Bán iPhone cũ để 'lên đời', cô gái dính bẫy lừa kinh điển

19/10/2020 12:01

Công nghệ mở ra nhiều hình thức cho phép giao dịch, thanh toán tiện lợi, dễ dàng. Nhưng cùng với đó vẫn còn nhiều kẽ hở để kẻ gian lợi dụng.

Bán iPhone cũ để lên đời, cô gái dính bẫy lừa kinh điển - 1

Chia sẻ trên hội nhóm Facebook, một nữ thành viên vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại câu chuyện bị đối tượng lừa tiền bán điện thoại iPhone. Điều đáng nói là mặc dù chiêu lừa đảo ở đây không mới, nhưng vẫn dễ gây nhầm lẫn, và khiến nhiều người mắc lừa.

Theo câu chuyện được kể lại, vào chiều 17/10, bạn nữ có tên K.T. đã rao bán chiếc iPhone XS Max cũ trên mạng Facebook để "lên đời" iPhone 11. Sau ít lâu, một đối tượng đồng ý mua chiếc điện thoại với giá 13 triệu đồng và hẹn gặp tại địa điểm giao dịch.

Do không có tiền mặt, nên đối tượng chủ động đề nghị giao dịch theo hình thức chuyển khoản. Tuy nhiên, vì không nhớ số tài khoản, lại vừa reset máy nên không thể kiểm tra, cô gái đã yêu cầu người mua chuyển khoản sang số tài khoản của bạn mình.

Sau khi thực hiện một số thao tác trên điện thoại, đối tượng đưa cho cô gái xem ảnh chụp màn hình "giao dịch thành công". Cẩn thận, T. còn chụp lại màn hình để làm bằng chứng.

Chờ mãi không thấy tiền về tài khoản, cô gái mới nghi ngờ và mở lại ảnh đã chụp. Lúc này, cô mới "ngã ngửa" khi trong ảnh chỉ là thông báo "cài đặt lịch thành công" chứ không phải là "giao dịch thành công". Còn kẻ gian thì đã "cao chạy xa bay", với tài khoản Facebook thực chất cũng là tài khoản ảo, còn số điện thoại thì dễ dàng thay thế.

Giao diện dễ gây nhầm lẫn

Bán iPhone cũ để lên đời, cô gái dính bẫy lừa kinh điển - 2

Thông báo "cài đặt lịch thành công" trên app mobile banking khiến nhiều người dễ nhầm lẫn.

Câu chuyện sau khi được chia sẻ, đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, với hơn 1000 lượt tương tác, và 700 bình luận. Đa số ý kiến cho rằng cô gái đã quá bất cẩn vì không đọc kỹ thông báo hiển thị, điều mà ai khi nhìn vào ảnh cũng nhìn ra. 

Tuy nhiên theo đánh giá của một số người, giao diện này đặc biệt dễ gây nhầm lẫn, đặc biệt là nếu đang trong tâm lý vội vàng, hoặc chỉ tập trung nhìn vào khu vực số tài khoản thụ hưởng, cũng như thời gian giao dịch bên dưới.

Trong khi đó, có lẽ nhiều người ắt hẳn cũng  chưa biết đến sự tồn tại của tính năng hiển thị thông báo "cài đặt lịch thành công" như trường hợp nêu trên.

Theo tìm hiểu, một số ứng dụng quản lý tài khoản ngân hàng (mobile banking) có tính năng cho phép người dùng đặt lịch "hẹn giờ" để thực hiện một lệnh chuyển tiền. 

Điều đáng nói là khi "hẹn giờ" thành công, màn hình sẽ hiển thị một thông báo khá giống như khi thực hiện thao tác chuyển khoản. Tuy nhiên, điểm khác nhau đó là với hình thức "hẹn giờ", chủ tài khoản có thể dễ dàng hủy lệnh khi thao tác chưa diễn ra.

Lợi dụng sơ hở đó, một số đối tượng đã thành công trong việc lừa nạn nhân bằng cách làm họ tin rằng "mình đã chuyển tiền", nhưng thực ra thì chưa.

Lỏng lẻo trong khâu quản lý, định danh người dùng trên mạng

Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu tỉnh táo và bất cẩn của người dùng khi thực hiện giao dịch trên mạng, thì những lỏng lẻo trong khâu quản lý, định danh tài khoản trên môi trường Internet vẫn là những "hạt sạn" dễ bị đối tượng lừa đảo lợi dụng.

Trong nhiều năm qua, có thể thấy một trong những thủ đoạn phổ biến nhất là kẻ gian chiếm quyền sử dụng tài khoản xã hội (Facebook, Zalo, Messenger...) rồi đóng giả chủ tài khoản để viện cớ lừa tiền từ người thân, bạn bè của nạn nhân.

Dễ bắt không kém là tình trạng tài khoản mạng xã hội thiếu định danh, xác thực, dẫn tới việc một đối tượng có thể lập hàng trăm "nick ảo" với hình đại diện đáng tin (như doanh nhân thành đạt, người đã có gia đình,...) và có thông tin đầy đủ để phục vụ mục đích của mình. 

Bán iPhone cũ để lên đời, cô gái dính bẫy lừa kinh điển - 3

Đặc điểm của những nick ảo trên Facebook là có ảnh đại diện bắt mắt, hoặc giả làm doanh nhân thành đạt, người đã có gia đình,... để tạo sự tin tưởng.

Ngoài ra, cũng có tình trạng làm giả tin nhắn thông báo trúng thưởng, yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào đường link giả mạo mà chúng gửi tới, từ đó lừa đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, mã PIN,...

Kẻ gian thậm chí còn dễ dàng mạo danh cơ quan thực thi pháp luật, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chúng cung cấp để tiến hành điều tra, xác minh. Đã có những nạn nhân cả tin, bị lừa hàng tỉ đồng bằng hình thức này.

Có thể thấy rằng công nghệ mở ra nhiều hình thức cho phép giao dịch, thanh toán tiện lợi, dễ dàng. Nhưng cùng với đó vẫn còn nhiều kẽ hở để kẻ gian lợi dụng.

Với việc đang có hàng loạt phương thức lừa đảo bằng công nghệ cao, người dùng cần nâng cao kiến thức, đặc biệt là về công nghệ thông tin, và chuẩn bị sẵn những biện pháp đề phòng cho những tình huống cụ thể có thể xảy đến.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bán iPhone cũ để 'lên đời', cô gái dính bẫy lừa kinh điển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO