(Bài Tết) Ngành giáo dục nỗ lực thực hiện chuyển đổi số

MINH AN| 25/01/2022 11:06

Những năm gần đây, ngành giáo dục rất quan tâm đến việc ứng dụng CNTT vào hoạt động giảng dạy.

Có thể nói, chính việc ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả.

Từ mô hình lớp học tập trung đã dần chuyển sang các mô hình dạy học trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông đễ hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, học tập.

Qua đó, người học có thể tiếp cận tri thức mọi nơi, mọi lúc, có thể chủ động trong việc học tập và ứng dụng kiến thực vào thực tiễn. Sự bùng nổ về công nghệ giáo dục đã, đang và sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục mang tính chuyển đổi sâu sắc vì con người.

Năm 2020, lãnh đạo ngành giáo dục đã nêu 4 vấn đề cơ bản của chuyển đổi số gồm: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về giáo dục; Phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; Xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; Phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực CNTT.

Đến thời điểm hiện tại các vấn đề cơ bản về chuyển đổi số ngành giáo dục vẫn đang được triển khai hiệu quả. Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn thì số hóa dữ liệu là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của chuyển đổi số.

Nhận thức được việc đó, Bộ GDĐT đã ban hành ban hành Thông tư quy định về quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu (CSDL), ban hành quy định về kỹ thuật về dữ liệu ngành giáo dục, hướng dẫn kết nối trao đổi dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục.

Đồng thời, Bộ GDĐT đã tổ chức số hóa, xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành nhằm phục vụ công tác báo cáo, theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo, kiểm tra và thanh tra của các cơ quan quản lý giáo dục. Đến nay, ngành giáo dục đã hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng CSDL về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. CSDL này đang được ứng dụng hiệu quả phục vụ quản lý điều hành thường xuyên, liên tục trong toàn ngành giáo dục.

Bộ GDĐT đang triển khai nhiệm vụ xây dựng CSDL quốc gia về giáo dục đại học nhằm quản lý tự chủ đại học, quản lý việc thực thi các quy định về giáo dục ở các cơ sở đào tạo đại học.

chuyen-doi-so.jpeg
Ảnh minh họa

“Để tổ chức dạy học trực tuyến (theo hướng kết hợp với dạy học trực tiếp), tháng 3.2021, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 09 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, làm cơ sở pháp lý hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tuyến như là phương thức chuyển đổi số trong giáo dục sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới.

Đồng thời triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, văn bản hướng dẫn để phát triển môi trường học tập số. Kho học liệu được quan tâm phát triển và phụ vụ khai thác có hiệu quả trong dạy và học trực tuyến trong thời gian vừa qua.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ TTTT chỉ đạo các doanh nghiệp trong nước hoàn thiện nền tảng dạy học trực tuyến quốc gia để hướng đến việc sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến có sự thống nhất, đồng bộ cao trong mỗi nhà trường, trên mỗi địa bàn, trên nền tảng dùng chung của cả nước”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay.

Phát triển nhân lực chất lượng cao

Để triển khai Chuyển đổi số quốc gia, nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng. Nắm bắt được điều đó, Bộ GDĐT đã thể chế hóa nhiệm vụ phát triển nhân lực chất lượng cao về CNTT và chuyển đổi số trong Chiến lược phát triển Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn năm 2045 (đang xây dựng).

Cùng với đó là đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam cũng như xây dựng và áp dụng chuẩn chương trình đào tạo, đặc biệt là các nhóm ngành khoa học công nghệ, kỹ thuật (phục vụ Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số) có chuẩn cao tương đương với khu vực và thế giới.

Nhiều cơ sở đào tạo đã đẩy mạnh đào tạo các chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu; một số cơ sở giáo dục đại học lớn của Việt Nam đã thành lập trung tâm nghiên cứu, đào tạo về trí tuệ nhân tạo.

Đồng thời, nghiên cứu khoa học cũng được quan tâm và đẩy mạnh: Bộ GDĐT đã phê duyệt gần 50 nhiệm vụ KHCN cấp bộ liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số như nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn…

Đối với học sinh phổ thông, Bộ GDĐT phối hợp với UNICEF để nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thử nghiệm Khung năng lực số cho học sinh nhằm chuẩn hóa nhằm nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cho học sinh, hình thành năng lực số cho công dân số trong tương lai....

Với sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục hi vọng sẽ mở ra hướng đi mới cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin truyền thông, sẽ giúp cho ngành giáo dục nước nhà ngày càng phát triển và tiệm cận với sự phát triển chung của thế giới.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
(Bài Tết) Ngành giáo dục nỗ lực thực hiện chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO