Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn nằm trong tốp các tỉnh, thành phố có số lượt người khiếu nại, tố cáo nhiều, cho dù, nhiều năm qua, thành phố và các quận, huyện cùng các cơ quan chức năng liên quan đã có nhiều chương trình, kế hoạch nhằm giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực này. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó nằm ở cả hai phía: người đi khiếu nại, tố cáo và các cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Theo số liệu từ UBND thành phố, từ năm 2008 đến hết 2014, thành phố nhận được hơn 97.800 đơn khiếu nại, tố cáo; xử lý đạt tỷ lệ 99,9%. Trong đó, kết quả giải quyết khiếu nại đúng là 9%, khiếu nại sai là 77%, khiếu nại có đúng, có sai là 14%; kết quả giải quyết tố cáo đúng là 12%, tố cáo sai 69% và tố cáo có đúng, có sai 19%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo nhiều là do hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời các quan hệ phát sinh trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội; một số quy định của pháp luật còn chồng chéo và thường xuyên thay đổi làm người áp dụng lúng túng. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu kinh nghiệm… Cùng với đó, người dân chưa nắm vững Luật Khiếu nại, tố cáo và các luật, văn bản dưới luật có liên quan nên dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo sai ở mức cao và khiếu nại, tố cáo nhiều lần cho dù sự việc đã được các cơ quan chức năng giải quyết theo luật định. Tình trạng này gây ra nhiều hệ lụy xấu. Người dân cũng như các cơ quan chức năng phải tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức cho công việc này, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân và hiệu quả làm việc của các cơ quan công quyền. Thậm chí có lúc còn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Vì thế, cần phải có các giải pháp phù hợp để giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo sai. Đồng thời, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các quận, huyện và các cơ quan chủ quản trong lĩnh vực này. Như trên đã nói, mấy năm gần đây, thành phố đã có nhiều chương trình, kế hoạch và các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này, như: Thường xuyên yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện; thủ trưởng các sở, ngành tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nắm chắc tình hình khiếu nại đông người để có kế hoạch giải quyết kịp thời ngay tại cấp cơ sở; thực hiện nghiêm túc việc tổ chức đối thoại và tái đối thoại với công dân trong quá trình giải quyết. Hạn chế tối đa tình trạng đơn giải quyết tồn đọng kéo dài, quá hạn và vượt cấp lên T.Ư. Thế nhưng, kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, sự hiểu biết của người dân trong lĩnh vực này chưa cao và đội ngũ cán bộ chuyên trách về vấn đề này có nơi, có lúc chưa làm hết trách nhiệm và chưa theo kịp những diễn biến trong thực tế. Dẫn đến giải quyết chưa kịp thời và thiếu triệt để.
Do đó, trong thời gian tới, các sở, ngành của thành phố cần tăng cường phối hợp, tham gia với chính quyền cùng cấp, nhất là cấp cơ sở trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại; tố cáo và giải quyết tố cáo. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước để nhân dân hiểu, tự giác chấp hành pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh thỏa thuận hòa giải hoặc quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật. Chủ động tham gia phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết các tranh chấp ngay tại cơ sở khi có mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân thông qua các biện pháp hòa giải, tuyên truyền, giáo dục, giải thích chính sách, pháp luật. Đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở. Tăng cường hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Tổ hòa giải ở cơ sở để phòng ngừa, hạn chế phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở; phát hiện và kiến nghị chính quyền giải quyết kịp thời những thiếu sót, vụ việc tiêu cực; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền ở cơ sở…
Tóm lại, để giảm thiểu và giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo của công dân, chính quyền cũng như các sở, ngành có liên quan phải hướng mạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về cơ sở, giải quyết kịp thời và triệt để ngay tại nơi phát sinh vụ việc. MINH CHÂU
VietBao.vn