Ba mẹ thủ môn Kim Thanh tuyển nữ Việt Nam: "Mong con sống được với nghề"

NGUYỄN ĐĂNG - THANH VŨ| 10/02/2022 13:56

Bên cạnh niềm hân hoan với thành công của tuyển nữ Việt Nam, ba mẹ của thủ môn Trần Thị Kim Thanh vẫn luôn canh cánh lo cho con gái, đặc biệt là sinh kế sau khi chia tay sự nghiệp.

 Tuổi thơ gian khó của Kim Thanh

"Năm ngoái, Thanh ăn Tết ở nhà xong là đi tập huấn rồi thi đấu biền biệt. Tính đến nay đã hơn 1 năm, cháu nó chưa về nhà. Đây là lần xa nhà lâu nhất của Kim Thanh kể từ khi lên tuyển. Chúng tôi rất vui, tự hào khi cháu cùng đội tuyển Việt Nam lập kỳ tích giành vé dự World Cup 2023. Giờ gia đình tôi chỉ biết ngóng, chờ để đón Thanh về ăn Tết muộn cùng gia đình", ông Trần Văn Minh chia sẻ với Lao Động.

Là cựu binh từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia trong 3 năm, ông Minh trở về lập gia đình ngay trên mảnh đất quê hương ở ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, Long An. Nhà chỉ có 2 công đất để canh tác nên kinh tế của gia đình khá chật vật. Ông Minh phải tìm thêm công việc phụ hồ, theo các nhóm thợ đi khắp nơi để kiếm tiền. Còn vợ ông - bà Dương Thị Phượng tất tả với việc làm thuê gần nhà.

Kim Thanh là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh em. Từ nhỏ, cô đã ý thức rất rõ về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Vì thế cứ hết giờ học, cô lại ra đồng để phụ ba mẹ. "Kim Thanh nó giỏi lắm, đi học về xong là tự ý thức ra đồng hái đậu với mẹ, hoặc đi kéo cá, bẻ bắp… Nói chung, cháu không nề hà bất cứ việc gì, miễn phụ giúp được cho ba mẹ", bà Dương Thị Phượng chia sẻ.

So với bạn bè cùng trang lứa, Kim Thanh có thể hình khá tốt, người dỏng dỏng cao. Năm 14 tuổi, khi mới lên lớp 9, nghe tin ở TPHCM tuyển thủ môn bóng đá nữ, Kim Thanh đã quyết định chia tay bố mẹ, để rẽ ngang theo nghiệp quần đùi áo số.

Bảng thành tích đồ sộ của Kim Thanh đội tuyển nữ Việt Nam kể từ khi theo nghiệp quần đùi áo số. Ảnh: Thanh Vũ
Bảng thành tích đồ sộ của Kim Thanh đội tuyển nữ Việt Nam kể từ khi theo nghiệp quần đùi áo số. Ảnh: Thanh Vũ

"Kim Thanh là đứa rất tình cảm, chẳng mấy khi xa ba mẹ được lâu. Thậm chí khi về nhà ngoại, cháu cũng không ngủ lại qua đêm bao giờ. Ấy thế mà năm 14 tuổi, Thanh quyết định theo tập đá bóng. Tôi thì ủng hộ, còn mẹ cháu không muốn xa con. Thời gian đầu, Thanh cũng gặp chút khó khăn khi xa nhà, nên cũng bỡ ngỡ, khóc lóc. Trong 2-3 tháng đầu tiên, tôi cũng thường xuyên lên Tao Đàn để đưa đón cháu về. Sau đó thì cháu quen dần, tự lập để thích ứng", ông Minh nhớ lại.

Giờ đây khi Thanh đã thành công, ông Dương vẫn nhớ như in những ngày đầu con gái đi tập bóng đá. Thủ môn số 1 tuyển Việt Nam khi đó đã vượt qua muôn vàn khó khăn ban đầu để khẳng định được bản thân, tạo dựng một chỗ đứng vững chắc.

"Lương của Thanh khi mới lên tập chỉ 200.000 – 300.000 đồng/tháng. Có lúc, cháu phải mượn tiền ăn các đàn chị đi trước, sau đó nhận lương trả lại. Khó khăn là thế nhưng Thanh hiếm khi xin tiền nhà bao giờ, cháu chỉ mở miệng xin khi cần mua đôi găng tay mới để tập luyện. Có lẽ vì thế, Kim Thanh có ý thức cao và rất trân quý những đồng tiền do mình làm ra", ông Dương chia sẻ về kỷ niệm với cô con gái.

"Xây nhà rồi, giờ là lúc Thanh phải lo cho bản thân"

Sau SEA Games 2019, giải đấu tuyển nữ Việt Nam đoạt huy chương vàng, Kim Thanh đã gom góp tiền thưởng của mình, cùng với khoản tích lũy của ba mẹ, để cùng xây lại căn nhà mới, rộng rãi và khang trang hơn. Tổ ấm mới của Kim Thanh cùng gia đình chỉ cách căn nhà cũ vốn chật hẹp hơn rất nhiều chỉ vài bước chân.

Căn nhà mới mà Kim Thanh phụ giúp để xây mới cho ba mẹ sau SEA Games 2019. Ảnh: Thanh Vũ
Căn nhà mới mà Kim Thanh phụ giúp để xây mới cho ba mẹ sau SEA Games 2019. Ảnh: Thanh Vũ

Trong căn nhà mới, hàng chục bằng khen, tấm huy chương và những kỷ niệm chương của Kim Thanh được treo ở một vị trí trang trọng ở phòng khách. "Căn nhà mới là này là công sức của Kim Thanh cùng với khoản tiền tích góp của gia đình. Kim Thanh giờ cũng đã 29 tuổi, thời gian thi đấu đỉnh cao cũng không còn lâu. Gia đình tôi chỉ mong cháu giờ lo tích lũy cho bản thân, để lo cho cuộc sống sau này, đặc biệt là khi chia tay sự nghiệp", bà Dương Thị Phượng chia sẻ.

Từ hơn 15 năm nay, bà Phượng không còn làm công việc đồng áng. Thay vào đó, bà làm việc tại khu công nghiệp Pouyuen tại TPHCM. Mức lương không quá cao, nhưng đủ giúp bà trang trải cuộc sống. Còn ông Trần Văn Minh đã nghỉ việc phụ hồ từ 10 năm nay, chuyên tâm nuôi bò, làm việc vặt tại nhà.

"Ba mẹ nào cũng luôn có mối lo cho con cái. Khi Thanh còn nhỏ, lại là phái nữ nên khi cháu mới đi tập, tôi cũng lo những chuyện này kia. Giờ mọi thứ căn bản đã ổn. Còn tương lai, tôi mong Thanh sống được với nghề. Tôi không quan trọng chuyện con cái sống cạnh mình hay không, miễn cháu thoải mái và tự chăm lo được cho mình là được", ông Minh chốt lại.

Thủ môn Trần Thị Kim Thanh sinh ngày 18.9.1993 tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Cô theo tập bóng đá tại TPHCM từ năm 2007 và gắn bó với đội nữ TPHCM từ đó đến nay. Kim Thanh đã cùng câu lạc bộ chủ quản liên tiếp vô địch quốc gia những năm gần đây. Với tuyển nữ Việt Nam, Kim Thanh đã cùng đội đoạt huy chương vàng SEA Games 2019, vô địch Đông Nam Á năm 2019, giành vé dự World Cup 2023 thông qua Cúp bóng đá nữ Châu Á 2022. Ở giải đấu vừa kết thúc tại Ấn Độ, Kim Thanh là thủ môn số pha cứu thua nhiều nhất giải (27 lần).

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ba mẹ thủ môn Kim Thanh tuyển nữ Việt Nam: "Mong con sống được với nghề"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO