Bất ngờ lý do các nhà vô địch Olympic hay cắn huy chương khi lên bục nhận giải

31/07/2021 07:53

Cảnh tượng các vận động viên thể thao đỉnh cao cắn huy chương trên bục nhận giải khiến nhiều người không khỏi thắc mắc lý do gì khiến họ thường hay có hành động như vậy?

Ắt hẳn với nhiều người, cảnh tượng các vận động viên thể thao cắn huy chương trên bục nhận thưởng đã không còn là điều gì quá xa lạ. Nhưng lý do gì khiến hầu hết các vận động viên đều có hành động ăn mừng như vậy? Câu trả lời hóa ra khá bất ngờ.

Yêu cầu của các nhiếp ảnh gia?

David Wallechinsky, Ủy viên Ủy ban điều hành của Hiệp hội các nhà sử học Olympic quốc tế chia sẻ với CNN hồi năm 2012 rằng, đó có thể là cách để làm hài lòng giới truyền thông và các nhiếp ảnh gia.

Nói cách khác, đây có thể là hành động được các nhiếp ảnh gia yêu cầu các vận động viên thực hiện để những bức ảnh thêm phần ý nghĩa.

Wallechinsky, đồng tác giả của cuốn "The Complete Book of the Olympics" cho biết: "Nó trở thành nỗi ám ảnh với các nhiếp ảnh gia. Tôi nghĩ họ xem nó như một cú bấm máy mang tính biểu tượng và là một thứ gì đó mà bạn có thể bán được. Tôi không nghĩ đó là điều mà các vận động viên có thể tự nghĩ ra để làm".

Nhưng vẫn còn một lý do khác mà ít ai để ý. Mặc dù các nhà sử học Olympic không chắc vận động viên nào đã bắt đầu xu hướng này nhưng họ tin rằng, các vận động viên làm hành động như vậy để kiểm tra xem huy chương có phải làm từ kim loại thật hay không. Nhiều người thường cắn đồng tiền vàng để tạo ra một vết lõm hoặc một dấu răng nhỏ trên đồng xu để chắc chắn nó là vàng thật, dễ uốn hơn so với đồng xu mạ vàng giả.

Tony Bijkerk, tổng thư ký của Hiệp hội quốc tế giải thích: "Chúng ta biết rằng chỉ vào năm 1912, huy chương vàng mới là vàng thật và trong tất cả các kỳ Thế vận hội sau này, huy chương vàng được làm từ bạc với một lớp mạ vàng để chứng tỏ nó là vàng. Những tấm huy chương được trao tại Olympic Luân Đôn 2012 chứa 1,34% vàng, khiến nó trở thành một trong những huy chương có hàm lượng vàng lớn nhất".

Thật không may, lớp mạ vàng đôi khi có xu hướng mờ dần theo năm tháng. Fanny Blankers-Koen, nữ vận động viên xuất sắc tại Thế vận hội năm 1948 ở Luân Đôn từng chia sẻ, cô đã phải mạ vàng lại cho bốn huy chương vàng tới hai lần trong nhiều năm.

Mặc dù huy chương không phải là vàng nguyên khối nhưng các vận động viên Olympic vẫn có thể ghi dấu ấn lên các tấm huy chương này dễ dàng. Nhưng họ cũng cần phải hết sức chú ý. Tại Thế vận hội mùa đông 2010, tay vợt người Đức có tên David Moeller với tấm huy chương bạc đã bị gãy răng khi đang chăm chú khoe huy chương trong miệng trước ống kính máy ảnh.

Nhà tâm lý học Frank Farley tin rằng, những người đoạt huy chương sẽ cắn vào huy chương của họ vì đó là điều mà các vận động viên chiến thắng khác cũng thường hay làm.

Farley, một giáo sư từ Đại học Temple ở Philadelphia và là cựu chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ cho biết: "Tất cả các môn thể thao đều có sự kỳ dị của chúng. Nếu bạn muốn trở thành một người theo chủ nghĩa chiến thắng và sống với nền văn hóa chiến thắng đó, bạn cần thực hành cách ăn mừng chiến thắng đó".

Tuy nhiên, hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở riêng Thế vận hội. Siêu sao quần vợt Rafael Nadal đã quá nổi tiếng với hình tượng cắn các danh hiệu mà anh đạt được trong sự nghiệp, đặc biệt với chiếc cúp Coupe des Mousquetaires của giải Pháp mở rộng.

Huy chương không ăn được

Những tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc các vận động viên cắn huy chương đã trở thành xu hướng chủ đạo đến nỗi tài khoản chính thức của Tokyo 2020 đã chia sẻ một dòng tweet về vấn đề này.

Đại diện ban tổ chức chia sẻ: "Chúng tôi chỉ muốn chính thức xác nhận rằng, các tấm huy chương #Tokyo2020 không thể ăn được. Huy chương của chúng tôi được làm bằng vật liệu tái chế từ các thiết bị điện tử do công chúng Nhật Bản quyên góp. Vì vậy, bạn không cần phải cắn chúng… nhưng chúng tôi biết các bạn vẫn sẽ làm thế thôi".

Ngày nay, huy chương vàng Olympic chỉ có khoảng 1% vàng, chúng chủ yếu được làm bằng đồng và bạc. Ban tổ chức Tokyo trước đó đã bắt đầu thu thập điện thoại cũ từ năm 2017 và sử dụng các bộ phận này để làm huy chương tái chế.

Những tấm huy chương là kỷ vật vô cùng quý giá cần được nâng niu, bảo vệ

Các vận động viên thắng và đạt huy chương đều có một hành trình dài tập luyện gian khổ. Tom Daley của Đội GB, người đã giành chiến thắng trong cuộc thi lặn 10m đồng đội nam với người đồng đội Matty Lee đã đan hẳn một chiếc túi để giữ huy chương vàng của anh ấy an toàn, không bị trầy xước khi ở Tokyo.

Đối với vận động viên đua xe đạp người Slovenia, Primoz Roglic, người đã giành huy chương vàng trong nội dung đua xe đạp cá nhân nam tính giờ thừa nhận, anh rất bất ngờ khi giành huy chương. Roglic chia sẻ:"Thực ra, đó là một thứ khá nặng nề nhưng nó rất đẹp. Tôi rất tự hào và hạnh phúc".

Năm 2008, vận động viên bóng đá Christie Rampone của đội tuyển Mỹ chia sẻ với tờ Tampa Bay Times rằng, hàng loạt tấm huy chương của cô được giấu trong xoong nồi vì cô tin rằng chúng sẽ là nơi cuối cùng mà ai đó có thể tìm thấy.

Trong những ngày đầu tại Thế vận hội, Michael Phelps đã nghĩ ra một số phương pháp sáng tạo để cất giữ huy chương của mình.

Trong cuộc phỏng vấn "60 Minutes" với Anderson Cooper vào năm 2012, Phelps cho biết anh đã giữ 8 huy chương vàng từ Thế vận hội Bắc Kinh 2008 trong một hộp trang điểm đi du lịch và được bọc trong một chiếc áo phông màu xám.

Vì anh là một trong những vận động viên Olympic giàu thành tích nhất với tổng số 28 huy chương nên Phelps phải áp dụng biện pháp mới để cất giữ chúng an toàn. Tuy nhiên, không phải tất cả các vận động viên đều nắm giữ các vật kỷ niệm Olympic của họ.

Siêu võ sĩ quyền anh Wladimir Klitschko chia sẻ với CNN, anh đã bán chiếc huy chương vàng mà anh giành được tại Đại hội thể thao Atlanta 1996 với giá 1 triệu USD nhằm chuyển đến quỹ Klitschko Brothers, một tổ chức từ thiện do anh và anh trai Vitali thành lập để giúp đỡ những trẻ em nghèo khó ở quê hương Ukraina.

Hay như vận động viên bơi lội người Mỹ Anthony Ervin đã bán đấu giá huy chương vàng Olympic 2000 trên eBay để hỗ trợ những người sống sót sau trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương.

Tiến Thanh (Theo CNN)

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Bất ngờ lý do các nhà vô địch Olympic hay cắn huy chương khi lên bục nhận giải
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO