Phó Cục trưởng Cục Đường bộ (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thanh đề xuất lời giải bài toán xe "nhồi" dịp Tết: Mở mạng lưới xe buýt gom khách về các bến lớn rồi giao cho DN có năng lực, uy tín và đã trúng thầu chạy đường dài. Những DN này phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân nếu để xảy ra tình trạng xe nhồi nhét.
Dưới đây là trao đổi của ông Nguyễn Văn Thanh với TS.
 |
Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ VN (Ảnh: Chí Hiếu)
|
Xe nhồi Mậu Tý "nguội" hơn mọi năm?
Thưa ông, xin ông nhận định về tình trạng xe nhồi nhét dịp Tết năm nay so với năm ngoái và những năm trước?
Không căng như năm ngoái, dù tình hình xe nhồi nhét khách vẫn diễn ra.
Nói không căng ở chỗ: Lực lượng kiểm tra không phát hiện thấy trường hợp xe chở khách trong hầm hàng, trên nóc xe. Hiện tượng này hàng năm rất phổ biến.
Một điều rõ ràng là xe nhồi chiều từ Bắc vào Nam sau Tết xuất hiện phổ biến hơn chiều ngược lại dịp trước Tết.
Có điều này vì trong đợt kiểm tra trước Tết tôi biết các DN trong đó đã tìm đến các khu công nghiệp, chế xuất, vùng "kinh tế mới" làm hợp đồng nghiêm chỉnh. Thời gian cũng tập trung trong vài ngày.
Trong khi sau Tết, khách phân tán, rải rác, lại đón khách dọc đường chứ không tập trung nên khó kiểm soát.
Nhưng dưluận cho rằng số vụ xe chở quá tải mà các cơ quan chức năng phát hiện và xử lí chỉ là phần nổi của "tảng băng xe nhồi nhét"...
Tôi công nhận. Dẫu sao thì các lực lượng chức năng đã căng ra và cố gắng để hạn chế một phần tình trạng này.
Cũng vì thế mà chúng tôi lập đường dây nóng để lắng nghe phản ánh của quần chúng. Chúng tôi lắng nghe và sẵn sàng đón nhận những chứng cứ từ những phóng viên trên những chuyến xe nhồi nhét để phối hợp với các lực lượng chức năng xử lí kịp thời.
100 tin báo xe nhồi qua đường dây nóng
Vậy đường dây nóng của Cục Đường bộ có nhận được sự hợp tác của quần chúng nhân dân không? Hiệu quả và xử lí ra sao, thưa ông?
Mỗi ngày đường dây nóng của tôi nhận 15-20 cuộc điện thoại. Từ Tết đến giờ hơn 100 cuộc.
Từ 26/1 đến 16/2, trên quốc lộ 1A từ HN-TP.HCM có gần 3000 lượt xe ô tô chở khách vi phạm bị lập biên bản, trong đó có 1000 lượt chở quá tải từ 10 người trở lên. Có 4 xe chở quá tải từ 40-66 người |
Tuy nhiên, qua kiểm tra, gần như tất cả phản ánh này đều của khách đón xe trên đường, không đến bến mua vé, đi xe theo đúng quy định và đa số phương tiện này không phải là các xe được chấp thuận chạy tuyến cố định.
Cũng có trường hợp họ yêu cầu chúng tôi phải "xử". Nhưng tôi cũng chỉ biết cho số điện thoại trạm kiểm soát, cơ quan CSGT gần nhất. Trường hợp bức xúc quá thì chúng tôi gọi điện báo cho trạm gần nhất.
Còn sự phối hợp của các cơ quan chức năng, có đem lại hiệu quả như mong muốn?
Phải thú thật, năm nay mới là... lần đầu tiên 2 cục (Cục Đường bộ và Cục CSGT Đường bộ - Đường sông) ngồi lại với nhau trong hai hội nghị triển khai kế hoạch đàng hoàng. Trước đây chưa có hội nghị để làm đến nơi đến chốn.
Tôi cũng nói thẳng với Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sông, Cục CSGT Đường bộ - Đường sông cứ chỉ đạo ngành dọc, xử phạt thật nghiêm đúng quy trình chứ không phải lo giam xe mà vận tải không có xe. Đó là việc của ngành vận tải sẽ lo. Miễn sao đừng giữ xe giữa đồng không mông quạnh mà phải đưa xe về bến để khách có chỗ trú ngụ, bắt xe khác tiếp tục hành trình.
Chủ tịch UB An toàn giao thông Quốc gia cũng đã kí văn bản, ứng tiền trả cho các xe điều động bất thường. Sau đó lấy tiền phạt của các xe vi phạm bù vào.
Ở dưới, các sở công an và GTVT đã phối hợp tốt, buộc các DN kí cam kết... Song nó cũng chỉ là... mệnh lệnh hành chính nên hiệu quả còn hạn chế...
 |
Những chuyến xe nhồi mà các lực lượng chức năng phát hiện chỉ là phần nổi của "tảng băng xe nhồi"! (Ảnh: VNN)
|
"Nhặt" khách cho DN uy tín, chất lượng chạy đường dài
Như vậy là, không có cách nào dẹp bỏ hẳn xe nhồi dịp Tết?
Để xử lý tình trạng này, phải giải quyết tận gốc của vấn đề. Đó là quy hoạch lại ngành GTVT: Cả về số lượng, chất lượng, quy mô của các DN vận tải. Nhà nước chỉ nêu ra tiêu chí, điều kiện đối với các DN vận tải.
Cụ thể, DN có bao nhiêu xe trở lên. Xe đạt chất lượng mức nào, trình độ quản lí ra sao... mới được chạy đường dài. Các DN này chỉ được đón khách tại các bến, trung tâm lớn của tỉnh đổ về từ các bến xã, huyện, các điểm nhỏ lẻ dọc đường thông qua mạng lưới xe buýt liên tỉnh. Xe buýt này gắn kết các điểm nhỏ lẻ lại với nhau. Nghĩa là phải cùng lúc quy hoạch lại luồng tuyến, tại từng địa phương.
Phải cụ thể bằng luật, cơ chế. Phải làm đồng bộ.
Không thể để mãi "tự do muôn năm" như trước nay: Nhà xe có 1, 2 xe cũng cứ chạy đường dài. Ở đâu cũng có thể đón xe, bắt khách. Rồi nữa, tôi chưa thấy ở đâu chủ xe ngồi trên xe bán vé như ở ta... Loạn cả lên!
Trước nay chúng ta xe ít, đường kém, đi lại khó khăn. Nhưng nay đường khang trang, xe có đủ. Đã đến lúc phải siết chặt lại, quy hoạch lại, tổ chức quản lí lại... không để dân kêu mãi. Nếu không làm, không quản lí lại chúng ta sẽ gánh hậu quả. Có điều...
Trở ngại gì, thưa ông?
Đấy chỉ là quan điểm cá nhân tôi. Phải có nhiều người, nhiều cấp nghe "thủng" đã!
Và quan trọng là, đừng có mơ ngày một ngày hai là có thể giải quyết nạn xe nhồi nhét. Dù sao thì năm nay, nạn xe nhồi xe nhét có bớt căng thẳng đi đôi chút!
Xin cám ơn ông!
|