Ba lần tái cơ cấu, Jetstar Pacific vẫn nợ hơn 4.000 tỷ đồng

17/06/2020 15:21

Là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, nhưng lịch sử hoạt động của Jetstar Pacific không mấy suôn sẻ. Sau ba lần tái cơ cấu, Jetstar Pacific lại trở về với cái tên khai sinh Pacific Airlines và chủ cũ.

Ba lần tái cơ cấu, lại về chủ cũ

Tiền thân của Jetstar Pacific là hãng hàng không Pacific Airlines, thành lập năm 1991 do Vietnam Airlines và Saigontourist sáng lập và đồng sở hữu. Do nhiều năm kinh doanh không hiệu quả, đầu năm 2005, Chính phủ buộc phải chuyển 86,49% vốn Nhà nước về Bộ Tài chính quản lý, đến tháng 8/2006 chuyển về SCIC điều hành.

Để tái cơ cấu hoạt động của Pacific Airlines, Chính phủ đồng ý bán gần 30% cổ phần của hãng cho Tập đoàn Qantas (Úc), trị giá khoảng 50 triệu USD, để cắt lỗ. Đổi lại, hãng phải chuyển sang thương hiệu Jetstar Pacific Airlines.

Ngày 2/5/2007 đánh dấu sự ra đời của hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam, bước chuyển đổi quan trọng của Pacific Airlines. Đây cũng là hãng hàng không nước ngoài đầu tiên đầu tư vào thị trường hàng không Việt.

Ba lần tái cơ cấu, Jetstar Pacific vẫn nợ hơn 4.000 tỷ đồng
Jetstar Pacific, thương hiệu hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam

Sau ký kết, SCIC chỉ còn nắm giữ 62% cổ phần của Pacific Airlines. Khi đó, bà Lê Thị Băng Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị SCIC, lý giải việc chọn Qantas làm nhà đầu tư chiến lược bởi tập đoàn này có hệ số an toàn cao, tiềm lực tài chính và kinh nghiệm dầy dặn trong điều hành hàng không giá rẻ.

Tuy nhiên, việc kinh doanh hàng không tại Việt Nam không dễ dàng. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, chi phí nhiên liệu bay tăng cao cộng đội tàu bay già cỗi trên 15 năm tuổi, lại hạn chế về tổ chức hoạt động khiến Jetstar Pacific liên tục thua lỗ. Tổng lỗ lũy kế 2005-2011 của hãng lên đến 2.100 tỷ đồng.

Jetstar Pacific lại ngập chìm trong khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản. Cuối năm 2011, hãng mất khả năng thanh toán với vốn chủ sở hữu âm trên 600 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 2.500 tỷ đồng. Một lần nữa, để vực dậy hãng, đầu năm 2012, Thủ tướng đã giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn nhà nước tại SCIC và thực hiện tái cơ cấu lần thứ hai.

Nhận Jetstar Pacific về, với vai trò là cổ đông lớn, Vietnam Airlines “xắn tay” cùng cổ đông Qantas tái cơ cấu mạnh hãng này trên định hướng Thương hiệu kép (hàng không truyền thống đi kèm hàng không giá rẻ - LCC). Năm 2014 ghi nhận lần đầu tiên hãng cân đối được thu chi. Sau đó, có năm lỗ, có năm lãi nhưng xu hướng chung là thua lỗ. Tới năm 2017, hiệu quả kinh doanh dần được cải thiện, Jetstar Pacific giảm lỗ 561 tỷ đồng so với năm 2016.

Cộng dồn các giai đoạn, tới 2019, hãng này gánh khoản lỗ 4.400 tỷ đồng. Văn phòng Chính phủ đã phải ra văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét làm rõ thông tin trên, báo cáo kết quả lên Thủ tướng.

Song, bước sang năm 2020, dịch Covid-19 như cú đấm giáng xuống khiến Jetstar Pacific không thể gượng nổi. Bản thân Qantas cũng gặp vô vàn khó khăn để duy trì kinh doanh tại Úc nên tập đoàn này tính đến chuyện rút lui khỏi thị trường Việt Nam không kèm điều kiện thu hồi vốn, sau 13 năm kinh doanh không hiệu quả.

Ba lần tái cơ cấu, Jetstar Pacific vẫn nợ hơn 4.000 tỷ đồng
Hành khách làm thủ tục đi chuyến bay của hãng

Jetstar Pacific bước vào đợt tái cơ cấu lần thứ ba. Dự kiến tháng 7/2020,  Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận 30% cổ phần của Jetstar Pacific từ Tập đoàn Qantas, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 98%. Jetstar Pacific sẽ trở về với với thương hiệu cũ Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện mới. Đây là một công ty độc lập hoàn toàn, nhưng được Vietnam Airlines hỗ trợ, để thành một phần không thể thiếu trong chuỗi sản xuất kinh doanh của mình.

Lùm xùm kiện tụng và rủi ro

Gần 30 năm hoạt động, lịch sử của hãng Jetstar Pacific cũng không ít lần chứng kiến những lùm xùm kiện tụng, lãnh đạo vướng vòng lao lý trong bối cảnh cạnh tranh tranh khốc liệt trên thị trường. Đặc biệt là giai đoạn 2009-2010, hãng từng là tâm điểm của dư luận khi bị cho là vận hành những chiếc máy bay thiếu an toàn, chuyện cựu tổng giám đốc bị bắt tạm giam, nhiều nhân sự bị cấm xuất cảnh, các chuyến bay liên tục chậm, hủy,...

Đó là vụ việc hai kỹ sư người nước ngoài tháng 11/2009 gửi đơn tới cơ quan chức năng tố cáo Jetstar Pacific bỏ qua một số khâu bảo trì, bảo dưỡng liên quan đến kỹ thuật, độ an toàn.

Ngay lập tức, Cục Hàng không Việt Nam đã vào cuộc thanh tra toàn diện. Lỗi lớn nhất của Jetstar Pacific, theo kết luận, là "vi phạm nhiều mặt hoạt động của tổ chức bảo dưỡng tàu bay, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn bay”,... chưa kể các sai sót trong việc ký kết, sử dụng và chấm dứt hợp đồng với lao động nước ngoài.

Trả lời PV. VietNamNet về sự việc này, ông Lê Song Lai, quyền Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đương nhiệm Jetstar Pacific khi đó cho hay hãng đã phải triển khai đồng loạt các biện pháp khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn khai thác tàu bay, đặc biệt là củng cố, tăng cường và nâng cao chất lượng bảo dưỡng tàu bay.

Ba lần tái cơ cấu, Jetstar Pacific vẫn nợ hơn 4.000 tỷ đồng
Tái cơ cấu, Jetstar Pacific trở lại tên gọi Pacific Airlines với logo và nhận diện thương hiệu hoàn toàn mới

Tháng 1/2010, Jetstar Pacific lại lùm xùm vụ cựu Tổng giám đốc của hãng bị tạm giữ để điều tra về hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến khoản lỗ 31 triệu USD trong quá trình mua xăng dự trữ theo fuel hedging (nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro giá xăng). “Tai nạn” này cũng khiến hai phó tổng khác người Úc bị cấm xuất cảnh để điều tra. Sau đó, vị cựu tổng giám đốc được tại ngoại và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, hai phó tổng người Úc được về nước vào tháng 7/2010.

Có ý kiến cho rằng, với chưa đầy 20 máy bay, quy mô của Jetstar Pacific khá nhỏ, lại là hãng bay theo mô hình giá rẻ. Những tưởng sẽ được nâng đỡ bởi hai “ông lớn” Qantas Aiways và Vietnam Airlines, nhưng thực tế lại rơi vào thế kẹt. Ngoài ra, hãng còn chịu sự cạnh tranh khốc liệt của hàng không giá rẻ Vietjet Air với đội bay gấp 4 lần, thậm chí quy mô thua cả tân bình Bamboo Airways.

Lý giải với báo chí về sự trồi sụt của Jetstar Pacific, ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng, do bộ máy lãnh đạo của hãng này vừa có Qantas là công ty tư nhân, vừa có Vietnam Airlines là doanh nghiệp nhà nước nên có sự khác biệt về văn hóa, quan điểm làm việc nên chưa tạo được đột phá cho Jetstar Pacific.

Hơn nữa, cơ chế điều hành của Jetstar Pacific phụ thuộc quá nhiều vào Qantas vì hệ thống quan trọng nhất - đặt vé, giữ chỗ lại ở Melbourne (Úc). "Họ không hiểu được nhịp thở thị trường tại Việt Nam, mà thị trường nội địa rất quan trọng với Jetstar Pacific. Chưa kể, đội bay quá bé 18 chiếc so với quy mô một hãng hàng không giá rẻ”, ông Quang nói.

Tái cơ cấu, thương hiệu mới Pacific Airlines buộc phải dựa vào nguồn lực và thế mạnh của Vietnam Airlines, trong khi bản thân Hãng hàng không quốc gia đang cần bơm gấp 12.000 tỷ đồng “vay chứ không xin”, nếu không hãng sẽ cạn tiền mặt trong tháng 8 tới. Năm nay, Vietnam Airlines dự kiến lỗ 15.000-16.000 tỷ đồng.

Có vẻ như số phận của Pacific Airlines vẫn chưa hết long đong khi hết tái cơ cấu tách ra rồi nhập vào lại trở về chủ cũ, đổi tên mới rồi lại trở về tên khai sinh,... Tất cả còn ở phía trước. Việc thay áo mới hay thay tên đổi họ chỉ là chuyện của hãng, còn quan trọng hơn là thị trường cần duy trì và thêm nhiều hãng bay mới, tạo sự cạnh tranh và có lợi cho người tiêu dùng.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ba lần tái cơ cấu, Jetstar Pacific vẫn nợ hơn 4.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO