 |
Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phóng viên |
Hội chứng đầu tư không tuân thủ qui hoạch, đầu tư theo kiểu “phong trào” đang có dấu hiệu trở lại! Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đã cảnh báo như vậy khi thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2003 và nhiệm vụ năm 2004 của Chính phủ. Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời báo TT như sau bên hành lang Quốc hội:
- Đó là lời cảnh báo rất tốt. Tuy nhiên chúng ta cần phân tích rõ tình trạng “phong trào” thể hiện ở những ngành, lĩnh vực cụ thể nào. Tôi nói ngay như mía đường, các dự án đều phục vụ chương trình 1 triệu tấn. Nghĩa là có kế hoạch nhưng do cách làm có sai sót nên chưa đem lại hiệu quả thiết thực chứ không đơn thuần chạy theo “phong trào”.
+ Vậy Phó thủ tướng lý giải thế nào về con số nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản đã lên tới 11.000 tỉ đồng với nhiều dự án ngoài qui hoạch, kế hoạch...?
- Chỗ này cũng phải nói rõ để chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo địa phương. Ở mỗi huyện, mỗi xã ai mà chẳng muốn làm hệ thống điện - đường - thủy lợi cho tốt. Kẹt ở chỗ nguồn vốn ta ít, ngân sách chưa rót tới mà các vị lãnh đạo thì lại nóng ruột với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên cứ tranh thủ làm.
+ Chủ trương của Chính phủ kiên quyết không thanh toán những công trình ngoài qui hoạch, vậy những dự án dở dang hiện nay sẽ được xử lý như thế nào, thưa Phó thủ tướng?
- Muốn không kiên quyết cũng không được vì chúng ta lấy đâu ra tiền mà giải quyết! Ngân sách phân bổ đâu ra đấy hết rồi, không thể phát hành trái phiếu để huy động tiền vốn của dân mà thanh toán cho những công trình như vậy được.
"Chặng đường khó khăn hơn đang còn ở phía trước. Điều đó đòi hỏi phải tiếp tục nâng tầm tư duy và kiến thức trong công tác lãnh đạo, quản lý cũng như trong hoạt động kinh tế - xã hội, phải vượt qua những trở lực nảy sinh từ lợi ích cục bộ, cá nhân và những thói quen lỗi thời trong suy nghĩ và hành động"
(Trích phát biểu của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).
|
|
+ Thưa Phó thủ tướng, Chính phủ dự kiến mỗi năm huy động khoảng 7.000 tỉ đồng từ trái phiếu, liệu như vậy có quá sức dân?
- Chính phủ nhận thấy nếu dành 28-30% tổng chi ngân sách để chi đầu tư phát triển vẫn không thấm vào đâu so với nhu cầu hiện nay. Năm 2003, các công trình chính đáng mà các bộ ngành, địa phương đưa lên cần khoảng 100.000 tỉ (làm tròn số) nhưng chúng ta mới đáp ứng được 50.000 tỉ.
Bây giờ Chính phủ phát hành trái phiếu để đầu tư vào hai loại công trình: giao thông và thủy lợi. Đây đều là những dự án lớn, then chốt, có ý nghĩa phát triển cho từng vùng và cả nước. Để rồi ngân sách hằng năm sẽ có thêm khoản bố trí cho các công trình khác. Lợi ích rõ ràng hết sức thiết thực.
Tuy nhiên ở đây có hai vấn đề cần chú ý. Thứ nhất, lãi suất trái phiếu sẽ chi phối lãi suất tín dụng thương mại. Do đó chúng ta cần xem xét kỹ để tránh cản trở việc điều tiết giảm lãi suất cho vay đang còn quá cao, bất lợi cho đầu tư kinh doanh. Thứ hai, kinh phí đầu tư cho công trình sử dụng nguồn vốn này phải tính cả lãi suất trái phiếu (với lãi suất hiện nay, chi phí đầu tư sẽ tăng gấp rưỡi sau 5-6 năm). Vì vậy, yêu cầu đặt ra là càng phải hết sức chặt chẽ về mục đích sử dụng, tiến độ xây dựng và chống lãng phí, tham nhũng.
+ Tại sao Chính phủ không phát hành trái phiếu ra nước ngoài, thưa Phó thủ tướng?
- Việc này cần tính toán kỹ vì phụ thuộc nhiều yếu tố. Trước hết lãi suất bên ngoài ta có chấp nhận được không, trả nợ được không? Mặc dù hệ số tín nhiệm của nền kinh tế chúng ta đang tăng lên song “giá chào” bên ngoài vẫn ở mức trên dưới 9%, trong khi lãi suất ngoại tệ gửi ngân hàng trong nước hiện chỉ 2-3%. Vậy thì tội gì chúng ta không huy động trong nước?
Đương nhiên việc phát hành trái phiếu ra nước ngoài cũng sẽ phải làm nhưng Chính phủ rất cân nhắc: lựa chọn công trình nào, lãi suất bao nhiêu là phù hợp, phương án trả nợ ra sao? Bởi có khi thế hệ chúng ta chưa phải trả nhưng vài chục năm nữa con cháu chúng ta lại phải gánh món nợ này.
+ Đã ba năm liên tiếp chúng ta không đạt được mức tăng trưởng GDP như mục tiêu 7,5% mà Đại hội Đảng IX đề ra. Thưa Phó thủ tướng, Chính phủ dựa vào cơ sở nào đặt mốc 8,1-8,2% vào năm 2004?
- Bình quân ba năm qua tốc độ GDP đạt 7,1%/năm. Mặc dù còn thấp hơn chỉ tiêu của kế hoạch năm năm song thật ra nếu không bị tác động bởi các yếu tố khách quan (thiên tai, chiến tranh Iraq...), khả năng 7,5% đã hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta.
Đưa ra mức phấn đấu cho năm tới, Chính phủ nhận thấy đó là một cột mốc rất cao, phải nỗ lực quyết liệt mới có thể hoàn thành. Thực tế chúng ta còn nhiều khả năng phát huy các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn vốn nhàn rỗi trong dân. Vấn đề quan trọng bây giờ là phải tạo cho được chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện tốt các biện pháp phát huy nhân tố con người.
Trong bối cảnh tích cực đổi mới cơ chế chính sách trong nước, quan hệ quốc tế ngày càng tốt đẹp, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài có triển vọng tăng nhanh hơn. Việc sửa Luật đất đai lần này cũng sẽ cho phép chúng ta có thêm nguồn lực lớn. Nguồn lực được huy động và sử dụng tốt sẽ đưa lại nhịp độ tăng trưởng GDP và xuất khẩu cao hơn và nhịp độ tăng trưởng này nhất thiết phải đi liền với chất lượng và hiệu quả. Tôi cho đây chính là nhân tố đóng vai trò quyết định để thực hiện thành công kế hoạch 2001-2005.
+ Xin cảm ơn Phó thủ tướng.
ĐÀ TRANG thực hiện