Ở nhiều nơi, việc cho cán bộ đi nước ngoài đến nay vẫn còn tình trạng kém hiệu quả và lãng phí. Thậm chí, nhiều nơi còn ví đó như một “món quà” đặc biệt cho các cán bộ cao tuổi trước giờ... hạ cánh. Hàng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách đáng kể để các nhà khoa học đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Tuy nhiên, ở nhiều ban, ngành, địa phương, hoạt động này đến nay vẫn còn tình trạng kém hiệu quả và lãng phí. Thậm chí, nhiều nơi còn ví đó như một “món quà” đặc biệt cho các cán bộ cao tuổi sắp nghỉ hưu.
Đi nước ngoài - nặng về “giải quyết chính sách”?
Có một thực tế là ở không ít cơ quan, việc bố trí đoàn đi nước ngoài còn nặng về “giải quyết chính sách”, tham quan, du lịch... Không thiếu trường hợp, người được cử đi là những cán bộ cao tuổi, sắp về hưu. Người ta coi đó như là suất đi “dối già” tặng cho nhau. Cũng có trường hợp cán bộ được cử đi không làm công tác nghiên cứu, mà ở các vị trí như hành chính, thư viện, lái xe... Việc lựa chọn này thường do lãnh đạo “nhắm trước” và chỉ thông báo cho cơ quan như “sự đã rồi”. Cán bộ khác trong cơ quan không có cơ hội hoặc đa phần không dám có ý kiến. Nực cười hơn, còn có cán bộ được cử đi có trình độ ngoại ngữ ở mức độ mà để giới thiệu đầy đủ về bản thân cũng khó khăn. Vậy mà họ vẫn hồn nhiên tự hào bước lên máy bay sang học hỏi xứ người. Chẳng thế mà, trong lần phát biểu mới đây nhất trước báo giới, Thứ trưởng bộ Nội vụ, Trần Anh Tuấn cho biết, hiện nay, các bộ ngành đều có quy định riêng về quản lý đi công tác nước ngoài, nhưng do một số nơi thực hiện chưa nghiêm nên gây ra lãng phí trong quá trình đi công tác. Một số cơ quan nghiêng nặng về giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, đi không xác định mục đích công việc rõ ràng, nên đã gây lãng phí ngân sách Nhà nước (NSNN).

Cần thắt chặt lại những chuyến đi công tác nước ngoài cho cán bộ bằng tiền ngân sách - Ảnh minh họa.
Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, trước hết, người lãnh đạo là người quyết định các chuyến đi nước ngoài, nếu không nhận thức được đầy đủ mục tiêu và xác định rõ nội dung, kết quả của việc đi nước ngoài thì việc cử cán bộ công chức đi sẽ không hiệu quả, gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước. Vô hình trung họ trở thành người vô trách nhiệm trong quản lý NSNN cung cấp cho cơ quan mình. Có nhiều lãnh đạo chưa gương mẫu, đi quá nhiều lần trong một năm, thậm chí đi 5, 7 đến 10 lần.
Nhập nhèm nghiên cứu - vui chơi mua sắm
Trước thực trạng ồn ào chuyện cán bộ đi công tác nước ngoài, mới đây, bộ LĐ- TB&XH vừa có văn bản gửi thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, yêu cầu các đơn vị không được đi công tác nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp đài thọ. Tổng cục Thuế cũng thắt chặt vấn đề này hơn bằng việc quy định, việc cử cán bộ tham gia các đoàn đi công tác nước ngoài phải có đề cương rõ ràng, nội dung thiết thực, sự cần thiết của chuyến công tác phải gắn với nhiệm vụ của đơn vị. Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng mạnh tay không kém khi ban hành văn bản cấm cán bộ thành phố tham gia các đoàn đi nước ngoài do doanh nghiệp tổ chức và đài thọ, hoặc do công ty nước ngoài mời đích danh.
Nhiều chuyên gia khi được PV bản báo tham vấn đều có chung nhận định, ngân sách cử cán bộ khoa học đi công cán lấy từ tiền thuế của dân và vì thế, nó phải được sử dụng một cách hiệu quả, dân chủ, công bằng, công khai và minh bạch. Thêm vào đó, những người được cử đi phải là “tinh hoa” của mỗi cơ quan, có như thế, việc trao đổi, hợp tác khoa học mới có thể được thực hiện, đem lại ích lợi cho bản thân cơ quan ấy hay rộng ra là nước nhà. Bằng không, kết quả của những chuyến đi ấy sẽ chỉ là những vali ních đầy hàng ngoại giảm giá.
Ai cũng biết các chuyến công du trời Tây là lãng phí, tiêu ngân sách vô tội vạ, song cũng không ít chuyên gia phàn nàn, chính chuyện nhập nhèm giữa việc đi nước ngoài vui chơi, mua sắm với đi nghiên cứu, tìm hiểu, học tập đã làm ảnh hưởng đến các đoàn công tác làm việc nghiêm túc. Bởi lẽ, có không ít cán bộ, không ít cơ quan, sau khi học hỏi kinh nghiệm ở nước bạn, đã đưa về nhiều cải tiến hữu ích.
Theo báo cáo của bộ Ngoại giao, năm 2012 có 3.780 đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài và năm 2013, dù có giảm nhưng vẫn tới hơn 3.200 đoàn xuất ngoại. Như vậy, ước tính mỗi ngày có hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài bằng NSNN. Năm 2014 đã có chuyển biến theo hướng tiết kiệm hơn, số lượng các đoàn Trung ương ra nước ngoài (từ cấp Thứ trưởng trở lên) giảm khoảng 20% so với năm 2013, các đoàn địa phương giảm trên 8%. |
TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TW:  Hãy coi là một lời cảnh báo Một sứ quán ở nước ngoài nói với tôi, bình quân mỗi năm đón tiếp 200-220 đoàn công tác từ Việt Nam sang, có đoàn tới 60 người. Những chuyến đi như vậy có cần đoàn đông đến thế không, chi phí tốn kém nhưng đã hiệu quả chưa? Hãy coi là một lời cảnh báo rất nghiêm khắc rằng không thể tiếp tục chi ngân sách một cách quá dễ dãi như người dân hay đùa là “tiêu tiền chùa”. |
Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra TW:  Đi không đúng chuyên môn, mất uy tín, làm hư cán bộ Khi tôi làm việc, thấy có tình trạng đoàn này đi, đoàn khác đến lại vẫn nội dung như thế... Đặc biệt đi không đúng chuyên môn, đi giải quyết chính sách rất mất uy tín với bạn bè, đối tác nước ngoài, việc như vậy còn làm hư cán bộ… Về vấn đề này, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài nhằm tránh lãng phí ngân sách, tăng hiệu quả thiết thực của các chuyến đi. Đây là Chỉ thị trong nội bộ Đảng, là tín hiệu nhắc nhở cấp ủy và cán bộ đảng viên trước tiên phải chấp hành. Với Đảng cầm quyền thì các lãnh đạo, đảng viên của Đảng phải gương mẫu. Bộ Chính trị ban hành chỉ thị cho thấy rằng việc thực hiện nó phải được tiến hành từ trong Đảng ra, từ trên xuống dưới. Phương pháp này là đúng sứ mệnh của Đảng - đội quân tiên phong. Đây cũng là việc làm cụ thể để đưa Nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống. |
Thiếu hệ tiêu chuẩn cho việc lựa chọn cán bộ đi nước ngoài Cho đến nay, hầu như chưa có hệ tiêu chuẩn rõ ràng đối với việc lựa chọn cán bộ khoa học đi công tác ở nước ngoài. Đây là khởi đầu cho nhiều bất cập. Có lẽ cần xác định tiêu chuẩn ngoại ngữ như là điều kiện “cần” tiên quyết bởi khác với các ban ngành khác, Nhà nước không có ngân sách dành cho việc thuê phiên dịch hỗ trợ các nhà khoa học. Một tiêu chuẩn quan trọng khác là năng lực chuyên môn. Để đồng thời làm được cả ba việc này, ngoài ngoại ngữ, cán bộ được cử đi phải là người có đủ kiến thức chuyên môn, tầm nhìn. Bên cạnh đó, cán bộ được dự kiến cử đi phải có bản đề cương chi tiết cho chuyến đi, bao gồm đi đâu, tại sao lại chọn nơi đó, làm việc với ai, trao đổi những gì, học hỏi những gì…? Đây không phải là vẽ ra thủ tục để “hành” cán bộ, mà trên thực tế, đây là các quy trình tối thiểu trong hoạt động trao đổi khoa học. Quy định về tuổi đời có thể không quá quan trọng nhưng cũng cần có hạn mức, bởi việc cử cán bộ chỉ còn vài tháng nữa sẽ về hưu đi liệu có ích lợi gì? Nhất là khi cả một hàng dài cán bộ trẻ đủ ngoại ngữ, thừa sức khỏe, đam mê vẫn thầm lặng, nhẫn nại đợi chờ? |
GS.TS Ngô Đức Thịnh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam):  Việc chi tiền mà đi mang lại hiệu quả thì rất tốt Theo tôi được biết, Việt Nam là một trong những nước đi nước ngoài nhiều nhất. Tất nhiên, việc chi tiền mà đi mang lại hiệu quả thì rất tốt. Nhưng kinh nghiệm trong chuỗi thời gian vừa qua cho thấy việc đi nước ngoài của chúng ta hiệu quả kém. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bây giờ người ta biến những cuộc đi công tác nước ngoài, đi nghiên cứu khoa học thành việc đi chơi, đi du lịch. Tất nhiên không phải đoàn nào đi cũng không hiệu quả. Có những đoàn đi nước ngoài mang lại dấu ấn tốt cho Việt Nam. Chính vì việc đi nước ngoài ồ ạt nên chúng ta cũng cần phải xem xét lại. Mỗi đoàn đi nước ngoài phải nêu rõ mục đích đi làm gì và khi về phải báo cáo kết quả. Hai nữa là đại sứ quán các nước cần nắm để hiểu và theo dõi tình hình, hoạt động của chuyến đi. |
Trần Quyết – Trung Dũng
VietBao.vn