Ai nắm bí mật vụ sữa giả?

15/04/2025 17:41

Trong vòng 4 năm, từ năm 2021 đến nay, 573 loại sữa bột giả đã được phân phối ra thị trường, thu lợi bất chính 500 tỉ đồng.

Những con số khủng. Hơn thế là hành vi sản xuất, quảng cáo hàng giả đẩy tới sức tiêu thụ mạnh trên thị trường đã lọt qua mọi cánh cửa kiểm tra liên ngành, hậu kiểm. Chỉ khi chừng ấy lượng vi chất, dinh dưỡng giả dưới cái vỏ “đạt chất lượng quốc tế” đã đi thẳng vào dạ dày của không ít người tiêu dùng là phụ nữ mang thai, người bệnh tiểu đường, trẻ sơ sinh… thì mới vỡ ra rằng “không hề được kiểm nghiệm dưỡng chất, kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng”!

Đến lúc này, chỉ với một câu hỏi: Cơ quan quản lý ở đâu khi hàng trăm loại sữa giả “chảy” trên thị trường hàng năm như thế, thì bảng trả lời đã được cùng lúc “đá” qua vài ba cơ quan có trách nhiệm.

Căn bản là do lỗ hổng sữa dạng bột được xếp vào danh mục thực phẩm nên quy trình sản xuất và đưa ra thị trường kinh doanh của các sản phẩm sữa hiện nay là được phép tự công bố. Sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh và chịu trách nhiệm hoàn toàn về sản phẩm đó.

Và một khi tổ chức, cá nhân đã gian - tham mà sản xuất hàng giả, tìm mọi cách đánh bóng, gian lận chất lượng sản phẩm thì nút chặn đầu tiên đã bị bỏ qua.

Tiếp đến các công cụ quản lý để thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ, hậu kiểm của cơ quan chức năng đối với hoạt động sản xuất, cung ứng đối với các hãng sữa dù đã có “bảng phân vai” nhưng rõ ràng không hoàn thành “vai diễn”, thậm chí bỏ trống “sân khấu” cho gần 600 loại sữa múa may, vẽ vời, lợi dụng những kẽ hở để lừa dối, làm hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Luật An toàn thực phẩm, việc quản lý an toàn thực phẩm được giao cho các bộ Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công thương và UBND các cấp.

Nhưng với sản phẩm mà đầu vào do tự công bố, lại không chọn đi vào hệ thống bán lẻ, siêu thị, đại lý chính thức mà tìm mọi cách bán trực tiếp cho người tiêu dùng, qua các hội thảo… cộng với 
chuỗi kiểm tra, kiểm nghiệm, hậu kiểm gần như được chăng hay chớ, chỉ vì không tiếp nhận phản ánh của khách hàng nên khâu kiểm tra, hậu kiểm gần như bị bỏ qua.

Và hệ quả về mặt trách nhiệm đang “diễu phố”: nào là Bộ Công thương chỉ quản lý các mặt hàng sữa chế biến, sữa dạng bột. Còn sữa có bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng thì do Bộ Y tế. Đến đây, từ vai trò chỉ đạo liên ngành, từ Bộ Y tế xuống đến Cục An toàn thực phẩm đã có cú “rẽ bóng” đồng trách nhiệm sang UBND cấp tỉnh, cụ thể là sở y tế các địa phương - nơi “có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi”.

Với 573 loại sữa giả lần này thì “bóng trách nhiệm” đang lăn về các trụ sở của các công ty đóng tại quận Hà Đông, Hà Nội.

Nhưng đường đi của nó, cũng đã kinh qua chừng ấy cơ quan hữu quan, với hàng trăm mặt hàng sữa giả, quảng cáo rầm rộ qua 4 năm mà không một cái ngoái nhìn, chí ít một cú giật mình trách nhiệm để tự hỏi: ở đâu ra lắm dưỡng chất, vi chất “chất lượng quốc tế” như thế, lại ra rả trên các mạng xã hội chứ không từ “chính ngạch”?

Hơn ai hết, tôi nghĩ những người trong hệ thống quản lý đủ sức nhận diện, hiểu - biết ngóc ngách đường đi của những sản phẩm giả, hàng kém chất lượng đang trôi - nổi trên thị trường. Chỉ là họ có trách nhiệm lên tiếng phát giác, kiểm tra hay không mà thôi!

Theo nongthonviet.com.vn
https://nongthonviet.com.vn/ai-nam-bi-mat-vu-sua-gia-67fe157a5cfe901505be9f97.ngn?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR7fyQEqEIfyWDBjB9NO2SzyqAtiUaBUr9tT3skJnwm8y6iE3zDsX8SLKw0AZA_aem_VKuU5du0L8RaHMOQHdXAEg
Copy Link
https://nongthonviet.com.vn/ai-nam-bi-mat-vu-sua-gia-67fe157a5cfe901505be9f97.ngn?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR7fyQEqEIfyWDBjB9NO2SzyqAtiUaBUr9tT3skJnwm8y6iE3zDsX8SLKw0AZA_aem_VKuU5du0L8RaHMOQHdXAEg
    Nổi bật
        Mới nhất
        Ai nắm bí mật vụ sữa giả?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO