 11 tuổi, ở xã Hồng Phong, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.

Mẹ bệnh nhi cho biết, thường ngày, D. có chế độ học tập, sinh hoạt điều độ. Tuy nhiên, bé trai có thói quen ăn nhiều tương ớt, thường xuyên chấm đồ ăn với tương ớt trong các bữa ăn…

Ngày 1/11, sau khi ăn tối, bé trai xuất hiện đau quặn bụng dữ dội quanh rốn, sau lan ra khắp bụng. Sau 3 lần nôn ra dịch tiêu hóa, bé trai được gia đình đưa đến bệnh viện gần nhà khám và được chuyển đến Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí điều trị.

Hinh ảnh siêu âm cho thấy bé D. bị thủng tạng rỗng. Ảnh: BVCC.

Kết quả thăm khám và chụp X-quang bụng cho thấy, hình ảnh thủng tạng rỗng. Ngay lập tức, bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu cho bệnh nhi.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thấy mặt trước hành tá tràng có 1 lỗ thủng đường kính khoảng 0,7 cm, xung quanh ổ loét xơ chai. Các bác sĩ đã tiến hành khâu kín lỗ thủng, đặt dẫn lưu cùng đồ và dẫn lưu dưới gan phải cho bệnh nhi.

Hiện bé D. đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Theo các bác sĩ, viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý thường gặp ở người lớn có thói quen sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, ăn đồ chua, cay nóng, hay căng thẳng kéo dài, lối sống không điều độ, khoa học… Căn bệnh này lâu ngày nếu không được điều trị sẽ gây thủng dạ dày tá tràng.

Tuy nhiên, gần đây khoa Ngoại tiêu hoá & Tổng hợp, Bệnh viện Việt Nam-Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận nhiều trường hợp là trẻ em cũng mắc bệnh lý này và gây biến chứng thủng dạ dày tá tràng. Trường hợp bé D. là một ví dụ.

Theo các bác sĩ, thói quen ăn đồ cay nóng như tương ớt, gà chiên cay, mì cay, ăn nhanh không nhai kỹ, căng thẳng, ngủ không đủ giấc… của các bé là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bệnh.

TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian qua, tại khoa số trẻ đến điều trị bị mắc viêm dạ dày chiếm đến 1/3, nhiều bé mới vài tuổi đã bị loét dạ dày rất sâu. Có nhiều trường hợp vào cấp cứu vì ói ra máu, một số trường hợp biến chứng thủng dạ dày.

Ở trẻ em, triệu chứng viêm loét dạ dày – tá tràng không giống người lớn, thời gian tiến triển bệnh cũng khác nên dễ bị chẩn đoán nhầm.

Theo đó, trẻ có thể đau bụng trước hoặc sau bữa ăn, đau về đêm, đôi khi đau bất thường, không có thời điểm cố định.

Bệnh nếu không được điều trị, hoặc điều trị sai sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như dễ gây loét sâu, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí gây thủng dạ dày – tá tràng, đặc biệt là biến chứng gây hẹp môn vị.

Về lâu dài, bệnh tiến triển mạn tính, ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ.

Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu đau bụng kéo dài hoặc đau bụng dữ dội, cha  mẹ cần đưa con đi khám ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Để hạn chế viêm loét dạ dày - tá tràng, các cha mẹ cần bỏ thói quen mớm cơm cho trẻ, tránh lây nhiễm HP, điều chỉnh lối sống lành mạnh cho con như hạn chế cho trẻ xem tivi, chơi game, đặc biệt trong khi ăn, ăn nhiều rau quả, đủ chất dinh duỡng, tránh thức khuya, ngủ đủ 8-10 tiếng/ ngày. Trò chuyện, gần gũi khi trẻ bị căng thẳng trong học tập.



Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bé trai 11 tuổi thủng dạ dày vì thích ăn món nhiều trẻ rất thích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO