Ammolite: Khi sống là sinh vật cổ đại, chết đi hóa thành đá quý hiếm hơn cả kim cương

Nguyệt Phạm| 07/10/2021 10:32

Đá Ammolite được đánh giá là một trong 10 loại đá quý độc nhất từ động thực vật hiếm có hơn cả kim cương.

"Chân thân" của đá Ammolite là gì?

Năm 1908, nhóm nghiên cứu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Canada trong một chuyến khảo sát tại bờ sông St. Mary ở miền nam Alberta đã tình cờ đào trúng một vỏ ốc khổng lồ. Tuy có hình dáng giống vỏ ốc nhưng thứ họ tìm được có kết cấu cứng như một hòn đá.

Ngoài ra, hòn đá hình ốc sên khổng lồ này có màu sắc sặc sỡ óng ánh tuyệt đẹp. Tuy nhiên ở thời điểm đó, mọi người chỉ nhận định viên đá này là một dạng hóa thạch của ốc cổ đại.

Ammolite: Khi sống là sinh vật cổ đại, chết đi hóa thành đá quý hiếm hơn cả kim cương - Ảnh 1.

Vào thế kỷ 19, trong một chuyến khảo sát, nhóm nghiên cứu địa chất Canada đã tình cờ tìm thấy một hóa thạch cổ hình vỏ ốc. (Ảnh: Sohu)

Sau này, các nhà khảo cổ đã xác định được rằng thứ mà nhóm nghiên cứu người Canada tìm thấy chính xác là loài Ammonite cổ đại. Ammonite còn có tên gọi khác là cúc đá, chúng là một nhóm các loài động vật không xương sống biển trong phân lớp Ammonoidea thuộc lớp chân đầu. Cúc đá cổ đại có nhiều nét tương đồng với các loài như bạch tuộc, mực ống mặc dù chúng sống trong lớp vỏ của ốc.

Ammonite chết đi và xác của chúng chìm xuống đáy biển. Sau hàng trăm triệu năm bị chôn vùi dưới lớp đá trầm tích, chúng biến thành đá cứng. Do sự vận động của vỏ Trái đất nên các hóa thạch này đã bị đẩy lên sát mặt đất, dưới tác động của thời tiết mới dần lộ ra các hóa thạch. Chúng đã tuyệt chủng từ cách đây 65 triệu năm từ kỷ phấn trắng (cùng với thời Khủng Long). Đây là yếu tố giúp cho loại đá này trở nên quý hiếm và giá trị.

Mãi tới năm 1962, bất ngờ trong một buổi triển lãm đồ trang sức tại Nanton, Canada, một nhóm người yêu thích đá quý lần đầu tiên đã sử dụng những viên đá hình ốc sên nhiều màu này chế tác thành đồ trang sức. Kể từ đó, loại đá này đã chính thức "bước chân" vào lĩnh vực trang sức.

Ammolite: Khi sống là sinh vật cổ đại, chết đi hóa thành đá quý hiếm hơn cả kim cương - Ảnh 2.

Mãi cho tới gần đây, Liên đoàn Trang sức Quốc tế mới công nhận Ammolite là đá quý tự nhiên. (Ảnh: Sohu)

Tới năm 1967, cụm từ đá Ammolite chính thức được giới thiệu như một danh từ riêng. Trước đó, loại đá này thường được gọi dưới cái tên "Bảo thạch nhiều màu sắc", Calcentine" hay là "Korite".

Sau đó, vào năm 1981, Liên đoàn Trang sức Quốc tế (CIBJO) đã chính thức công nhận đá Ammolite là đá quý. Và từ đó, đá Ammolite nhanh chóng được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Nó cũng được ca ngợi là một trong những loại đá quý hữu cơ trẻ nhất được nhân loại công nhận trong 50 năm trở lại đây.

Vì sao đá Ammolite quý hiếm hơn cả kim cương?

Giá trị của đá Ammolite sẽ tăng lên nếu nó sở hữu những màu sắc hiếm, ánh kim mạnh và óng ánh. Khi nhìn với nhiều góc độ khác nhau thì có thể nhìn viên đá được nhiều màu sắc hơn. Ngày nay, Korite International là đơn vị duy nhất đang khai thác Ammolite trên thị trường.

Ammolite: Khi sống là sinh vật cổ đại, chết đi hóa thành đá quý hiếm hơn cả kim cương - Ảnh 3.

Đá Ammolite được đánh giá là quý hiếm và giá trị hơn cả kim cương. (Ảnh: Sohu)

Nó là hóa thạch từ vỏ loài Ammonite, với thành phần chủ yếu Aragonit, cùng với khoáng chất có trong xà xừ, với cấu trúc vi mô giữ nguyên từ vỏ. Nó là một trong số ít đá quý hữu cơ, gồm có hổ phách và ngọc trai. Chính vì thế, nó được đánh giá là một trong những loại đá tự nhiên quý hiếm hơn cả kim cương.

Liên đoàn Trang sức Quốc Tế (CIBJO) đã căn cứ vào thành phần khoáng có trong hóa thạch của Ammonite để chia chúng thành 2 loại chính là bị sắt hóa và cát hóa. Tuy thành phần chính trong đá Ammolite là nhôm, bari, crom, đồng, sắt, magiê, mangan… nhưng chúng lại không phải là yếu tố tạo ra màu sắc đặc biệt của viên đá.

Thực chất, màu sắc rực rỡ của đá Ammolite mà chúng ta thấy là do sự phản chiếu các màu sắc khi được chiếu bằng ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo lên nó. Màu sắc mà nó hiển thị phụ thuộc vào độ dày của nó. Các sóng ánh sáng từ các độ sâu khác nhau trên bề mặt viên đá sẽ giao thoa với nhau và tạo nên các màu sắc khác nhau hiển thị trên mắt chúng ta.

Có thể hình dung mỗi một viên đá Ammolite có chứa nhiều lớp màu sắc khác nhau, tựa như một cuốn sách nhiều trang. Khi ánh sáng chiếu vào các cấp độ khác nhau, nhiễu xạ sẽ khiến cho màu sắc trên viên đá hiển thị với nhiều màu sắc khác nhau.

Ammolite: Khi sống là sinh vật cổ đại, chết đi hóa thành đá quý hiếm hơn cả kim cương - Ảnh 5.

Chỉ có khu vực miền nam Alberta, Canada có thể tìm thấy loại đá Ammolite với hiệu ứng 7 sắc cầu vồng phát sáng trên bề mặt. (Ảnh: Sohu)

Đá Ammolite có chất lượng tốt sẽ hiển thị đủ phổ màu với 3 màu chủ đạo, có độ đều màu tốt và màu sắc có thể nhìn thấy từ mọi góc độ. Đặc biệt, màu hồng và xanh lam khá hiếm gặp, các hoa văn bất thường và độ sâu của màu sắc, ánh sáng, vết mờ và vết nứt trên bề mặt đều đóng vai trò quan trọng trong việc định giá loại đá quý này.

Tuy Ammonite có thể tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới nhưng chỉ duy nhất các vỏ hoá thạch nằm ở miền nam Alberta, Canada là có thể hình thành nên loại đá Ammolite có hiệu ứng 7 sắc cầu vồng phát sáng trên bề mặt đá. Vì thế, tại Canada, đá Ammolite được coi là quốc bảo đá quý của đất nước này.

Ý nghĩa của đá Ammolite đối với các quốc gia

Ngọc ốc Ammolite không chỉ có lịch sử lâu đời mà nó còn mang trong mình nhiều ý nghĩa khác nhau đối với các quốc gia. Căn cứ trên các sử liệu, các nhà khảo cổ đã tìm ra 4 truyền thuyết về đá Ammolite như sau:

► Người La Mã đặt tên đá Ammolite theo tên thần Mặt trời của người Ai Cập cổ đại là Ammon. Theo các nhà khoa học, họ đã lấy cảm hứng đặt cái tên này dựa trên hình dáng của loại đá ốc hóa thạch này giống với cặp sừng xoắn ốc mà thần Ammon đội trên đầu.

Đối với nhiều quốc gia, Ammolite không chỉ là một viên đá quý mà nó còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt gắn liền với văn hóa và lịch sử. (Ảnh: Sohu)

► Tại Ireland, đá Ammolite còn được gọi là rắn hóa đá. Nó bắt nguồn từ truyền thuyết lâu đời kể về một nữ tu, người đã cứu dân chúng thoát khỏi sự tấn công ồ ạt của loài rắn. Nàng đã biến những con rắn thành đá và từ đó viên đá Ammolite ra đời. Sau đó, người dân đã phong nàng làm thánh nhờ công lao này.

► Ở Đức, người ta lại gọi Ammonite là một con ốc vàng. Đá Ammolite ở Đức được gắn với truyền thuyết là nếu bạn vô tình tìm thấy những viên đá này cũng có nghĩa là bạn đã được thần may mắn, hạnh phúc ban phước cả đời.

► Tại đất nước mặt trời mọc – Nhật Bản, đá Ammolite là biểu tượng của sự vĩnh cửu bởi tuổi đời của nó lên tới 70 triệu năm. Họ tin rằng những chiếc nhẫn cưới được trang trí bằng đá Ammolite mang ngụ ý chúc cho tình yêu của 2 người mãi mãi bền lâu. Thậm chí, trong đám cưới của mình, Nhật Hoàng cũng sử dụng đá Ammolite để bày tỏ tình yêu cùng người vợ của mình.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ammolite: Khi sống là sinh vật cổ đại, chết đi hóa thành đá quý hiếm hơn cả kim cương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO