Báo chí có chức năng, trách nhiệm giúp bài trừ nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em

Trần Trang| 26/11/2021 07:26

Hôm 25/11, UNESCO và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (SJC) - thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - tổ chức tọa đàm Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em.

Nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, buổi tọa đàm được tổ chức trực tuyến với mục tiêu góp phần thúc đẩy sự phát triển của báo chí, truyền thông cũng như vấn đề bình đẳng giới trong báo chí và truyền thông. Đồng thời, sự kiện cũng ra mắt phiên bản tiếng Việt của tài liệu Đưa tin về vấn đề Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em gái - Cẩm nang dành cho Nhà báo tới các phóng viên, sinh viên báo chí, các chuyên gia, giảng viên và nhà quản lý báo chí, truyền thông.

Báo chí có chức năng, trách nhiệm giúp bài trừ nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em  - 1

Buổi tọa đàm trực tuyến Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em bắt đầu vào 9 giờ sáng ngày 25/11.

Mở đầu buổi tọa đàm, bà Lucila Carrasco - đại diện UNESCO - giới thiệu về cuốn cẩm nang được xây dựng theo khung hành động của UNESCO. Cuốn sách bao gồm 10 chủ đề liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ-trẻ em gái và những đề xuất cơ bản trong việc thực hành báo chí có đạo đức đối với việc đưa tin về vấn đề bạo lực giới. Ngoài việc chia sẻ các khuyến nghị và những thực hành tốt cho các chuyên gia truyền thông, cẩm nang cũng giúp các nhà báo xử lý tốt các tình huống họ có thể gặp phải khi đưa tin về các vấn đề giới.

Bên cạnh việc giới thiệu những nội dung cốt lõi của cuốn cẩm nang, tọa đàm cũng tập trung nhận diện vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em. Bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA) cùng nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ đã đưa ra các phương thức tiếp cận và thảo luận về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trên báo chí và trong tác nghiệp của nhà báo thông qua các trường hợp cụ thể.

Theo đó, bạo hành phụ nữ không phải là một sự việc đơn lẻ mà diễn ra lặp đi lặp lại, hành vi này cần được coi là vi phạm nhân quyền và là vấn đề xã hội lớn. Để củng cố điều này, truyền thông cần góp phần thay đổi cách nhìn nhận về sự việc và thay đổi về cả luật pháp, cho thấy cơ chế và con đường bảo vệ phụ nữ.

Từ đó, tọa đàm gợi mở cho các nhà báo tham dự suy ngẫm nhằm thúc đẩy các thực hành đạo đức khi đưa tin, bài về bạo lực giới.

Báo chí có chức năng, trách nhiệm và sứ mệnh làm cho cuộc sống tốt hơn, không thể chấp nhận thực trạng ‘bạo hành phụ nữ và trẻ em’ vẫn còn là vấn nạn nghiêm trọng hiện nay”, ông Lê Xuân Trung khẳng định.

Trần Trang

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Báo chí có chức năng, trách nhiệm giúp bài trừ nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO