Bà Vũ Thị Chân Phương làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán

09/01/2023 13:18

Bà Vũ Thị Chân Phương được bổ nhiệm là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán.

Hôm nay, 9/1, Bộ Tài chính chính thức trao Quyết định bổ nhiệm bà Vũ Thị Chân Phương làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Chức vụ Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi phụ trách, điều hành kể từ ngày 19/5, thay cho ông Trần Văn Dũng do bị kỷ luật.

Trước khi được bổ nhiệm là Chủ tịch UBCK, bà Vũ Thị Chân Phương là Phó Chủ tịch UBCK. Bà Phương cũng từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Thanh tra của UBCKNN.

Bà Vũ Thị Chân Phương là một trong 2 Phó Chủ tịch UBCK bên cạnh ông Phạm Hồng Sơn.

Theo quy định, UBCK có Chủ tịch và không quá 3 Phó Chủ tịch. Chủ tịch là người đứng đầu UBCK, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Uỷ ban. Các Phó Chủ tịch UBCK chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công phụ trách.

Bà Vũ Thị Chân Phương trong buổi Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu năm 2023 tại Sở GDCK Hà Nội sáng 3/1. (Ảnh: HNX)

Bà Vũ Thị Chân Phương là một trong các lãnh đạo UBCK có nhiều hoạt động hợp tác tài chính quốc tế.

Tại Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu năm 2023 tại Sở GDCK Hà Nội sáng 3/1, thay mặt lãnh đạo UBCK, Phó Chủ tịch UBCK Vũ Thị Chân Phương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi và cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai ngay 5 nhiệm vụ quan trọng của ngành chứng khoán, nỗ lực hoàn thành rà soát Luật chứng khoán, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, tăng cường giám sát đảm bảo thị trường hoạt động một cách minh bạch, ổn định, kỷ cương, đồng thời hoàn thành kế hoạch đưa sản phẩm mới, hệ thống công nghệ thông tin mới vào triển khai, áp dụng theo đúng lộ trình trong năm 2023.

Tại một hội thảo chuyên đề về thị trường bất động sản trong  Diễn đàn Kinh tế 2023, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết, TTCK có tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn. Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, với dự báo của IMF về tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023…

Bên cạnh đó, tình hình lạm phát Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt trong một vài tháng qua, Mỹ được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm cường độ tăng lãi suất. Áp lực tỷ giá trong nước theo đó cũng sẽ giảm dần. Đây sẽ là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Tuy nhiên, bà Phương cũng lưu ý kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, gồm: lãi suất ở cao, triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế lớn; xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục kéo dài…

5 nhiệm vụ ngành chứng khoán 2023
Tại Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu năm 2023 tại Sở GDCK Hà Nội sáng 3/1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, lãnh đạo Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho ngành chứng khoán, tập trung thực hiện thắng lợi một số công việc trọng tâm, gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách sửa đổi Luật chứng khoán và các văn bản có liên quan tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán về quy mô, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, áp dụng phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường.
Thứ hai, trên cơ sở chiến lược ngành tài chính, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, xây dựng một kế hoạch cụ thể để chúng ta triển khai các hoạt động trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Thứ ba, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm mới và tạo thuận lợi cho công chúng đầu tư.
Thứ tư, tổ chức triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô, chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán.
Thứ năm, tăng cường công tác giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của TTCK. Trên cơ sở đó, Lãnh đạo Bộ Tài chính tin tưởng rằng năm 2023 TTCK Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ với sự phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào sự hưng thịnh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và của công chúng đầu tư.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bà Vũ Thị Chân Phương làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO