
Ngày 10.6, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, đơn vị vừa xử trí thành công một ca ngộ độc nặng ít gặp. Đây là người bệnh nam, 52 tuổi, được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng suy hô hấp giảm oxy máu nặng, SpO2 chỉ còn 30%, do yếu liệt cơ toàn thân.
Khai thác bệnh sử, người bệnh bắt được con so biển ở Cần Giờ, tự chế biến và ăn. Khoảng 30 phút sau, người bệnh bắt đầu có triệu chứng tê miệng, cứng hàm, tê lưỡi, yếu dần tay chân rồi nhanh chóng chuyển sang suy hô hấp.
Tại bệnh viện địa phương, người bệnh được xác định ngộ độc tetradotoxin do ăn nhầm so biển - một loài có hình dạng giống con sam nhưng chứa độc tố nguy hiểm.
Đội ngũ bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 nhanh chóng đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy do cơ hô hấp người bệnh đã bị liệt và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và chống độc.
Nhận định đây là ca ngộ độc nặng và không có thuốc giải độc đặc hiệu, các bác sĩ đã áp dụng kĩ thuật hồi sức nâng cao tại khoa. Đây là phương pháp lọc máu hấp phụ độc chất và sử dụng liên tục 3 quả lọc để tăng khả năng hiệu quả với những chất có thể tích phân bố cao như tetradotoxin.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã phục hồi sức cơ hô hấp, rút ống nội khí quản an toàn. Sau đó, người bệnh xuất viện trong tình trạng hoàn toàn ổn định.
Tại Việt Nam, so biển thường bị nhầm lẫn với sam biển, nhất là khi mua ở chợ hoặc đánh bắt ven biển. Hình dáng 2 loài này giống nhau nên chỉ những người có kinh nghiệm mới phân biệt được chính xác. Việc nhầm lẫn có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Tetradotoxin là một loại độc tố thần kinh cực mạnh, có trong một số loài sinh vật biển như cá nóc, con so biển, bạch tuộc vòng xanh... Tetradotoxin không có thuốc giải đặc hiệu, chỉ cần một lượng nhỏ cũng có thể gây yếu cơ liệt cơ hô hấp, dẫn đến ngừng thở và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.Điều đặc biệt nguy hiểm là độc tố này không bị phá hủy bởi nhiệt. Vì vậy, dù nấu chín, nguy cơ ngộ độc vẫn tồn tại nguyên vẹn.