Bà Nguyễn Phương Hằng bị kiện: Xúc phạm danh dự người khác có phải bồi thường thiệt hại?

Minh An(t/h)| 02/06/2021 12:19

Việt BáoVụ việc bà Nguyễn Phương Hằng bị nữ doanh nhân Lê Thị Giàu khởi kiện và đòi bồi thường 1.000 tỷ vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chia sẻ quan điểm về vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của công dân tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả của xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Với nội dung và biểu hiện cảm xúc của bà Hằng trong các buổi Phát trực tiếp trên mạng xã hội trong thời gian qua thì nhiều người cho rằng hành vi của bà Hằng là xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhiều người khác, kết luận thiếu căn cứ, đưa thông tin sai sự thật, chưa có kiểm chứng lên mạng xã hội.

Bởi vậy, việc bà Hằng bị kiện, thậm chí bị tố cáo, tố giác tội phạm là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Có lẽ bà Hằng cũng đã lường trước được những tình huống như thế này để đối mặt với nó. Trong nhiều nội dung phát trực tiếp bà Hằng cho biết sẽ quyết liệt hơn và sẽ chủ động kiện tụng những người khác nếu xúc phạm lại nữ doanh nhân này”.

Bà Nguyễn Phương Hằng

Người phụ nữ này còn cho biết sẽ chủ động khởi kiện một số tổ chức cá nhân.. Tuy nhiên nếu cuộc chiến pháp lý xảy ra thì sự việc sẽ không đơn giản chỉ là một vụ kiện dân sự. Có thể sẽ có người khởi kiện, thậm chí tố cáo bà Hằng về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, đưa thông tin trái phép trên mạng internet, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Công dân có quyền bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội?

Theo Luật sư Đặng Văn Cường thì với quy định của pháp luật mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, việc bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến như vậy phải trên cơ sở pháp luật, tôn trọng pháp luật và tôn trọng các quyền tự do cơ bản khác của công dân. Đối với các hành vi vi phạm pháp luật thì chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền kết luận là hành vi của ai đó có vi phạm pháp luật hay không. Bởi vậy, không cá nhân nào được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để thay cơ quan chức năng quy kết hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, không được chửi bới, sỉ nhục, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác.

Việc bày tỏ thái độ, quan điểm, lối sống, thực hiện các quyền tự do ngôn luận không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân... Các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, quyền được bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, quyền được bảo vệ về danh dự nhân phẩm...

Ngoài ra, Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng có nhiều quy định để bảo vệ các quyền cơ bản của công dân. Việc thực hiện các quyền cơ bản này phải trên cơ sở pháp luật, phải trong khuôn khổ pháp luật, bị giới hạn bởi pháp luật theo nguyên tắc “quyền tự do của chủ thể này bị giới hạn bởi quyền tự do của chủ thể khác”.

Nếu người nào thực hiện quyền tự do của mình đi quá giới hạn thì sẽ xâm phạm đến quyền tự do của người khác. Hiện nay, việc thực hiện các dịch vụ mạng xã hội phải trên cơ sở các quy định của pháp luật, nghiêm cấm việc sử dụng thông tin trên mạng internet, mạng viễn thông để xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân.

Hiện nay, việc đưa tin trên mạng xã hội phải tuân thủ quy định của Luật an ninh mạng năm 2018. Theo đó Luật an ninh mạng quy định các hành vi bị cấm tại Điều 8, điều 16, điều 17, điều 18 để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân.

Xem thêm: Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi kiện, đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng

Thực hiện các hành vi bị cấm trên không gian mạng bị phạt thế nào?

Thực hiện các hành vi bị cấm trên không gian mạng là sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, gây tổn hại đến lợi ích kinh tế, đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Trong các hành vi bị cấm trên không gian mạng có hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, tiết lộ bí mật đời tư của người khác gây ra những tổn thương về đời sống tâm lý, sức khỏe của người khác.

Theo Hiến pháp 2013 thì "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình".

Theo Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 thì: Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. “Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.”

Nữ doanh nhân Lê Thị Giàu kiện bà Nguyễn Phương Hằng

Như vậy, danh dự, uy tín của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Trường hợp cá nhân có căn cứ cho thấy có người đã xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân hoặc sử dụng thông tin hình ảnh của cá nhân trái phép, xâm phạm bí mật cá nhân và bí mật gia đình trái pháp luật thì có quyền yêu cầu người vi phạm phải dừng hành vi vi phạm pháp luật, cải chính xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Hành vi tiết lộ bí mật đời tư cá nhân, đưa thông tin sai sự thật vu khống xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì tùy vào tính chất mức độ, tùy thuộc vào hậu quả mà hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Về chế tài hành chính: Nếu hành vi xâm phạm đến bí mật đời tư cá nhân, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, vụ không, bịa đặt, xuyên tạc thông tin về người khác mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP mức phạt từ 100 ngàn đến 300 ngàn đồng nếu như hành vi diễn ra trong đời sống xã hội.

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”.

Còn trường hợp hành vi vi phạm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác trên không gian mạng (như trên Facebook, YouTube...) thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức chế tài có thể lên đến 20.000.000 đồng.

“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

  1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
  2. a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;”.

Điểm g, khoản 3 Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng quy định hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Xem thêm: Người khởi kiện đòi bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường 1.000 tỷ là ai?

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bà Nguyễn Phương Hằng bị kiện: Xúc phạm danh dự người khác có phải bồi thường thiệt hại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO