 |
Đại biểu Vũ Văn Tân - người nêu câu hỏi chất vấn về trách nhiệm của các quan chức trong vụ thất thoát tại các công trình SEA Games. Ảnh: L.Q.P |
Ai chịu trách nhiệm về thất thoát tại các công trình Sea Games 22?
Ngày 9/12, phần chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội trở nên "nóng bỏng" khi đại biểu Vũ Văn Tân đặt câu hỏi: "Đề nghị cho biết ai là người chịu trách nhiệm về việc thất thoát, lãng phí tại các công trình SEA Games 22 tại Hà Nội, UBND TP có ý định xử lý việc này ra sao?".
Trả lời vấn đề này, ông Lê Tiến Hào - Chánh thanh tra TP Hà Nội công bố kết quả thanh tra 5 dự án phục vụ SEA Games 22 ở Hà Nội với tổng vốn đầu tư hơn 102,5 tỉ đồng (số vốn kiểm tra 72,2 tỉ đồng) cho thấy số tiền thất thoát là 2,935 tỉ đồng. Xác định nguyên nhân dẫn đến sai phạm, ông Hào cho rằng: chủ đầu tư là Ban quản lý dự án các công trình còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí thiếu kiến thức chuyên môn; các đơn vị thi công xây dựng (bên B) đã lợi dụng sự thiếu trách nhiệm này để tăng khống khối lượng, tăng giá và thay đổi chủng loại vật tư, nguyên liệu nhằm quyết toán sai giá trị công trình để hưởng lợi bất chính; các cơ quan tư vấn, giám sát không làm đúng chức năng, lập biên bản nghiệm thu không đúng thực tế; các chủ tịch UBND quận, huyện, giám đốc Sở được TP phân cấp làm chủ đầu tư đã thiếu kiểm tra, thiếu chuyên môn nên không nắm được tình hình sai phạm. Cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi số tiền 2,36 tỉ đồng về cho ngân sách nhà nước (thu của các đơn vị thi công); kiến nghị kiểm điểm chủ đầu tư và các cơ quan giúp việc.
Đại biểu Vũ Văn Tân tiếp tục chất vấn: "Chúng ta nên quy trách nhiệm cụ thể, không nên quy trách nhiệm "rộng" như thế. Dư luận còn đặt câu hỏi về chất lượng và độ an toàn của các công trình. Vậy trong lãnh đạo UBND TP Hà Nội thì ai phải chịu trách nhiệm chính trước việc thất thoát, lãng phí của các công trình SEA Games 22 tại Hà Nội?". Ông Lê Tiến Hào xác định: "Cơ quan thanh tra chỉ nêu về những công trình có chất lượng không tốt, còn độ an toàn của công trình tồn tại được bao nhiêu năm thì do những cơ quan chuyên môn khác kết luận. Về việc quy trách nhiệm cụ thể trước việc thất thoát, lãng phí thì UBND TP cũng có trách nhiệm trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng các dự án phục vụ SEA Games 22, và tôi nghĩ một đồng chí phó chủ tịch UBND phụ trách vấn đề này sẽ chịu trách nhiệm. Còn trách nhiệm chính vẫn là chủ tịch UBND các quận, huyện và giám đốc Sở vì đã được phân công, phân cấp".
Một vấn đề mà nhiều người dân Hà Nội quan tâm là kết quả của việc hạn chế mô tô, xe máy thời gian qua và lộ trình tạm dừng đăng ký mô tô, xe máy thêm 3 quận nội thành (ngoài 4 quận đã dừng cấp đăng ký) vào đầu năm 2005. Thiếu tướng Phạm Chuyên - Giám đốc Công an TP cho biết: "Cho đến thời điểm này vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc tạm dừng đăng ký xe máy thêm 3 quận nội thành đầu năm 2005. Nhưng tính đến ngày 7/12/2004, Hà Nội đang quản lý 149.333 ô tô, 1.550.275 mô tô, bình quân 1km đường nội thành chịu tải 435 ô tô và 4.520 mô tô nên nguy cơ ùn tắc giao thông là rất lớn".
"Bó tay" trước bức xúc về giao thông và giáo dục!
Trong số cuộc trả lời chất vấn của 5 sở, ngành tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa VII ngày 9/12, những vấn đề về giao thông công chánh (GTCC) và giáo dục đã thực sự là nỗi bức xúc của cử tri cũng như đại biểu...
"Tôi xin lỗi đồng bào cử tri"! Đó là lời mở đầu của ông Hà Văn Dũng - Giám đốc Sở GTCC về việc đã để xảy ra sai sót trong phân luồng nút giao thông Phù Đổng Thiên Vương. Ông Dũng cho biết sở dĩ việc phân luồng ở đây thất bại là do phương án thay đổi quá nhiều lần, việc nghiên cứu kéo dài nhiều năm nhưng đến khi chọn phương án lại vận hành trên số liệu đếm xe... 4 năm trước. "Đây là điểm phân luồng thất bại đầu tiên trong 3 năm liên tiếp thực hiện có hiệu quả trên 30 điểm trên địa bàn TP" - ông Dũng nói. Tuy nhiên, 2 đại biểu Lê Như Ái và Đặng Văn Khoa đều không đồng ý. Ông Ái nhắc lại thất bại trong việc thí điểm cấm rẽ trái ở ngã tư Phú Nhuận, còn ông Khoa bổ sung một loạt các công trình "xương máu" trước đó như: công trường Mê Linh, bùng binh Cây Gõ, ngã bảy (Q.10)... và "Trong việc phân luồng, Sở hình như thiếu rút kinh nghiệm nghiêm túc, làm việc thiếu khoa học. Không có đề án khoa học nào lại đi dựa trên một dữ liệu nguồn đã lạc hậu, cách đó 4 năm".
Điểm mới trong chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này là cử tri TP.HCM có thể tham gia chất vấn qua số điện thoại 8274160. Trong ngày 9/12 đã có gần 300 cuộc điện thoại của cử tri gọi đến nêu ý kiến chất vấn, tập trung vào các vấn đề giao thông, cấp thoát nước, nhà đất, quy hoạch treo... Bình quân, cứ 1 phút có một cuộc điện thoại chất vấn nên máy thường xuyên bận. Một số cử tri tưởng máy 8274160 hư nên đã 2 lần gọi nhân viên bưu điện đến... sửa giùm.
|
Về tình hình ngập nước chậm được khắc phục trên địa bàn, ông Dũng cho biết mục tiêu của TP giai đoạn 2000 - 2005 là giải quyết được 70 điểm ngập, trong đó có các dự án ODA giải quyết 61 điểm. Tuy nhiên, hầu hết các dự án ODA đều gặp khó khăn nên phải sang năm 2005 mới... khởi công và đến 2008 dự kiến mới hoàn thành. Phía GTCC cũng chủ động dùng vốn "nội", tìm giải pháp để xóa được 56 điểm ngập thì lại phát sinh thêm 36 điểm mới. Đại biểu Nguyễn Văn Bạch bức xúc: "Người dân không thể nai lưng ra chịu ngập triền miên đến năm 2008. Ngành GTCC phải có giải pháp giải quyết dứt điểm từng phần chứ?".
Vẫn là nước, nhưng là thất thoát nước sạch, cũng gây bức xúc cho rất nhiều đại biểu. Đại biểu Nguyễn Minh Quang chất vấn: "Hiện cứ 3m3 ta mất 1m3. Thất thoát kéo dài nhiều năm nay không giảm, nay lại ném thêm vào 33 triệu USD liệu hiệu quả ra sao?"... Đánh giá "tổng thể" hơn, đại biểu Võ Văn Sen cho rằng: "Nhìn vào việc của Sở GTCC toàn là thất bại. Phân luồng thất bại, hơn 300 tỉ ném vào thoát nước mấy năm qua cũng thất bại..." và đề nghị "nên có một chuyên đề "mổ xẻ" trách nhiệm ngành này ra sao". Đề nghị ấy được Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo hứa "sẽ xem xét".
"Nóng" thứ hai sau GTCC là lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Văn Trung rằng "có biện pháp gì đối với bệnh chạy theo thành tích hiện nay?", ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT thừa nhận "lạm phát" học sinh xuất sắc trong mấy năm qua chủ yếu ở cấp tiểu học, có lớp xuất sắc đến 100%. Nguyên nhân chính là chuẩn đánh giá được quy định quá dễ dàng đối với học sinh tiểu học, giáo viên dễ dãi với học sinh, nhưng trong năm qua ngành GD-ĐT đã có sự chấn chỉnh sát thực tế hơn: học sinh giỏi cấp tiểu học theo đánh giá ở trường là 44,1% nhưng tốt nghiệp loại giỏi chỉ đạt 10,5%. Đại biểu Võ Văn Sen hỏi: "Thủ tướng đã từng phát biểu phải tuyên chiến với bệnh thành tích trong giáo dục, nhưng trả lời như anh Minh tôi thấy ngành giáo dục TP chưa tâm đắc lắm việc chống căn bệnh này". Ông Minh nói: "Ai đối phó thì không xứng đáng đứng trong hàng ngũ ngành giáo dục".
Tình trạng bàn ghế không đạt chuẩn, phòng học thiếu ánh sáng là nguyên nhân gây vẹo cột sống, cận thị trong học sinh... cũng thu hút sự quan tâm và là đề tài chất vấn của nhiều đại biểu, cử tri. Ông Huỳnh Công Minh cho biết chỉ trong năm học 2003 - 2004, thành phố đã đầu tư hơn 735 tỉ đồng xây dựng trường mới, bàn ghế đạt quy chuẩn và năm tới sẽ đầu tư thêm hơn 520 tỉ nữa. "Số bàn ghế không đúng quy cách nếu còn là rất ít, do quá trình lịch sử để lại và trách nhiệm quản lý của nhà trường... Vấn đề ánh sáng cũng vậy, TP đã đầu tư rất nhiều và đây là yêu cầu hàng đầu, nếu nơi nào còn thiếu thì đó là khiếm khuyết của nhà trường" - ông Minh khẳng định. Đại biểu Nguyễn Văn Minh không đồng tình: "Trả lời về bàn ghế chưa thỏa đáng. Không ít phòng học hiện nay sáng dành cho lớp 1, chiều dành cho lớp 5. Thế thì theo chuẩn nào?". Đại biểu Đặng Xuân Dũng cũng đề nghị: "Nên có một chuyên đề về giáo dục mới giải quyết hết các bức xúc". |
Việt Chiến - Đức Trung
|