Bà con hãy xem TP.HCM là quê hương thứ hai của mình

Đinh Gia Cư| 01/08/2021 14:46

Bà con các tỉnh sống tại TP.HCM sẽ nhanh chóng được tiêm vaccine, yên tâm ở lại để tiếp tục mưu sinh, và không phải đánh đu tính mạng của mình trên những dặm dài thăm thẳm về quê chạy dịch. Hãy xem TP.HCM là quê hương thứ hai của mình.

Bắt đầu từ 1/8, người dân ở TP.HCM và các tỉnh đang giãn cách xã hội không được rời địa bàn "ai ở đâu ở đấy", chấm dứt cuộc hồi hương chạy dịch đầy bất trắc mà báo chí đã thông tin trong nhiều ngày qua.

Bánh chưng, xôi, xăng được lan tỏa

Từ đầu tháng Bảy, khi tình hình dịch bệnh ở TP.HCM trở nên căng thẳng, lác đác rồi đến số đông theo hiệu ứng dây chuyền, hàng ngàn rồi đến hàng vạn người phần lớn là công nhân làm ăn, sinh sống trên địa bàn TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai lần lượt đổ về quê bằng nhiều con đường khác nhau.

Bằng nhiều nguồn lực khác nhau kể cả nguồn xã hội hóa, vài tỉnh, thành đưa máy bay, xe chất lượng cao, tàu hỏa vào đón công dân. Nhưng không xuể, bởi số lượng công dân có nhu cầu quá lớn, địa bàn quá rộng. Khi TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam tăng cường cấp độ giãn cách để phòng dịch, lượng người đổ về quê lại càng đông, phương tiện chủ yếu là xe gắn máy, có người đi xe đạp thậm chí đi bộ.

Bà con hãy xem TP.HCM là quê hương thứ hai của mình - 1

CSGT dẫn đường cho đoàn xe về quê.

Ban đầu bà con cứ thế mạnh ai nấy đi, nhưng ngay sau đó, các cơ quan chức năng nhận thấy nguy cơ bùng dịch cao cho cả nơi đến. Nhanh chóng từng đoàn người được tập hợp lại ở đầu tỉnh, khai báo y tế, ai về tỉnh thì đưa đi cách ly, ai đi tiếp thì đợi, đủ đoàn khoảng vài trăm người thì có xe công vụ dẫn đầu, kèm giữa và khóa đuôi, tiễn đồng bào qua, tới tỉnh khác lại bàn giao tiếp.

Phía Quốc lộ 14 điểm đầu là từ Bình Phước, rồi chuyền qua Đăk Nông, Đăk Lăk, tới Gia Lai….Phía Quốc lộ 1 cũng tính điểm đầu từ Đồng Nai lần lượt trở ra.

Nhiều trường hợp có điểm cuối trên ngàn km, cá biệt, có trường hợp cả gia đình di chuyển nhiều ngày bằng xe gắn máy về tận Cao Bằng, nhiều trường hợp rất hoàn cảnh, thương tâm như cháu bé 9 ngày tuổi mẹ ôm trên tay, ngồi xe máy chạy hơn 1.000km từ Bình Dương ra Nghệ An suốt 3 ngày liên tục.

Bà con hãy xem TP.HCM là quê hương thứ hai của mình - 2

Hình ảnh người mẹ ôm con chưa tròn 10 ngày tuổi theo chồng về quê Nghệ An bằng xe máy.

Ba mẹ là công nhân thất nghiệp, không còn cách nào khác phải quấn khăn bế con về quê, dù mẹ mới sinh còn chưa cắt chỉ. May thay, khi tới Đà Nẵng thì được một người tốt thuê ôtô đưa về Nghệ An và được thêm nhiều người tốt khác hỗ trợ chi phí đi đường.

Những hành động, nghĩa cử cao đẹp như thế đã được lan tỏa. Ở Gia Lai, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các đoàn thể đã chuẩn bị bánh mì, nước uống..., nhưng sau lại sợ bánh mì không kiểm soát được chất lượng, lỡ họ đau bụng, bèn chuyển sang xôi, bánh chưng phát cho bà con tại điểm dừng chân.

Người dân được cảnh sát giao thông tặng xăng. Video: Ngọc Oanh

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cũng đã trực tiếp vận động cán bộ chiến sĩ đóng góp mua xăng, đóng chai sẵn, cùng với nước uống để bà con không phải dừng lại đổ xăng dọc đường.

Tây Nguyên đang vào mùa mưa, nhiều người khi xem clip xe Cảnh sát giao thông (CSGT) dẫn đoàn hàng mấy trăm xe máy xuyên đêm xuyên mưa về nhà mà xúc động và thương.

Câu chuyện bánh chưng, xôi và xăng tiếp tục được lan tỏa sang nhiều địa phương kế tiếp. Phía đường quốc lộ1, CSGT Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế cũng làm thế. Nhiều trường hợp quá khó khăn thì được hỗ trợ thêm lộ phí đường dài.

Vận động người dân ở lại

Tuy nhiên, việc người dân tự phát trở về quê hương cũng mang nguy cơ lây nhiễm bệnh từ nơi này đến nơi khác, từ địa phương này đến địa phương khác. Kèm theo đó là rất nhiều rủi ro bất trắc dọc đường có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chiều ngày cuối cùng của tháng Bảy, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các tỉnh về việc chống dịch, trong đó nhấn mạnh, người dân ở TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn, tiếp tục ở lại theo tinh thần giãn cách "ai ở đâu ở đấy". Các địa phương không kiểm soát, để người dân tự ý ra khỏi địa bàn, phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Bà con hãy xem TP.HCM là quê hương thứ hai của mình - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về phòng chống dịch Covid-19 ngày 30/7 - Ảnh: Nhật Bắc

Chính phủ yêu cầu các địa phương tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân.

Đối với những người dân đã đi ra khỏi địa bàn đang giãn cách xã hội, sang địa phương khác, khi được phát hiện, chính quyền sở tại có trách nhiệm đón, đưa những người này tiếp tục về quê an toàn. Tổ chức xét nghiệm, bố trí xe ô tô khách chở bà con về, (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy nếu bà con di chuyển bằng xe gắn máy).

Trong cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tha thiết đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trong thời điểm này, nhường một phần vaccine để TP.HCM tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây là tinh thần cả nước hướng về TPHCM. Thời điểm này từng liều vaccine cực kỳ quý giá sẽ giúp được TPHCM chống dịch và cứu được nhiều người hơn

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nếu đạt được sự thống nhất như vậy, TPHCM sẽ tuyên truyền cho người lao động ngoại tỉnh ở lại tiêm vaccine. Ông đã bàn với lãnh đạo thành phố, sau khi tiêm xong vaccine sẽ tổ chức cho công nhân đi làm tiếp, hoặc làm các công việc công ích vừa có thu nhập, giảm bớt cứu trợ, vừa giúp mọi người được lao động trong trạng thái bình thường mới.

Nếu công nhân được tiêm vaccine, được hỗ trợ vật chất trong những ngày tháng gian nan này, họ sẽ yên tâm ở lại để tiếp tục mưu sinh và không phải đánh đu tính mạng của mình trên những dặm dài thăm thẳm về quê chạy dịch.

Sáng nay (1/8) Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM sẽ tiêm vaccine cho bà con để bà con nếu có về quê cũng đỡ áp lực hơn cho địa phương trong công tác phòng chống dịch.

Ông chia sẻ người dân ở lại sẽ có những khó khăn hơn điều kiện bình thường, nhưng ông kêu gọi người dân thông cảm, chia sẻ cùng TP chống dịch, nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đồng thời ông Mãi cũng cho hay chỉ đạo "ai ở đâu ở đấy" của Thủ tướng chỉ trong 14 ngày, nhưng TP.HCM đã và đang vận động các nguồn lực để chăm lo cho bà con trong thời gian ở một tháng.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Bà con hãy xem TP.HCM là quê hương thứ hai của mình
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO