ASEAN khéo léo giữa cạnh tranh Mỹ-Trung, tìm đúng hướng để phục hồi và tăng trưởng hậu đại dịch

Hà Phương| 12/07/2022 06:00

ASEAN luôn thể hiện sự khéo léo, cân bằng trước cạnh tranh nước lớn để tranh thủ những tác động tích cực nhằm phát triển kinh tế của các nước thành viên và củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội.

ASEAN và cạnh tranh Mỹ-Trung
Hợp tác quốc tế là yếu tố đóng góp lớn nhất vào sự phục hồi của các nền kinh tế ASEAN thời kỳ hậu đại dịch. (Ảnh: TCTC)

Hội nhập và tăng cường hợp tác

Trang mạng lowyinstitute.org của Australia vừa qua có có những nhận định về các cơ hội phục hồi kinh tế hậu đại dịch của ASEAN.

Cụ thể, theo dự báo về triển vọng kinh tế khu vực do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra, tăng trưởng ở ASEAN phục hồi từ 4,0 lên 5,2% vào năm 2022, trong đó thương mại là động lực chính.

Tăng trưởng dựa trên tiền đề là xu hướng hội nhập gia tăng, với sự ra mắt của Kế hoạch Thực thi và khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN vào năm 2020. ASEAN đã nhất trí tận dụng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) như một nền tảng để tăng mức độ gắn kết hơn với các thị trường quốc tế.

Điều đáng ngạc nhiên là chính đại dịch đã giúp thúc đẩy mục tiêu lâu dài của ASEAN về hội nhập khu vực - nó cũng thúc đẩy một chương trình nghị sự chung về y tế, đồng thời tăng cường hợp tác chung.

Hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng giúp ASEAN ứng phó với đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong việc nâng tỷ lệ tiêm chủng như một bước ngoặt để dẫn đến trạng thái “bình thường mới”. Hợp tác quốc tế cũng là yếu tố đóng góp lớn nhất vào sự phục hồi của các nền kinh tế ASEAN thời kỳ hậu đại dịch.

Xét về mặt địa lý, ASEAN sẽ vẫn là một trọng tâm chiến lược và là một trung tâm sản xuất và thương mại. Các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn có quan hệ đối tác kinh tế với ASEAN.

Để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực, ASEAN cần phải khéo léo cân bằng giữa các sáng kiến kinh tế trong khu vực, trong đó có RCEP và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ khởi xướng mới đây. Cân bằng và tận dụng tốt các cơ hội sẽ giúp tăng trưởng kinh tế của các thành viên ASEAN trong quá trình phục hồi sau đại dịch.

Trung lập, củng cố hòa bình trên cơ sở luật quốc tế

ASEAN đã luôn thể hiện sự khéo léo và cân bằng trước cạnh tranh giữa các nước lớn ngay từ khi cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc bắt đầu nổi lên gay gắt.

Điều đó được thể hiện trong cả những tuyên bố ở cấp cao của ASEAN. Ngày 8/8/2020, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã ra Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc Duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.

Đây là lần đầu tiên các bộ trưởng ASEAN ra tuyên bố riêng về chủ đề hoà bình và an ninh khu vực, nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN.

ASEAN và cạnh tranh Mỹ-Trung
ASEAN kiên quyết khẳng định lập trường "không chọn phe" dù áp lực cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng. (Ảnh: BGT)

Theo đó, Hiệp hội tái khẳng định cam kết duy trì một Đông Nam Á hoà bình, an ninh, trung lập, ổn định, đồng thời củng cố các giá trị hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; Tuyên bố cũng xác định những nguyên tắc và định hướng lớn giúp ASEAN thích ứng với những biến động, cạnh tranh nước lớn gia tăng ở khu vực và thế giới, từ đó tiếp tục củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm.

Việc ra tuyên bố riêng về hoà bình và an ninh khu vực cho thấy ASEAN kiên quyết khẳng định lập trường "không chọn phe" dù áp lực cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales từng nhận định việc ASEAN ra Tuyên bố nêu trên là nhằm gửi thông điệp đến cả Trung Quốc và Mỹ, khẳng định vai trò trung tâm của Hiệp hội và các cơ chế trong khuôn khổ của ASEAN là nền tảng cho hợp tác.

Thời gian qua, ASEAN cũng đã nỗ lực thúc đẩy định hướng Mỹ, Trung Quốc và các đối tác hợp tác thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS).

Cân bằng, tranh thủ tác động tích cực

Rõ ràng dù “sóng gió” cạnh tranh Mỹ-Trung có lớn ra sao, ASEAN vẫn đã và đang lèo lái con thuyền của chính mình cân bằng “vượt bão”. Trong cả quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, ASEAN đều đã tạo ra được những bước phát triển tích cực.

Với Trung Quốc, tại Hội nghị trực tuyến cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc ngày 22/11/2021 để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc và ASEAN đã thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh: "Đây là một cột mốc mới trong lịch sử quan hệ ASEAN-Trung Quốc và sẽ tạo động lực mới cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực chúng ta cũng như toàn thế giới".

Với Mỹ, tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ mang tính chất lịch sử vào tháng 5 vừa qua, ASEAN và Mỹ cam kết thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa thực chất, hiệu quả và cùng có lợi tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 10 vào tháng 11 tới đây.

Như vậy, tham vọng của cả Trung Quốc và Mỹ để gây ảnh hưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là rất rõ ràng, nhưng ASEAN vẫn nỗ lực cân bằng để giữ vững vai trò trung tâm của mình trong khu vực. ASEAN đã chứng tỏ là một tổ chức hữu hiệu để các quốc gia trong khu vực hạn chế tác động tiêu cực của cạnh tranh nước lớn, trong khi vẫn tranh thủ được các tác động tích cực.

Lịch sử tồn tại và phát triển 55 năm của ASEAN là cơ sở quan trọng để tin tưởng, các quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố đồng thuận, phát huy tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng để đưa ASEAN vượt qua những thách thức của cạnh tranh nước lớn, phát triển vững mạnh, góp phần vào an ninh, ổn định và phát triển của từng quốc gia thành viên, cũng như của khu vực và thế giới.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
ASEAN khéo léo giữa cạnh tranh Mỹ-Trung, tìm đúng hướng để phục hồi và tăng trưởng hậu đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO